Vì một Bát Tràng online
(Cập nhật: 23h47, ngày 23.11.2009, GMT: +7)
Blog Battrang 360* - Cùng tuổi trẻ, khác nghề, nhưng lại chung một khát vọng: đưa hình ảnh làng gốm cổ truyền Bát Tràng đi xa hơn nữa, được nhiều người biết hơn nữa qua Internet - phương tiện và công nghệ thời thượng của thời hiện đại.
Đó là Phạm Hoàng Tùng, một phiên dịch viên tiếng Trung thế hệ 8x và Vương Mạnh Hoàng, người nhìn bề ngoài còn đầy chất thư sinh, hiện đang là nhân viên của một công ty tin học lớn. Điểm chung: cùng quê Bát Tràng, cùng đam mê Internet. Và điểm riêng: người hiện ở Đài Loan, người thì làm việc tại Hà Nội...
Phạm Hoàng Tùng: Bởi vì yêu quê hương
Cơ duyên blog (nhật ký trên mạng) khiến tôi và Tùng quen nhau, bắt đầu chỉ từ một cái accept invitation (lời nhận kết bạn với nhau). Từ lúc nào, cũng chẳng biết nữa. Tôi chú ý tới Tùng bởi cậu là chủ nhân của một blog khá thú vị: Battrang 360*. Chỉ riêng cái tên thôi đã đủ để hiểu cái đáng lẽ là: nhật ký cá nhân trên mạng thực chất lại là cả một nguồn thông tin đa dạng về làng gốm truyền thống lừng danh nằm bên bờ sông Hồng này.
Cơ duyên blog (nhật ký trên mạng) khiến tôi và Tùng quen nhau, bắt đầu chỉ từ một cái accept invitation (lời nhận kết bạn với nhau). Từ lúc nào, cũng chẳng biết nữa. Tôi chú ý tới Tùng bởi cậu là chủ nhân của một blog khá thú vị: Battrang 360*. Chỉ riêng cái tên thôi đã đủ để hiểu cái đáng lẽ là: nhật ký cá nhân trên mạng thực chất lại là cả một nguồn thông tin đa dạng về làng gốm truyền thống lừng danh nằm bên bờ sông Hồng này.
Mãi sau này, khi biết Tùng làm việc tại Đài Loan, chẳng còn cách nào khác tôi phải gửi email để hiểu rõ hơn việc lập blog Battrang 360*. “Tùng lập blog Battrang 360* vào ngày 07/12/2006, trên Yahoo 360o”, bức email trả lời viết. Nhưng tại sao lại là blog Battrang chứ không phải là một trang nhật ký cá nhân như phần lớn những người khác? “Để danh tiếng quê hương mình ngày càng xa hơn”, Tùng bộc bạch.
Ngay từ nhỏ, tình yêu quê hương được truyền qua Tùng từ những câu chuyện, những bài thơ về làng cổ Bát Tràng của ông nội. Khi tới Đài Loan, cái tình cảm nhớ nhà, yêu quê hương đã giúp Tùng vun đắp ý tưởng xây dựng Blog Battrang 360* để giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước về làng gốm cổ quê hương mình. Ước mong của Tùng cũng thật đơn giản: “Làm sao làng quê mình được nhiều người biết đến, thu hút nhiều khách du lịch tới thăm quan, mua sắm, đặt hàng để cuộc sống người dân bớt nhọc nhằn, cơ cực”.
Số người muốn trở thành friends của Battrang 360* ngày càng nhiều đã khiến Tùng phải “nhân bản” Battrang 360* thành Battrang _360, rồi Battrangvnn, tất cả đều trên Yahoo 360o. Không chỉ có thế, Tùng còn lập ra thêm các blog khác trên trang Opera (tại địa chỉ
http://my.opera.com/battrang/blog) hay một cổng xã hội ảo của Yahoo, tại: http://yahoo.mash.com/battrang_360. Và tất nhiên, cậu phiên dịch sinh năm 1982 này cũng chẳng quên “quảng bá” cho cửa hàng gốm sứ của nhà mình trên blog đầy tính “buôn bán” ở: http://360.yahoo.com/dungnganbtc.Nhiều blog thế, thời gian “chăm sóc” chúng thế nào? Mỗi ngày Tùng dành khoảng từ 2-3 tiếng cho blog. Một số bài viết trên các blog là do Tùng tự viết từ kiến thức thu thập được của bản thân, số khác thì sưu tầm trên Internet.
Trong tương lai, Tùng muốn xây dựng blog Battrang 360* thành một website có uy tín quảng bá về du lịch làng nghề Bát Tràng, cầu nối thông tin cho những người con xa quê và những ai quan tâm tới làng gốm cổ Bát Tràng.
Vương Mạnh Hoàng: Một portal, tại sao không?
20 tuổi, Hoàng quả thực là một “cậu ấm” mới ra trường. Nhưng đã kịp nhảy vài chỗ làm, bởi cái nghề nó thế. Và cũng bởi sự thay đổi đem lại cho con người trẻ không chỉ thêm kinh nghiệm, quan hệ và cả những hiểu biết mới. Giờ, cậu là nhân viên phát triển thương mại điện tử của FIS, một công ty con của FPT.
20 tuổi, Hoàng quả thực là một “cậu ấm” mới ra trường. Nhưng đã kịp nhảy vài chỗ làm, bởi cái nghề nó thế. Và cũng bởi sự thay đổi đem lại cho con người trẻ không chỉ thêm kinh nghiệm, quan hệ và cả những hiểu biết mới. Giờ, cậu là nhân viên phát triển thương mại điện tử của FIS, một công ty con của FPT.
Nhưng Hoàng lại chẳng phải là một cậu ấm theo đúng nghĩa bởi từ năm lớp 8 bố cậu đã gửi cậu lên học ở Gia Lâm, cách quê gần chục cây số. “Nó phải tự lập từ bé, học xa nhà để có thể vào được trường cấp 3 Nguyễn Gia Thiều”, ông Vương Quý Hiển, bố Hoàng tâm sự với tôi. Chẳng là lo cho tương lai của con trai, ông bố buộc phải cho cậu ăn nhờ, tá túc ngay nhà của một thày giáo, ngõ hầu sau này cậu có thể học được lên cao nữa. Hoàng đã học làm các trang web thương mại điện tử từ khi còn ở trường cao đẳng công nghiệp I, Minh Khai, Hà Nội.
Cũng giống như Phạm Hoàng Tùng, chàng trai trẻ Vương Mạnh Hoàng muốn có một trang web thông tin đầy đủ nhất về làng quê mà cậu sinh ra. Và với tay nghề và lòng nhiệt huyết của mình, chỉ ba tháng sau khi thai nghén ý tưởng, trang web: www.battrang.info đã ra đời vào ngày 7/7/2007. “Thực ra, trước đó cũng đã có một số các trang web về gốm sứ của Bát Tràng do các doanh nghiệp lập ra. Nhưng phần vì nhắm tới mục đích chính là thương mại, phần vì không có người trông nom cho nên thông tin rất sơ sài”, Hoàng nhớ lại.
Những ai đã vào www.battrang.info chắc hẳn có một ấn tượng rất đặc biệt về trang web này. Một giao diện đơn giản nhưng có đầy đủ các phần thông tin thiết yếu nhất về làng nghề gốm truyền thống Bát Tràng, ngay trên trang chủ. Trong đó có 3 phần chính: Lịch sử nghề gốm, Văn hóa làng nghề và Thông tin du lịch. Chỉ có 3 phần đơn giản đó thôi nhưng quả là một kỳ công của một người trẻ tuổi như Hoàng. Đó là hàng nghìn bức ảnh, hàng trăm bài viết, rồi cả những bài vè, bài hát của quê hương do chính Hoàng “lọ mọ” đi tìm, xin và ghi âm từ giọng của các cụ già trong làng. “Em muốn lưu giữ lại những vốn văn hóa, lịch sử của làng nghề, nếu không sau này sẽ chẳng còn”, Hoàng tâm sự với tôi ngay trong phòng làm việc, nằm ở tầng hai của FIS, trên đường Hoàng Diệu, Hà Nội.
“Việc cậu Hoàng làm quí lắm, chúng tôi già rồi, sống chẳng được bao lâu nữa nhưng cậu Hoàng trẻ, làm được những điều này giữ lại cho tương lai, quí lắm, tốt lắm”, cụ Lê Độ, người tự coi là “nhà viết sử” của làng Bát Tràng nhắc đi nhắc lại.
Ước muốn xa hơn của Hoàng là biến www.battrang.info thành một cổng thông tin điện tử thương mại thực sự (portal) để kết nối các doanh nghiệp của Bát Tràng với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Hiện, chi phí trả cho tên miền (khoảng 1 triệu đồng/năm) vẫn do Hoàng tự trả. Nhưng nếu khi các doanh nghiệp nhận thức tầm quan trọng và hiệu quả mà công việc Hoàng làm, câu chuyện chắc chắn sẽ giản đơn hơn. Và con đường các sản phẩm Bát Tràng ra thị trường (cả trong và ngoài nước) cũng sẽ ngắn hơn nhiều. Bố Hoàng khoe: “Đấy, từ hồi có trang web, người ta cứ theo số điện thoại trong đó gọi về đặt hàng, suốt cả ngày”...
Đã gần 5 năm qua, tôi không đến Bát Tràng, dù rất nhiều lần đi qua đây. Lần này về để lấy tư liệu viết bài, tôi thực sự bất ngờ vì sự đổi thay quá nhanh chóng ở nơi đây. Đường sá khang trang hơn nhiều. Những công ty tư nhân mọc ra cũng nhiều hơn, rồi cả khu chợ gốm do một công ty tư nhân lập ra và điều hành...
Tất cả thực sự đã thay đổi nhưng tôi vẫn tin chắc rằng sự đổi thay sẽ còn nhanh hơn rất nhiều một khi các khát vọng của những người trẻ tuổi được tiếp sức. Có thể bằng sự hợp tác của các doanh nghiệp địa phương, hay đơn giản chỉ từ sự quan tâm hơn của chính quyền làng nghề, nơi Tùng và Hoàng đã sinh ra, lớn lên...
Bát Tràng-Hà Nội, những ngày đầu tháng 1/2008.
Thanh Hà - Trần Giang
Thanh Hà - Trần Giang
Bài đã đăng trên số báo tết chào xuân Mậu Tý 2008 báo Bưu điện Việt Nam