“BÁT TRÀNG” TRONG PHONG DAO KINH BẮC
(Cập nhật: 00h20, 15.11.2009, GMT: +7)
Blog Battrang 360* - Làng gốm Bát Tràng kể từ khi thành lập đến trước tháng 11 năm 1949 đều là đơn vị hành chính thuộc tổng Đông Dư, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (từ thời Gia Long nhà Nguyễn đổi thành tỉnh Bắc Ninh). Tồn tại trong suốt một thời gian dài như vậy, cộng với bề dày về truyền thống văn hoá, khoa cử nên phong dao Kinh Bắc xưa xuất hiện nhiều câu về Bát Tràng:
1.
Ở đâu có chợ có Bát Tràng
Ở đâu có ấp có làng Xuân Quan
Người Bát Tràng ngoài làm nghề gốm còn lành nghề thương mại. Bất cứ nơi đâu, từ Nam chí Bắc hễ nơi nào có chợ lớn, buôn bán nhộn nhịp là có sự hiện diện của người Bát Tràng. Tại Hà Nội, trước kia một số khu phố tập trung đông người Bát Tràng sinh sống và buôn bán như: phố Bát Đàn, Lò Đúc..., và tại một số tỉnh khác như tỉnh Vĩnh Phúc cũ (Việt Trì, Vĩnh Yên, Phúc Yên), Hưng Yên (Phố Hiến), Hà Tây (thị xã Hà Đông). Ngày nay, quận Tân Bình thành phố Hồ Chí Minh cũng có nhiều người Bát Tràng tập trung sinh sống và phát triển nghề gốm sứ.
Làng Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên có lẽ do đất đai chật, dân đông nên có truyền thống khai khẩn đất hoang, lập làng mở ấp. Làng Ngô phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội ngày nay là do người Xuân Quan đến khai hoang, mở ấp từ hàng trăm năm trước. Ngay cả một dòng họ lớn tại làng Giang Cao, xã Bát Tràng là họ Đặng cũng là di cư từ làng Xuân Quan tới.
2. “Bát Tràng làm bát, Kiêu Kỵ dát vàng”
Xã Kiêu Kỵ huyện Gia Lâm cũng là một làng nghề thủ công truyền thống. Sản phẩm của làng nghề là bạc quỳ tán mỏng dùng làm sơn son thếp vàng. Ngày nay, nghề này vẫn tồn tại, tuy nhiên sản xuất với quy mô nhỏ, chỉ còn vài hộ gia đình trong làng bám trụ với nghề
3. “Lợn Giang Cao, chó Bát Tràng, gà Xươn”
Làng Giang Cao, xã Bát Tràng trước làm nghề nông và nghề hàng sáo (buôn gạo). Sản phẩm phụ là cám gạo nhiều dùng để nuôi lợn nên lợn béo nhanh, thịt ngon.
Làng Bát Tràng, xã Bát Tràng sống bằng nghề gốm sứ mà không làm nông nghiệp, chó nuôi tại Bát Tràng được ăn cơm mà không phải ăn cám như ở nơi khác nên thịt mềm và không bị hôi.
Làng Xươn (xã Kim Lan, huyện Gia Lâm) nằm ngoài đê, đất phù sa phì nhiêu màu mỡ. Làng trồng nhiều ngô, ngô đấy đem nuôi gà nên gà da vàng, thịt thơm.
4.
Sống sướng như con trai Bát Tràng
Chết làm thành hoàng làng Kiêu Kỵ
Người con trai Bát Tràng xưa sống sướng lắm! “Bé thì cơm mẹ cơm cha – Những những (nhỡ nhỡ) cơm vợ, về già cơm con”. Kinh tế gia đình do người phụ nữ lo toan, quán xuyến. Vợ lại chiều chồng, nhiều hôm đi chợ mua hẳn cả một cái thủ lợn về cho chồng uống rượu.
Làng Kiêu Kỵ làm ăn phát đạt, biện lễ thành hoàng rất trọng. Không giống với các nơi khác, làng Kiêu Kỵ cúng tế Thành Hoàng quanh năm không kể tuần rằm, mồng một.
Sưu tầm và diễn giải: Gia Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét