Làng Gốm Bát Tràng

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2011

Nghệ nhân Trần Văn Độ: Một tài hoa giữ hồn gốm cổ


Nghệ nhân Trần Văn Độ: Một tài hoa giữ hồn gốm cổ
(Update: 03.03.2011, GMT: +7)


Blog Battrang 360* - "Trần Văn Độ là một nghệ nhân gốm sứ Hà Nội có nhiều thành tích đóng góp vào sự phát triển gốm sứ truyền thống Bát Tràng và đã được Trung ương, cũng như chính quyền thành phố thường xuyên quan tâm và giao nhiệm vụ thực hiện các sản phẩm gốm phục vụ công tác đối ngoại", ông Lê Xuân Phô, Chủ tịch Hội Gốm sứ Bát Tràng giới thiệu.
Công tác ở Hà Nội đã hơn 40 năm, vậy mà mãi đến một ngày cuối năm tôi mới đặt chân đến làng gốm Bát Tràng; mặc dù cái làng nghề ấy chỉ cách trung tâm Hà Nội chừng 10km. Vì lần đầu tiên đặt chân đến làng Bát Tràng nên vừa đến đầu làng, tôi đã phải hỏi thăm địa chỉ cần đến; song thật không ngờ, làng Bát Tràng rộng là thế, dọc 2 bên các con đường, ngõ xóm san sát hàng, quán trưng bày la liệt các loại hàng gốm sứ; nhưng vừa hỏi đến tên nghệ nhân Trần Văn Độ thì ai cũng biết và nhiệt thành chỉ dẫn đường đi. Qua những cử chỉ ấy, tôi hiểu thương hiệu của "ông vua men gốm" này giờ đây đã ra sao?
Nhà nghệ nhân Trần Văn Độ nằm ở giữa khu chợ gốm của làng nghề Bát Tràng. Như nhiều gia đình khác ở cái làng nghề này, gia đình ông cũng có một cửa hàng rộng chừng 20m2 trưng bày các sản phẩm để vừa giới thiệu và quảng bá cho du khách trong và ngoài nước, vừa là nơi giao dịch bán buôn, bán lẻ cho các khách hàng. Còn bên trong là các căn phòng trưng bày hàng trăm các loại sản phẩm đủ loại. Có sản phẩm đã hoàn thiện từ khâu đầu đến khâu cuối. Có sản phẩm mới dừng lại ở phần thô. Còn xưởng chế tác thì ở các gian nhà phía sau.
Nghệ nhân Trần Văn độ đón và tiếp chúng tôi tại phòng khách của gia đình rộng chừng hơn 50m2. Đây là nơi ông tiếp các đoàn khách đến tham quan, giao dịch làm ăn, vừa trưng bày các tác phẩm mà tôi cho rằng nó cũng đáng được gọi là tác phẩm nghệ thuật do đích thân nghệ nhân nghiên cứu, chế tác; trong đó nổi lên là những tác phẩm mà ông đã phải đổ không biết bao mồ hôi, công sức để phục chế từ thời Lý - Trần - Lê. Thôi thì đủ loại sản phẩm từ chiếc ly hương đến cái chân đèn, bình, lọ, chum, chóe… được thể hiện qua các lớp men rạn, men chẩy qua các màu sắc khác nhau nhằm giữ cho được những văn hoa cổ xưa; giản dị mà thanh thoát.
Trước khi bắt đầu câu chuyện với chủ nhà, tôi xin phép được dành ít phút quan sát và chiêm ngưỡng các sản phẩm đã thành danh của nghệ nhân Trần Văn Độ. Có ẩn phẩm được ông trang trọng để trong tủ kính; các sản phẩm còn lại được trưng bày như thể một gian hàng ở khu triển lãm. Còn 4 bức tường của căn phòng khách là các tấm hình của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đến thăm cơ sở sản xuất của gia đình; cạnh đó là các bằng khen, giấy chứng nhận về các giải thưởng mà nghệ nhân Trần Văn Độ được trao tặng từ nhiều cấp, nhiều ngành, cũng như các hội nghề nghiệp. Trong số các bằng khen mà nghệ nhân Trần Văn Độ được trao tặng, tôi để mắt đến tấm bằng khen của Văn phòng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao ký tặng từ năm 2005 tặng nghệ nhân Trần Văn Độ "vì có công làm quà tặng các sản phẩm gốm sứ cho đoàn Thủ tướng thăm chính thức Hoa Kỳ và Canada".
Tôi dừng lại hỏi nghệ nhân Trần Văn Độ: Năm 2005, anh cũng tham gia đoàn doanh nghiệp tháp tùng Thủ tướng nước ta thăm chính thức Hoa Kỳ và Canada?
- Không, nhưng trước đó, tôi vinh dự được các đồng chí lãnh đạo Văn phòng Chính phủ tín nhiệm giao nhiệm vụ sản xuất một số sản phẩm gốm để phục vụ cho chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phan Văn Khải tại Mỹ và Canada; trong đó có ẩn phẩm: "Đỉnh gốm Bát Tràng thế kỷ XVIII" tặng Tổng thống Mỹ và 2 bình gốm khác tặng Thủ tướng Canada và phu nhân. Khi nhận nhiệm vụ, quả thực khi ấy, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì đây không chỉ là một việc hệ trọng liên quan đến tầm quốc gia mà là một vinh dự lớn cho làng gốm Bát Tràng. Do vậy, sau khi được Văn phòng Chính phủ giao nhiệm vụ, tôi đã không quản ngày đêm, suy nghĩ, tìm tòi để thể hiện các sản phẩm của mình làm sao vừa độc đáo lại phải đảm bảo được tính mỹ quan, cũng như tính văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam ta".
Theo nghệ nhân Trần Văn Độ thì trước đó vào năm 2004, ông còn tham gia sản xuất sản phẩm "Bình rượu giả cổ triều Mạc" để tặng các vị trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị ASEM 5. Năm 2006, lại theo yêu cầu của lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, nghệ nhân Trần Văn Độ lại được giao nhiệm vụ chế tác sản phẩm gốm để Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng Nhà vua Nhật Bản.
Tương tự như thế, năm 2007, nhân chuyến thăm Cộng hòa Pháp của Thủ tướng nước ta, ông lại được giao thực hiện các tác phẩm gốm sứ để Thủ tướng làm quà tặng cho các chính khách nước Pháp. Ngoài ra ông còn có nhiều sản phẩm được tuyển chọn để trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Hà Nội; Bảo tàng thành phố Điện Biên Phủ; Cung đình Huế; Khu Văn Miếu Quốc Tử Giám… Ông bảo rằng, đây chính là cơ hội để những người nghệ nhân như ông thể hiện được nét đặc trưng về đất nước và con người Việt Nam.
Nghệ nhân Trần Văn Độ bảo rằng, có 6 anh em thì cả 6 người đều tiếp nối nghề làm gồm của cha mẹ. Giờ đây, sau những tháng ngày lao động vất vả, họ đều là các chủ lò gốm ở làng nghề Bát Tràng. Riêng đối với nghệ nhân Trần Văn Độ, ngay từ năm lên 9 tuổi, anh đã được cha mẹ truyền nghề. Năm 1982, Sau 2 năm làm tròn nghĩa vụ quân sự, Trần Văn Độ trở về làng. Tại đây được tiếp nhận là công nhân, sau đó, là cán bộ kỹ thuật rồi quản đốc phân xưởng của Xí nghiệp Gốm sứ Bát Tràng. Sau một thời gian làm việc tại đây, năm 1989, anh quyết định mở lò sản xuất các sản phẩm gốm cho riêng mình. Ra ở riêng, cái khó ló cái khôn, nhà đông anh em, khi dựng nghiệp, trừ bàn tay khối óc, còn lại tất tần tật mọi cái Trần Văn Độ phải đi thuê. Đã vậy tình hình trên lại rơi vào thời điểm "vợ ốm, con đau", kinh tế gia đình kiệt quệ.
Nhưng rồi anh nói: "Chính lúc khó khăn nhất thì lại là lúc anh thành công nhất". Đó là việc cho ra đời dòng men ngọc. "Ở làng gốm Bát Tràng, mỗi người thợ, mỗi một gia đình làm nghề gốm đều có sở trường khác nhau. Có người chú ý nhiều về đường nét sao cho nước men sáng màu, ít vẽ trang trí. Có người lại chỉ để tâm đến những kiểu tráng men 2 lớp trong một sản phẩm hoặc sáng tạo để cho ra lò những đồ gốm thô, gốm men chẩy. Riêng tôi chọn cho mình một lối đi riêng. Đó là việc tìm tòi phục chế những hình khối, màu men cổ" - nghệ nhân Trần Văn Độ nói.
Sau thành công ấy, anh đã đưa vào sản xuất đại trà các sản phẩm gốm nhằm tiêu thụ ở thị trường trong nước và nước ngoài. Đến nay trong gia tài của nghệ nhân này đã có hơn 70 loại men cổ. Riêng dòng men ngọc, nghệ nhân Trần Văn Độ đã sở hữu tới 12 công thức pha chế khác nhau, trong số đó dòng men nâu trầm từ trước đến nay chưa hề xuất hiện ở Bát Tràng. Nhờ pha chế thành công loại men này nên anh đã phục chế lại hàng trăm sản phẩm gốm cổ từ thời: Lý - Trần - Lê. Cũng sử dụng dòng men này, thời gian qua, anh đã phục chế thành công 50 hiện vật và đã cung tiến cho Ban Quản lý di tích Đền Hùng (Phú Thọ); Đền Đô (Bắc Ninh); Đền Cổ Loa; khu di tích vua Lê và Trung tâm Văn hóa - Khoa học Văn Hiến (Hà Nội).
Nghệ nhân Trần Văn Độ khi tiếp xúc với chúng tôi bảo: Nếu như với loại men ngọc đã chiếm được sự ưa chuộng của các khách hàng châu Âu, thì loại men nâu, tôi cũng giành được nhiều hợp đồng của các doanh nhân người Nhật. Lẽ đương nhiên, đã cho ra đời được những loại men ấy, người nghệ nhân này đã phải đổ bao mồ hôi, nước mắt. Nó được chắp nối từ những ý tưởng chợp chờn trong lúc tỉnh, lúc mơ, như một thứ sắc màu của ảo ảnh, phải nhìn bằng con mắt của cõi "tâm" mới thấy hết được những cao siêu, thoát tục của nó.
Trần Văn Độ bảo, trong dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, anh đã tham gia cuộc trưng bày sản phẩm gốm tại khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tại cuộc triển lãm này, cơ sở sản xuất của anh sẽ trưng bày bộ sưu tập gồm 1.000 sản phẩm, hay nói đúng hơn là 1.000 tác phẩm nghệ thuật bằng gốm. Qua các sản phẩm ấy sẽ giúp du khách trong và ngoài nước hiểu thêm về lịch sử, văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến, hiểu thêm về nền văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam, bởi đứng bên cạnh các nghệ nhân như Trần Văn Độ trong bộ sưu tập này là các nhà nghiên cứu lịch sử.
Sau cuộc trưng bày triển lãm này, bộ sưu tập về các sản phẩm gốm nói trên sẽ được đưa về trưng bày tại khuôn viên Đại học Tân Tạo ở tỉnh Long An. Qua các cuộc triển lãm trưng bày này, nghệ nhân Trần Văn Độ hy vọng các sản phẩm gốm ấy sẽ góp phần tôn vinh truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam ta đối với bạn bè thế giới, giáo dục các thế hệ trẻ nước ta lòng yêu nước, tự hào và tự tôn dân tộc.
Nghệ nhân Trần Văn Độ khẳng định: "Thành công của tôi hôm nay phần lớn nhờ vào sự nỗ lực của bản thân, tự mình tìm tòi học hỏi trau dồi nghề nghiệp và đặc biệt là sự giúp đỡ, chỉ bảo của lớp tiền bối đi trước. Các sản phẩm gốm Bát Tràng tuy thô sơ, song lại rất có hồn và đặc tả được những đường nét hoa văn mang bản sắc riêng của gốm Bát Tràng Việt Nam. Tôi tự hào là một người con đất Việt và nguyện sẽ cố gắng học hỏi hơn nữa để nâng cao tay nghề để tiếp tục cho ra lò các sản phẩm mang cốt cách truyền thống làng nghề Bát Tràng nói riêng và của quê hương Việt Nam nói chung".
Còn Chủ tịch Hội Gốm sứ Bát Tràng ông Lê Xuân Phô khi đề cập đến nghệ nhân Trần Văn Độ đã nhận xét: "Trần Văn Độ là một nghệ nhân gốm sứ Hà Nội có nhiều thành tích đóng góp vào sự phát triển gốm sứ truyền thống Bát Tràng và đã được Trung ương, cũng như chính quyền thành phố thường xuyên quan tâm và giao nhiệm vụ thực hiện các sản phẩm gốm phục vụ công tác đối ngoại". Có lẽ vì thế mà người ta gọi nghệ nhân Trần Văn Độ là một "phù thủy" của đất, nước và lửa, một tài hoa giữ hồn gốm cổ xem ra cũng không sai.
Theo CAND ONLINE
Posted by Gia Thanh

BLOG BATTRANG 360*

Không có nhận xét nào:

Tra cứu nội dung Blog Battrang 360*