Bát Tràng: Lối sống & phong tục
Update: 05.04.2012
Battrang 360* - Bát Tràng khi chưa sát nhập với Giang Cao, chỉ thuần có sản xuất đồ gốm. Vì đất đai chật hẹp nên người dân Bát Tràng phải tận dụng để làm nhà ở và dựng lò gốm. Nằm ở ngoài đê ngay bên mé nước Sông Hồng , cho nên Bát Tràng đã trải qua nhiều phen thay đổi. Mỗi lần con nước dâng to thì phù sa bồi đắp cho Bát Tràng một lớp đất màu mỡ. Thế nhưng, mỗi khi dòng chảy đổi thay thì nó cuốn theo bao nhiêu roi bãi, cửa nhà.
Năm 1958, khi tiến hành xây dựng công trình Đại thuỷ nông Bắc – Hưng – Hải, người ta đã phát hiện dấu tích của bể nước, sân gạch, lò gốm chìm sâu dưới lòng đất 12 – 13 mét.
Nếu tới Bát Tràng giờ đây, ta sẽ thấy nhà gạch san sát, đường ngõ ngoắt ngoéo và chật hẹp. Tường bao quanh nhà rất cao, trên có gắn nhiều mảnh gốm vỡ, gạch vuông to... tựa như những pháo đài phòng thủ kiên cố. Nhìn kỹ từ mặt đường và tường nhà thì thấy đường ngõ đã leo lên tới nóc của các nhà cũ. Vì đất đai chật hẹp như thế nên người Bát Tràng đã có câu “sống ở chật, chết chôn nhờ” (cho tới nay, xã Bát Tràng vẫn có một nghĩa trang nhờ trên đất thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn). Như đã từng giới thiệu, ngoài nghề gốm truyền thống nổi tiếng, Bát Tràng còn là một làng quê phát đạt về khoa cử và buôn bán. Có thể nói, Bát Tràng là đất của quận công, tiến sỹ chẳng kém gì Đông Ngạc huyện Từ Liêm. Bài Đình ký có câu rằng:
Làng nhà đương lắm quân hàm
Văn võ triều quý kể phàm bảy ông
Phủ hiệu, châu huyện cũng đông
Nho sinh phó sở hợp đồng non trăm.
Địa thế làng Bát Tràng rất đẹp, cho nên nhà thơ Nguyễn Huy Tự đã từng ca ngợi:
Cận lợi bất trí tang giá khổ
Phong lưu chiếm đắc thị thành xa
(Nghĩa là: Buôn bán giàu có nên chẳng theo nghề trồng cây vất vả - Phong lưu đạt đến độ của thị thành xa hoa.)
Là một làng nghề đồng thời là một làng văn học cho nên người đàn ông Bát Tràng sống rất hào hoa còn phụ nữ thì đảm đang tháo vát. Trong cuộc sống lao động và sản xuất, người đàn ông là chính và họ rất chú ý cải tiến, sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới độc đáo, còn các việc trong nhà đều do người phụ nữ quán xuyến. Thế nhưng, trên nhiều sản phẩm gốm men của Bát Tràng thế kỷ XVI – XVII (chân đèn, lư hương) hiện còn được lưu trữ, trưng bày ở các bảo tàng trong nước, bên cạnh các tác giả nam như Đỗ Xuân Vi, Hoàng Ngưu, Nguyễn Phong Lai, Bùi Nghĩa, Bùi Huệ, Bùi Hác, Bùi Đào, Đỗ Phủ, Phạm Lương, Vũ Xuân... ta còn thấy các tác giả nữ như Bùi Thị Đỗ, Lê Thị Ngọc...
Ở Bát Tràng xưa kia hẳn không thiếu những bà mẹ, người vợ cả đời làm lụng vất vả với nghề gốm để nuôi chồng con học hành, đỗ đạt, làm rạng rỡ cho gia đình, làng nước. Phải chăng vì thế mà phong dao Kinh Bắc có câu:
“Sống muốn được làm trai Bát Tràng...”
Do mọi việc trong gia đình có người phụ nữ lo toan gánh vác nên trai Bát Tràng:
“Bé thì cơm mẹ cơm cha
Những những cơm vợ, về già cơm con”
(“Những những” – từ cổ: Tuổi trung niên từ 45 – 59) hay “Đàn ông đá gà, đàn bà nuôi con”. Có lẽ vì được sống trong cảnh nhà như thế nên ở Bát Tràng có người do thiếu tự chủ mà sa vào con đường nghiện ngập.
Những đặc điểm trên tạo cho người Bát Tràng có những tập tục, sinh hoạt văn hoá riêng.
Nguồn: Quê gốm Bát Tràng – Đỗ Thị Hảo.
Gia Thanh (Sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét