Làng Gốm Bát Tràng

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2009

NGUỒN GỐC DÂN CƯ VÀ QUÁ TRÌNH LẬP LÀNG XÃ BÁT TRÀNG


NGUỒN GỐC DÂN CƯ VÀ QUÁ TRÌNH LẬP LÀNG XÃ BÁT TRÀNG

(Cập nhật: 01h55, ngày 16.11.2009, GMT: +7)



Blog Battrang 360* - Đình làng Bát Tràng còn lưu lại được đôi câu đối cổ phản ánh lịch sử của cư dân và nghề gốm:


埔移手藝開亭宇
蘭熱心香拜聖神


Phiên âm:
Bồ di thủ nghệ khai đình vũ
Lan nhiệt tâm hương bái thánh thần


Có nghĩa là:
Nghề từ làng Bồ ra, khởi dụng đình miếu
Lòng thành như hương lan, cúng tạ thánh thần

Cùng với câu đối trên là những ghi chép truyền thuyết và các tộc phả của các lớp cư dân từ Bồ bát di cư ra lập nghiệp ở Bát Tràng. Theo ký ức và tục lệ dân gian dòng họ Nguyễn Ninh Tràng là cư dân bản địa và lâu đời nhất nên được dân làng tôn trọng trong ngôi thứ cùng như trong các lễ hội của làng, có người phỏng đoán rằng có lẽ họ Nguyễn Ninh Tràng là họ Nguyễn ở Trường Yên, Vĩnh Ninh (Ninh Bình), nơi sản xuất ra loại gạch Vĩnh Ninh Trường nổi tiếng, vì “Trường” cũng có thể đọc là “Tràng” (điều này cần xác minh thêm, có điều cần chắc chắn là tại các gia phả của một số dòng họ như họ Lê, họ Vương, họ Trần, họ Phạm , họ Nguyễn, họ Vũ .. ghi nhận tổ tiên của các họ trên đều từ Bồ Bát ra đây. Họ Nguyễn Ninh Tràng có nghề làm gạch, làm gốm, nên được Triều đình điều ra làm gạch xây dựng cung đình, thành quách...


Do nhu cầu số lượng rất lớn cho nên số thợ di cư ra ngày càng nhiều, khu vực sản xuất cũng được mở rộng.

Năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội) trên cơ sở thành Tống Bình - Đại La thời thuộc Tuỳ (608 -618), thuộc Đường (618 -905). Thăng Long trở thành trung tâm chính trị của nước Đại Việt độc lập và nhanh chóng trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá của cả nước. Biết bao thành quách, cung điện, đền đài được xây dựng. Các phố phường , bến , chợ được mở rộng, xây dựng mới, cần nhiều ngói gạch, nguyên vật liệu xây dựng. Dân cư tập trung ngày càng đông. Những nhu cầu đáp ứng cho cuộc sống ngày càng tăng lên.

Các phường thợ đủ các nghề được thu hút về Kinh đô hoặc các vùng ven đô. Bát Tràng được ra đời cũng nằm trong hoàn cảnh đó.

Tương truyền rằng xưa kia ở nơi đây còn là vùng hoang hoá, sình lầy ven sông Hồng có 72 gò đất sét trắng , một nguyên liệu chủ yếu phục vụ sản xuất đồ gốm. Tộc phả họ Trần Đông Cục có ghi "ông Tổ họ Trần nhà ta là một trong 12 thợ cả cùng các họ khác nhau được vua điều ra Bạch Thổ phường để sản xuất gạch xây dựng thành quách ở Kinh đô, sau lại làm ra các đồ gốm..."


Bạch Thổ phường càng phát đạt lôi cuốn các dòng họ khác từ Bồ Bát di cư ra lập thành làng xã , mà sôi nổi nhất là vào thời Trần (1226-1400), thời Lê (1428 -1527) và thời Lê Trung Hưng (1533-1789).

Từ phường Bạch Thổ lúc ban đầu đổi tên thành Bá Tràng phường. Cuối đời Trần (Thế kỷ XIV) mang tên là xã Bát và sang đời Lê (đầu thế kỷ XV) đổi là Bát Tràng. Đến đây, Bát Tràng đã trở thành một trung tâm gốm nổi tiếng , được Triều đình chọn để cung cấp đồ cống tiến, ngoại giao . Hiện nay bảo tàng Lịch sử Việt Nam còn lưu giữ được một số đồ vật của gốm Bát tràng thế kỷ XIV- XV.


Năm 1958 khi đào sông Bắc Hưng Hải qua phía nam làng Bát tràng đã phát hiện dấu tích của làng cổ, vùi lấp ở độ sâu 12 - 13 mét . Chúng ta hi vọng trong tương lai sẽ có kết luận của các Nhà khoa học xác định rõ hơn về thời gian ra đời của làng Bát Tràng.

Dân làng Bát Tràng xưa chủ yếu sống bằng nghề sản xuất gạch , gốm sứ , dạy học, buôn bán nước mắm, cau khô, vải vóc. Một nhà thơ người Bát Tràng đầu thế kỷ XX đã sáng tác bài hát Trống quân trong đó có đoạn viết “Liền bà nước mắm cau khô – Giữa đường tạp hoá muôn đồ người mua”. Những người ly hương làm ăn xa tại các nơi đô thi hoặc làm viên chức. Trước đây làng cũng có 70, 80 mẫu đất bãi để trồng ngô, đậu. Số đất này dần chia cho các suất đinh 18-60 tuổi trong các họ.


Gia Thanh (Sưu tầm có sửa chữa)

Không có nhận xét nào:

Tra cứu nội dung Blog Battrang 360*