Blog Battrang 360* - Làng Bát Tràng có nhiều người đỗ đạt Nho học nên từ xa xưa đã nổi tiếng là đất học, đất nghề. Cả nước ta, từ khoa thi đầu tiên thời Lý (năm 1075) cho đến khoa thi Hội cuối cùng kết thúc chế độ khoa cử Nho học dưới triều vua Khải Định (năm 1919) có 2898 người đỗ Đại khoa, trong đó có 45 Trạng nguyên. Đất Thăng Long có 6 vị đỗ Trạng nguyên thì huyện Gia Lâm có 2 vị: Giáp Hải người làng Bát Tràng và Đặng Công Chất người làng Phù Đổng. Làng Bát Tràng có 364 người đỗ đạt khoa bảng từ Tam trường trở lên. Hiện nay tại Văn chỉ Bát Tràng còn lưu danh được 291 người mà nổi bật là 9 người đỗ từ Tiến sỹ đến Trạng nguyên và nhiều Quận công. Tên tuổi của họ hiện còn lưu danh tại vườn bia Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội, Huế và Văn miếu tỉnh Bắc Ninh .
1. Trạng nguyên Giáp Hải (1506 – 1585).
Ông là người mở đầu danh mục đại khoa của làng Bát Tràng. Tên thật là Giáp Trưng, hiệu là Nội Trai. Ông sinh ra tại quê mẹ Công Luận (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên ). Ông đậu Trạng nguyên khoa thi năm Mậu Tuất niên hiệu Đại Chính thứ 9 (năm 1528) đời Mạc Đăng Doanh năm đó ông 31 tuổi. Là người giỏi văn học, có tài bang giao, từng đi sứ nhà Minh. Ông giữ chức Thượng thư Bộ lại trông coi công việc của Lục Bộ kiêm Đông các Đại học sỹ, Nhập Thị Kinh Viên, Thái bảo. Ông được phong tước Sách Quốc công và về trí sỹ năm 1585 thọ 79 tuổi. Mạc Hậu Hợp thương tiếc ban cho ông bức chướng thêu dòng chữ: “Trạng nguyên, Tể tướng Đẩu Nam tuần – Quốc lão đế sư thiên hạ tri” (Trạng nguyên, Tể tướng danh cao như sao Bắc Đẩu cõi trời Nam, Bậc quốc lão ở kinh sư được cả nước biết đến). Ông để lại nhiều thư từ, biểu văn bang giao và nhiều áng thơ văn.
2. Tiến sỹ Vương Thời Trung (1537- ?)
Tên hiệu là Chám Trai. Ông đỗ tiến sỹ khoa thi năm Kỷ Sửu năm thứ 2, niên hiệu Hưng Trị (năm 1589) đời Mạc Hậu Hợp. Lúc đó, ông đã 52 tuổi. Ông làm tới chức Trung Trinh Đại phu, Đô cáo sự trung, Thượng chế Bộ hình, tước Thuyên Lâm Hầu.
3. Tiến sỹ Trần Thiện Thuật (1659 - ?).
Tên tự là Trung Mẫu. Ông đỗ khoa thi Hội vào năm Quý Hợi (năm 1683) niên hiệu Chính Hoà đời vua Lê Hy Tông khi mới 25 tuổi. Ông làm quan đến chức Mậu Lâm Long xứ Sơn Nam rồi thăng Hiến sát sứ.
4. Tiến sỹ Nguyễn Đăng Liên (1675 - ?).
Ông đỗ tiến sỹ khoa Bính Tuất năm thứ 2 niên hiệu Vĩnh Thịnh đời vua Lê Dụ Tông (năm 1706) khi đó ông 31 tuổi. Ông làm quan tới chức Đặc Tiến Kim Tử Vinh Lộc đại phu Thượng Bảo Tự Khanh. Khi mất ông được phong tặng Hàn Lâm viện Thị Độc lại được ban tên Hoà Hậu Tiên sinh.
5. Tiến sỹ Lê Hoàn Viện (1668 - ?)
Ông đỗ tiến sỹ khoa thi năm Ất Mùi, năm thứ 11 niên hiệu Vĩnh Thịnh (năm 1715) đời vua Lê Dụ Tông. Năm ấy ông 27 tuổi. Ông làm quan đến chức Thừa Chính Sứ Sơn Tây. Năm Canh Ngọ (năm 1750) làm Đề Điện trường thi Hương ở Hải Dương .
6. Tiến sỹ Lê Hoàn Hạo
Lê Hoàn Hạo (em của Lê Hoàn Viện), đỗ tiến sĩ khoa Đinh Mùi niên hiệu Bảo Thái đời Lê Dụ Tôn, 1727, làm quan đến chức Học sĩ, tước Gia Trạch bá
7. Tiến sỹ Nguyễn Đăng Cẩm (1677 – 1736).
Ông là em ruột tiến sỹ Nguyễn Đăng Liên. Ông đỗ tiến sỹ khoa thi Đình tháng 6 năm Mậu Tuất năm thứ 14 niên hiệu Vĩnh Thịnh (năm 1718) khi đó ông đang làm chức Tri Huyện và đỗ ở tuổi 41. Ông nêu tấm gương về sự kiên trì học tập. Sau ông được thăng đến chức Triều Liệt đại phu Tế tửu Quốc Tử Giám rồi được phong tặng Ngự sử Đài Thiên Đô Ngự Sử. Cùng với anh em tiến sỹ Lê Hoàn Hạo, Lê Hoàn Viện, đương thời ông được người đời gọi là “Huyện đệ đồng triều”.
9. Tiến sỹ Lê Danh Hiển (1756 - ?).
Ông còn có tên là Lê Hoàn Hiển thi đỗ khoa thi Đình năm Ất Tỵ năm thứ 46 niên hiệu Cảnh Hưng (năm 1785) đời vua Lê Hiển Tông. Năm đó ông 29 tuổi. Ông làm quan đến chức Kim Tử Vinh Lộc đại phu, Hữu Tị Long bộ Lễ tước Gia Phái hầu.
10. Tiến sỹ Vũ Văn Tuấn (1806 - ?)
Tên tự là Trạnh Khanh, hiệu là Bạch Sơn. Ông vào kinh đô Huế thi Hội rồi đỗ Tiến sỹ khoa thi năm Quý Mão năm thứ 3 niên hiệu Thiệu Trị (năm 1843) lúc đó 38 tuổi. Ông làm quan tới chức Viện Biên Tu rồi làm Tri Phủ Hà Trung. Năm Tự Đức thứ 1 (năm 1848) ông được triệu về kinh bổ chức Thị Giảng Sung Sứ Quán Toàn tu, Hàm Thị Độc. Năm 1853 ông được cử làm phó sứ trong đoàn sứ bộ ngoại giao Phan Huy Vịnh sang nhà Thanh (Trung Quốc). Khi trở về ông được vua Tự Đức ban cho 7 bài thơ Chế Ngự. Năm Tự Đức thứ 10 (1857) làm Sứ Sát Hưng Hoá hàm Thị Giảng Học sỹ. Khi mất ông được vua ban thuỵ là Đoan Trực. Hiện ở Bát Tràng có nhà thờ ông.
11. Quốc công Vũ Ngang (? – 1460).
Ông còn có tên gọi khác là Khả Lãng. Ông có công khai quốc triều Lê nên được vua Lê Thái Tổ ban quốc tính họ Lê, do đó còn gọi là Lê Vũ Ngang. Ông vốn quê ở Bồ Bát (Ninh Bình), con cháu đều ra Bát Tràng và mang theo nhà thờ ông. Hiện còn giữ được 2 đạo sắc của vua Lê Hiển Tông ban cho ông là: Khai quốc công thần, Thái phó, tước Đôn Quận công Thượng Trụ Quốc.
12. Bùi Hối Trai (Thế kỷ XVIII).
Ông làm chức Thiêm sai Thị Nội Thư Tả Công Phiên Hoàng Tín đại phu, Thị Độc Viện Hàn Lâm – ông còn được vua ban Đặc Tiến Kim Tử Vinh Lộc đại phu Đông Các Đại học sỹ tước Xuyên Bá.
Gia Thanh (Sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét