Làng Gốm Bát Tràng

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Bản Hương ước Làng Gốm Bát Tràng năm 1818


Bản hương ước Làng Gốm Bát Tràng (P.01)
Update: 30.03.2012

Battrang 360*  -  Giới thiệu với bạn đọc nội dung cuốn Hương ước của làng Bát Tràng, nguồn tài liệu viện Thông tin Khoa học Xã hội và do ông Phạm Xuân Hoà –Làng gm Bát Tràng  cung cấp.

Cuốn Hương ước này được biên soạn vào năm 1818, sửa đổi và bổ sung vào năm 1918, nội dung cuốn Hương ước mang nhiều giáo lý có tính hiện thực và rất tiến bộ.

HƯƠNG ƯỚC
Làng: Bát Tràng
Tổng: Đông Dư
Huyện: Gia Lâm
Phủ: Thuận An
Tỉnh: Bắc Ninh

Tôn chỉ của việc cải lương
Lệ làng, lệ truyền khẩu hay là lệ đã biên ra, xưa nay đã thi hành trong dân ta, nhất thiết không hợp thời cả, cho nên chúng ta phải sửa đổi lại những lệ ấy để phù hợp với sự cần trong đời này hơn. Chúng ta đổi những điều gì có hại mà giữ những điều có ích, để trong họ được thịnh vượng, trong làng được yên ổn.

PHẦN THỨ NHẤT

Việc hương chính

Tổ chức hương hội

Điều thứ 01: Nhiều họ họp thành một làng, bởi thế phải có các người thay mặt các họ gọi là tộc biểu để thu xếp việc làng. Tộc biểu ít nhất là 4 người nhiều nhất là 20 người. Những người đàn ông tuổi từ 18 trở lên mà xưa nay chưa phạm tội làm mất quyền công dân kể trong hình luật An Nam điều 29 khoản thứ nhất và khoản thứ năm thì mới được đi bầu tộc biểu.

Điều thứ 02: Cứ mỗi số trăm người dự bầu thì bầu 4 người tộc biểu. Quá số trăm rồi mà chưa đầy trăm cũng bầu thêm tộc biểu nữa.

Lấy số tổng cộng các người dự bầu mà chia mấy số tộc biểu đã định như thế thì biết rằng mỗi phái phải bầu tộc biểu có bao nhiêu người: Mỗi họ mỗi giáp có bao nhiêu số chia ấy thì phải bầu bấy nhiêu tộc biểu.

Nếu số tộc biểu bầu như thế mà kém cái số tộc biểu mà đã được phép bầu theo như tổng cộng người dự bầu thì cứ chiếu số chia trước mỗi họ mỗi giáp còn thừa bao nhiêu hay mõi phái mỗi họ mấy giáp còn thừa bao nhiêu thì họ nào giáp nào hay phái nào còn thừa nhiều hơn thì bầu trước rồi cứ xuống dần họ nào giáp nào phái nào còn thừa ít hơn thì bầu sau.

Vả lại, về việc bầu tộc biểu dân thuận theo những nghị định do quan Tổng sứ đã làm ra hay sau sẽ làm ra về việc ấy và theo những thể thức do quan Công sứ định về việc thi hành những nghị định ấy.

Điều thứ 03: Tư cách của các tộc biểu phải có là: Phải có học thức, ít nhất 25 tuổi, xưa nay chưa bao giờ phạm vào tội làm mất quyền công dân kể trong hình luật An Nam điều thứ 29, tộc biểu mỗi khoá là 3 năm.

Điều thứ 04: Cứ 3 năm thì bầu cả lại hương hội. Các người nguyên tộc biểu có thể được bầu lại. Các người tộc biểu trong những năm làm việc được trừ tạp dịch trong dân (đi tuần, làm đường...) đến khi mãn khoá thì được có ngôi thứ trong dân (tuỳ dân định).
Hễ có khuyết, thời hương hội lấy một người thay do cũng một họ hay cũng một giáp với người tộc biểu khuyết lên. Trình quan Công sứ duyệt y.

Điều thứ 05: Hương hội phải coi tất cả việc cai trị trong xã, phải làm các công vụ của dân cùng thi hành các trát sắc lệnh truyền của quan trên. Hương hội phải lập các khoá lệ trong xã. Lập sổ chi thu của làng xã, bổ sưu thuế cùng các thuế khác hoặc nộp vào nhà nước hay thu cho số chi thu của hàng xã; và định số thuế của xã; thi hành số chi thu của hàng xã; quản trị tài sản công dân, thi hành các khoản lệ về việc tuần phòng nhất là buôn bán lậu, đánh bạc cùng những sự họp tập trái phép.

Các khoản thưa kiện về việc hộ hay việc thương mại thì do hương hội xử nghị hay là do những viên xử riêng để xử nghị những việc ấy. Nếu đôi bên được hoà thuận thì phải dựng biên bản, rồi biên bản nộp lên quan sở tại để ghi vào sổ hoà giải.

Hương hội có thể cử một ban có 2, 3 tộc biểu để giao cho quyền bắt phạt các điền dân phạm vào các khoản tuần phòng rong xã mà xử phạt từ 0$10 trở lên cho đến 1$00 là cùng nhưng các điều phạm ấy là những điều không thuộc về các khoản mà chiểu theo điều 227 hình luật An Nam.

Số tiền thu phạt phải nộp vào sổ thu chi hàng xã.

Điều thứ 06: Hương hội chọn ở trong các viện có chân hội lấy một viên hội trưởng và một viên hội phó. Hương hội họp do hương hội trưởng, họp khi nào hội trưởng mắc bận thì phó hội trưởng họp.
Hương hội lấy người lý trưởng hay phó lý và trương tuần đương thứ phụ vào hội đồng để bàn tính.

Điều thứ 07: Hương hội có thể lấy phụ thêm như thể nói lại chọn trong các tộc biểu hoặc trong người ngoài lấy một người thư ký và một người thủ quỹ. Cả hai người ấy phải biết viết biết tính, người thủ quỹ phải có đủ tư lực mới làm được.

Lý trưởng, phó lý hay trương tuần không được làm thư ký hay thủ quỹ.

Điều thứ 08: Người thư ký hay người thủ quỹ dẫu không phải là tộc biểu cũng được dự vào hội đồng người thư ký để hội đồng hỏi ý kiến còn người thủ quỹ có quyền bàn định.

Điều thứ 09: Hương hội cần họp mấy kỳ cũng được tuỳ theo công việc của hàng xã nhiều hay ít, to hay nhỏ thế nào. Nhưng trong tháng 10 Tây phải họp một kỳ hay luôn nhiều kỳ để làm sổ thu chi và trong thượng tuần tháng Riêng Tây phải họp một kỳ để lập sổ sưu thuế và các thứ thuế thu và cho dân xã trong khi có việc khẩn. Hương hội cũng được họp kỳ hội đồng bất thường hay là khi có phần nhiều quá nửa hội viên xin với viên chánh hương hội họp kỳ hội đồng bất thường hương hội cũng được họp.

Các kỳ hội đồng cho cả dân chúng vào xem, các chánh phó tổng được quyền dự vào hội đồng các xã thuộc tổng mình.

Điều thứ 10: Nhời bàn của các hội đồng nếu có phần nhiều quá nửa hội viên dự hội đồng thời mới có giá trị khi đã bàn định xong rồi các hội viên phải giản tán ngay, không được ngồi giai ăn uống (uống rượu, hút nha phiến).

Điều thứ 11: Phải dựng biên bản các lời bàn của hội đồng. Biên bản ấy phải có chữ ký của các hội viên có mặt lúc bàn định rồi phải để vào tập công văn hàng xã.

Điều thứ 12: Những lời bàn định của hội đồng hễ có quá nửa hội viên thuận thì mới được thi hành. Nếu hai bên không đồng ý mà số người bằng nhau thì việc ấy hoãn lại đến kỳ hội đồng sau, mà nếu đến kỳ sau lại không đồng ý nữa mà cũng lại số người bằng nhau thì bên nào có viên hương hội thì bên ấy được.

Việc ưng thuận thì bắt đầu từ tộc biểu họ nào ít người nhất được nói trước rồi cứ trở dần lên đến họ to nhất nói sau cùng.

Điều thứ 14: Việc nào mà can thiệp đến hàng xã thì một viên hương hội không được bàn định riêng việc ấy, phải tự cho tất cả các hội viên hương hội đều biết rồi mới lập hội đồng bàn định.

Điều thứ 15: Viên tộc biểu nào có mời đến hội đồng khong có nhẽ gì đích đáng mà không đến dự hội đồng luôn hai kỳ thì hương hội sẽ nghị định không cho làm tộc biểu nữa.

Viên tộc biểu nào phạm lỗi về chính trị (hoặc làm trễ nải luôn hay thường xét thấy không đủ sức làm việc...) hoặc thất lễ với các viên hương hội khác các viên này trình quan Công sứ ngài sẽ hỏi ý kiến quan Tỉnh mà định cách trừng trị (tức là khiển trách bãi dịch hay cách dịch).

Viên tộc biểu nào phải cách dịch hay là phải án phạt giam thì không được dự vào hương hội nữa.

Viên tộc biểu nào mà bị giấy toà án sức bắt thì phải tạm huyễn chức.

… Còn nữa …

Gia Thanh  Phạm Hoàng Tùng (Sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Tra cứu nội dung Blog Battrang 360*