Làng Gốm Bát Tràng

Thứ Hai, 28 tháng 2, 2011

Gốm Trần Độ - Nét văn hóa của người Việt


Gốm Trần Độ - Nét văn hóa của người Việt
Update: 28.02.2011

Blog Battrang 360*  - Triển lãm “Gốm Trần Độ - Hồi cố và thể nghiệm” đang diễn ra tại Văn Miếu Quốc Tử Giám với khoảng 500 tác phẩm gốm, là sự miêu tả, phản ánh  đặc sắc về nền văn hóa Việt Nam qua nhiều triều đại.  

Sản phẩm mang đậm nét văn hóa của người Việt
Đây là không chỉ là món quà tâm huyết của nghệ nhân và những người con Bát Tràng gửi đến Thành Hoàng Làng mà còn là món quà thiết thực của người nghệ nhân tài hoa Trần Độ gửi đến Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Đồng chí Trần Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ văn hóa thể thao và du lịch khi được chiêm ngưỡng các tác phẩm gốm của nghệ nhân Trần Độ đã nhận xét: Sinh ra và lớn lên trong làng nghề gốm truyền thống Bát Tràng có bề dày gần 600 năm lịch sử, nghệ nhân Trần Độ đã sớm có niềm đam mê với gốm. Sản phẩm của anh đã hội tụ được nhiều nét dáng của các dòng gốm cổ Việt Nam trong các thế kỷ trước đây. Anh chăm chỉ chiêm ngẫm nhiều mẫu dáng gốm trưng bày trong các bảo tàng hay trong các sưu tập gốm riêng của bạn bè, tiếp xúc học hỏi với các chuyên gia nghiên cứu gốm đầu ngành và cần mẫn tìm hiểu về những hoa văn, những màu men cổ. Cũng vì thế, xem gốm Trần Độ chúng ta sẽ thấy bóng dáng của gốm men ngọc thời Lý, gốm hoa nâu thời Trần, gốm hoa lan thời Lê và gốm men rạn thời Lê-Nguyễn, như là một “đặc sản” chỉ có riêng gốm Bát Tràng quê anh.

Thật vậy, đến Triển lãm Gốm Trần Độ - Hồi cố và thể nghiệm người xem mới được chiêm ngưỡng những tác phẩm gốm mang “bóng dáng” của người Việt cổ qua nhiều triều đại thực sự có giá trị. Các sản phẩm gốm được trưng bày tại Triển lãm lần này là những sản phẩm  như các loại ấm rượu, ché, cặp chóe, các mẫu thạp chạm khắc, bình gốm hoa lam, các loại chân đèn, lư hương… mang hồn của Bát Tràng xưa, mang hơi thở của truyền thống gốm sứ Việt. Bên cạnh những mẫu gốm tạo dáng và trang trí kế thừa truyền thống phẩm của nghệ nhân Trần Độ còn trở nên đặc sắc với những màu men mới như màu men chảy, màu thúy lam, màu men đỏ…
Nghệ nhân Trần Độ cho biết, ông đang nỗ lực hoàn thiện tác phẩm cụ Rùa Hồ Gươm như món quà nghệ thuật chào mừng kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Đó là hình ảnh một cụ Rùa lịch sử bằng gốm sứ với những nét độc đáo và mang đậm hồn cốt của Bát Tràng nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Người nghệ nhân tài hoa
Nghệ nhân Trần Độ sinh ra và lớn lên tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Vào nghề từ năm 10 tuổi, cho đến nay nghệ nhân Trần Độ có nhiều tác phẩm gốm tụ hội tinh hoa truyền thống và đổi mới, tham gia nhiều cuộc trưng bày triển lãm ngành nghề thủ công mỹ nghệ, được các cấp, các ngành Trung ương và thành phố Hà Nội tăng thưởng nhiều giải thưởng nổi tiếng. Năm 2003, Trần Độ được tăng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội. Từ năm 2004 đến nay, nhiều tác phẩm gốm của nghệ nhân đã được lựa chọn làm quà tặng ngoại giao của Chính phủ nước ta. Trần Độ là người duy nhất được chọn thực hiện lô hàng đặc biệt gồm 219 món đồ cổ lưu tại Bảo tàng Nghệ thuật, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Mai An Khánh (TĐKT)
Posted by Gia Thanh

BLOG BATTRANG 360*

Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2011

Người chế tác thành công ấm Tử Sa


Người chế tác thành công ấm Tử Sa
Update: 26.02.2011

Blog Battrang 360* - Nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn bên chiếc vò rồng. KTNT - Sinh năm 1964, nghệ nhân Vương Mạnh Tuấn ở Bát Tràng (Gia Lâm - Hà Nội) đã có gần 40 năm gắn bó với nghề gốm. Anh cũng là người pha chế thành công loại đất làm ấm Tử Sa không thua kém chất đất ở Nghi Hưng (Giang Tô - Trung Quốc), quê hương của chiếc ấm Tử Sa huyền thoại. Hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, anh sáng tác 2 tác phẩm: Vò rồng và bình chạm hoa văn.
“Duyên nợ” ấm Tử Sa
Về làng gốm Bát Tràng bây giờ, tìm mua một bộ ấm Tử Sa không quá khó. Một người dân tiết lộ: “Muốn hiểu rõ về ấm Tử Sa, các chú cứ đến nhà anh Tuấn là biết hết”.
Tìm đến nhà nghệ nhân tài ba này không khó lắm. Người qua đường đi qua trước cổng thấy hàng trăm bộ ấm chén phơi trước sân cũng đoán được chủ nhân của nó am hiểu về nghệ thuật trà đạo đến mức nào.
Dáng người gày, mảnh khảnh, đầu đội mũ phớt trắng, thể hiện nét phong trần nghệ sỹ, Vương Mạnh Tuấn cho biết: “Trước đây, để có một bộ ấm Tử Sa, người mua phải đặt hàng tận Trung Quốc, nhiều khi còn mua phải hàng giả. Bây giờ, không cần sang Giang Tô nữa, ở Bát Tràng cũng có ấm Tử Sa rồi”. Vừa nói anh vừa dẫn chúng tôi vào xưởng sản xuất gốm đang rào rào tiếng máy quay đất, bên trong cả chục người thợ miệt mài cho ra đời những bộ ấm Tử Sa đã được đặt hàng.
Anh Tuấn cho biết, sở dĩ ấm Tử Sa quý hiếm, được người đời trân trọng là bởi ấm, chén Tử Sa khi soi lên thấy ánh cát lấp lánh, gõ kêu như chuông. Người mê trà đạo, thích phong cách cổ kính rất quý loại ấm độc đáo này. Đặc biệt, màu men của gốm do tự đất sinh ra, nung ở nhiệt độ cao, cứng như đá, càng dùng càng bóng, màu sắc nâu bóng như đồng.
Sinh ra tại Bát Tràng, mảnh đất có truyền thống làm nghề gốm sứ; lên 10 tuổi Tuấn đã theo bố và các chú trong làng đi quay đất, nặn gốm. Ngày nào Tuấn cũng tự mày mò đắp nặn từng khối đất sét thành những sản phẩm của riêng mình như: con heo đất, chiếc ấm, nồi đất, chiếc điếu... Năm 1978, anh bắt đầu vào làm công nhân cho phân xưởng mỹ nghệ của Xí nghiệp Gốm sứ Bát Tràng. Năm 1988, Tuấn bắt đầu mở lò gốm tại nhà. Lúc ấy, không ít người lo ngại, bởi anh chưa qua một trường lớp đào tạo nào về gốm sứ. Tuấn giải thích, điều quan trọng của người làm gốm là phải có tư duy hình khối nghệ thuật và sự đam mê hiểu biết về chất liệu. Khác với mọi người trong làng chỉ chú trọng khâu sản xuất, Tuấn dành nhiều thời gian đi tìm chất liệu mới, đó là đất. Suốt một thời gian dài Tuấn lang thang khắp nơi, hễ nghe ở đâu có gốm sứ là anh đến, từ Phù Lãng (Bắc Ninh), Quế Quyển (Hà Nam), Chu Đậu (Hải Dương) đến tận Nghi Hưng (Trung Quốc). Lần nào trở về, Tuấn cũng mang theo một ít đất để tìm hiểu, nghiên cứu.
Tuấn tiết lộ, đất làm ấm Tử Sa được lấy ở Quế Quyển, nhưng quan trọng là cách thức pha chế, kết hợp với các loại đất khác để có độ dai, dẻo, bền lâu như chất đất ở Giang Tô. Đất đạt yêu cầu làm ấm Tử Sa phải chịu được nhiệt độ nung cao đến 1.2000C.
Ấm Tử Sa của Tuấn vừa tung ra thị trường đã nhanh chóng được người tiêu dùng ưa chuộng bởi chất liệu mới lạ, hình khối tinh xảo, đặc biệt càng dùng càng bóng nhờ nước men độc đáo. ấm Tử Sa ở Bát Tràng có nhiều chủng loại khác nhau với giá thành từ vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng /bộ mà chất lượng không thua kém gì ở Giang Tô.
Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội
Nói về 2 tác phẩm mừng Đại lễ, bình chạm hoa văn và chiếc vò rồng, Tuấn bảo, chiếc vò rồng có chiều cao 1,5m, sử dụng chất liệu men rạn truyền thống và đắp nổi rồng uốn lượn, nổi lên từng chiếc vẩy, từng ngón chân sắc nhọn, tượng trưng cho khí thế vươn lên mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam. Chiếc bình chạm hoa văn cao 1,3m lại thể hiện tích cớ, tất cả các chi tiết khắc và đắp nặn đều được thao tác bằng tay, rõ nét tinh xảo đến từng vân chữ. Giữa bình được chạm khắc bài thơ Sấm ngôn ca ngợi công lao to lớn của các vua đời Lý sau khi dời đô về Thăng Long. Cả hai sản phẩm trên đều được tạo nên từ chất liệu men truyền thống.
Là nghệ nhân trẻ tuổi nhất trong làng, Mạnh Tuấn nói về mình rất khiêm tốn, thế nhưng ai cũng hiểu tên tuổi anh đã gắn liền với chất men làm ra chiếc ấm Tử Sa. Anh bảo rằng: “Tôi vẫn không ngừng tìm tòi, sáng tạo những chất liệu mới, tác phẩm mới, để thỏa lòng mình và để gốm sứ Bát Tràng sống mãi với thời gian”.

D. Phong - P. Kiên
Posted by Gia Thanh


Blog Battrang 360*

Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

Nặng lòng với dòng gốm cổ


Nặng lòng với dòng gốm cổ
Update: 25.02.2011

Blog Battrang 360*  - Sinh năm 1977, tuy là người khuyết tật nhưng anh Phạm Anh Đạo ở xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm đã là chủ một gia sản mà không phải thanh niên bình thường nào cũng có được. Anh còn được xem là một trong những người thợ gốm Bát Tràng đầu tiên quay lại truyền thống với nghề gốm vuốt và nặn bằng tay.

Không được may mắn học hành thành đạt như chúng bạn cùng trang lứa nên ngay từ nhỏ, anh Đạo đã đam mê học nghề gốm truyền thống bằng sự cảm nhận tinh tế của bàn tay khéo léo. Đạo còn nhớ, khi mới cưới vợ, bố mẹ cho ra ở riêng khó khăn trăm bề. Lúc đó, kinh tế hộ làm gốm ở Bát Tràng đang sa sút vì sản phẩm của địa phương bị gốm công nghiệp lấn át, nhiều thợ giỏi trong làng bỏ hẳn nghề của tổ tiên truyền dạy, xoay sang làm gốm theo kiểu công nghiệp. Riêng anh vẫn đeo đuổi sản phẩm vuốt bằng tay dù lúc đó rất khó cạnh tranh với hàng công nghiệp. Anh cho rằng, nếu ai cũng chỉ vì thu nhập mà bỏ nghề cổ truyền thì làm gì còn bản sắc riêng của Bát Tràng, nên dù khó đến mấy anh cũng cố giữ lấy nghề và để khắc phục được điểm yếu này, vợ chồng anh chỉ chuyên sản xuất một dòng sản phẩm nhất định cho một số khách hàng "ruột".

Ngoài sản xuất theo mẫu do khách đặt, những lúc rảnh rỗi, Đạo lại tự nghĩ, tự làm những mẫu anh thích như phục chế gốm hoa nâu Lý - Trần, gốm men lam, men nước dưa, nước dong, men rạn… Anh còn mày mò làm chóe, thạp, ấm tích, độc bình với những nét hoa văn độc đáo… Một trong những sản phẩm tiêu biểu là đôi choé cao trên 2m, 2 người ôm không xuể vừa góp mặt tại triển lãm làng nghề chào mừng Hà Nội 1000 năm tuổi được khách trong và ngoài nước khen ngợi.

Với ý chí "tàn nhưng không phế", Phạm Anh Đạo đã tích cực góp phần thuyết phục nhiều thợ gốm Bát Tràng quay lại với nghề vuốt gốm cổ truyền thống, tạo cho làng nghề những sắc thái riêng biệt. Vì thế, mỗi dịp làng có hội hay khách quý ghé thăm, anh Đạo đều được mời biểu diễn kỹ thuật vuốt gốm bằng tay và hiện anh là người thợ giỏi nghề gốm vuốt và nặn bằng tay có tuổi đời trẻ nhất làng với doanh thu mỗi năm hàng tỷ đồng. Sản phẩm của anh không chỉ được nhiều doanh nghiệp trong nước ưa chuộng mà còn xâm nhập được những thị trường khó tính như Nhật Bản và các nước Tây Âu. Với những đóng góp tích cực cho sự phát triển của làng nghề, anh Đạo đã được nhiều cấp, nhiều ngành tặng bằng khen, giấy khen.
Minh Liễu
Posted by Gia Thanh


Blog Battrang 360*

Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

Muốn cho hồn dân tộc được thăng hoa


Nghệ nhân làng gốm Bát Tràng Vũ Đức Thắng: “Muốn cho hồn dân tộc được thăng hoa”
Update: 23.02.2011



 Blog Battrang 360*  - Sinh ra và lớn lên tại làng nghề làm gốm nổi tiếng – xứ Bát Tràng, nghệ nhân Vũ Đức Thắng đã say mê tìm tòi, lao động và cống hiến cho chính cái nghề mà cha ông để lại, để như ông nói, “muốn cho hồn dân tộc được thăng hoa”.
Phóng viên Laodong.com.vn đã có cuộc trò chuyện đầy thú vị với ông.
- Đã sống và gắn bó với mảnh đất làm gốm Bát Tràng, chắc hẳn cái “nghiệp gốm” của ông cũng xuất phát từ đó?
Gia đình tôi cũng như bao gia đình khác trong làng, khi con cái lớn lên đều bày được cha mẹ bày vẽ cho cách thức làm gốm. Ngày nhỏ, ngoài thời gian đi học, hàng ngày tôi vẫn phụ gia đình làm gốm. Nhưng những lúc đó chưa hề có ý thức hay ý định sau này sẽ tiếp nối nghề như bây giờ đâu.
Kể cả sau này học xong Cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp, nhưng tôi lại học bên khoa hội họa. Ra trường, vì chưa tìm được công việc bên ngành hội họa nên về làng nghề làm gốm để kiếm sống. Và không ngờ, từ chỗ mình làm để mà sống dẫn đến sự đam mê thực sự.
Nói thật là, cũng phải đến những năm 26, 27 tuổi thì những ý thức về nghề mới bắt đầu đến độ chín thực sự.
- Để có được những tác phẩm gốm đầy tài hoa, theo ông, người nghệ nhân cần tích góp được những điều gì?
Không riêng gì nghề gốm mà theo tôi trong tất cả các ngành nghề khác, người nghệ nhân muốn làm một sản phẩm tốt phải xuất phát từ lòng yêu nghề. Ngoài ra còn sự dấn thân, quả quyết và một yếu tố nữa là luôn làm mới mình.
Ở mỗi tác phẩm gốm gửi gắm tất cả những nhiệt huyết của người nghệ nhân vào từng sản phẩm – những đứa con tinh thần. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thôi thì tôi e rằng chỉ đạt được một cái gì đó cứ bình bình, cái tôi muốn nói xa hơn là tự làm mới mình tức luôn biết nắm bắt nhu cầu, thị hiếu và thị trường.
Nhưng suy cho cùng, theo tôi, tất cả phải gắn với cái hồn của dân tộc, nghề gốm là nghề truyền thống của dân tộc nên nó chỉ đẹp khi mang những nét của dân tộc mình.
- Trên con đường gắn với nghề làm gốm của mình, ông cho rằng, làm gốm ứng dụng hay làm gốm nghệ thuật sẽ là con đường đi tốt nhất?
Câu hỏi mà bạn đặt ra không chỉ là một câu hỏi khó đối với riêng nghề gốm mà còn với nhiều nghề truyền thống khác nữa.
Thực tế những năm tôi vừa tốt nghiệp ngành hội họa, tôi đã quay về làm gốm ở nhà nhưng cũng chỉ làm những sản phẩm ứng dụng để bán, hoàn cảnh gia đình không cho phép chất nghệ sĩ trong mình bay bổng được. Mãi đến sau này, khi ổn định hơn một tý, tôi cũng đã tính đến làm những sản phẩm gốm nghệ thuật để thỏa mãn phần nào những sáng tạo của mình. Và không ngờ, sau cuộc triển lãm đầu tiên, những sản phẩm đó đã bán được với giá rất cao. Tôi nhận ra răng, làm gốm nghệ thuật là một con đường đi hẹp, nhưng không phải là không có lối thoát.
Như bạn thấy đấy, thời bây giờ đời sống mọi người đã khá giả hơn, người ta cũng có nhu cầu thưởng thức cái đẹp cao hơn chứ.
- Đã được nhiều người biết đến với tài đắp nổi và khắc hoa văn trên gốm, vốn không ít nghệ nhân làm được, gần đây người ta lại biết anh với tư cách là tác giả của những chiếc bình gốm có khắc thơ (bằng cả chữ Nôm và chữ Hán). Có phải anh đang muốn kết hợp hai cái “hồn dân tộc” lại với nhau? 
Lúc tôi nhận lời đề nghị của Hội Nhà văn làm những cái bình gốm có khắc thơ để trưng bày tại Văn Miếu Quốc Tử Giám trong dịp Ngày thơ Việt Nam thì thời gian quá ngắn. Tôi không giám chắc là mình sẽ thành công. Biết bao điều rủi ro có thể xảy ra trong quá trình làm, khó khăn nhất là việc khắc thơ lên gốm, gồm cả chữ Hán, chữ Nôm. Tuy mạo hiểm nhưng mình vẫn kiểm soát được bằng sự lựa chọn táo bạo, nghiêm túc. Cứ nghĩ đến việc những đứa con tinh thần của mình được trưng bày ở nơi trang nghiêm nhất để mọi người chiêm ngưỡng thì lòng tôi lại thôi thúc.
Sự kết hợp giữa gốm và thơ, cũng là một sự kết hợp đầy thú vị đấy chứ!
Đây lại là một trong những chương trình hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội nên tôi đã rất tâm huyết khi làm những sản phẩm này.
- Nhắc đến 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, xin hỏi ông cùng những nghệ nhân của làng gốm Bát Tràng đã chuẩn bị những gì cho dịp đại lễ long trọng này, thưa ông?
Năm ngoái tôi đã đúc xong 2 bình gốm khổ lớn cao gần 1m đều được đắp nổi hoa văn. Một bình là những sự kiện lịch sử nổi tiếng của dân tộc, một bình lại là những địa danh, thắng cảnh đẹp và là biểu trưng của đất nước.
Càng gần đến ngày Đại lễ, càng có nhiều công việc phải làm. Loạt sản phẩm sẽ trưng bày trong Triển lãm làng nghề truyền thống mà những tác phẩm đặc sắc nhất sẽ được tặng cho UBND TP Hà Nội…
Tôi cùng những người nghệ nhân ở Bát Tràng đang cố gắng dốc hết sức lực góp công vào để quảng bá hình ảnh làng gốm nói riêng và thủ đô Hà Nội nói chung trong những tháng năm lịch sử này.
Xin cảm ơn ông!

Thái Anh (thực hiện)
Posted by Gia Thanh

Blog Battrang 360*


Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

Kỷ lục Việt Nam: Chiếc chóe men rạn lớn nhất


Kỷ lục Việt Nam: Chiếc chóe men rạn lớn nhất
Update: 22.02.2011

Blog Battrang 360*  - Kích thước của chiếc chóe cao 2,4m (từ đỉnh đến chân), đường kính 1,25m, nặng 200kg.

Chiếc chóe gồm hai bộ phận: thân và nắp chóe được các người thợ làng nghề làm theo dạng men rạn giả cổ. Trên thân vẽ tích "Vinh quy bái tổ" với màu lam cổ. Kích thước của chiếc chóe cao 2,4m (từ đỉnh đến chân), đường kính 1,25m, nặng 200kg.
Vào thời phong kiến, người học trò sau thời gian dùi mài kinh sử đều mong được đến ngày "Vinh quy bái tổ". Đây không chỉ là mong ước "Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau"của các sĩ tử ngày xưa mà còn thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" với tấm lòng kính nhớ tổ tiên, bái tạ người thầy đã dạy dỗ mình nên người và tri ân quê hương chôn nhau cắt rốn.
Cảm xúc trước tích chuyện thời xưa, anh Lê Minh Ngọc và những người thợ ở xóm 1, thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội đã thực hiện một chiếc chóe men rạn có kích thước lớn mà trên thân chóe thể hiện tích chuyện này. Chiếc chóe gồm hai bộ phận: thân và nắp chóe được các người thợ làng nghề làm theo dạng men rạn giả cổ. Trên thân vẽ tích "Vinh quy bái tổ" với màu lam cổ. Kích thước của chiếc chóe cao 2,4m (từ đỉnh đến chân), đường kính 1,25m, nặng 200kg.
Theo 24h
Posted by Gia Thanh

Blog Battrang 360*

Thứ Hai, 21 tháng 2, 2011

Khám phá sông Hồng


Khám phá sông Hồng
Update: 21.02.2011

Blog Battrang 360* - Cách Hà Nội 28km, những đôi lứa yêu nhau tới đây đặt cho đền thờ Tiên Dung - Chử Đồng Tử một cái tên lãng mạn: "Ngôi đền tình yêu". Bên kia sông là bãi Tự Nhiên...
Khởi hành từ bến Chương Dương (Hà Nội), cảm nhận đầu tiên của tôi khi đặt chân lên tàu là một không gian trong lành đan xen cảm xúc "háo hức" khi bắt đầu hành trình khám phá những giá trị văn hoá lịch sử và cuộc sống thanh bình của người dân bên bờ sông Hồng.
Gió thổi lồng lộng mang theo hơi thở, sức sống của dòng sông chở nặng phù sa. Tàu nhẹ nhàng lướt đi, cầu Thanh Trì, rồi làng cổ Bát Tràng - những nơi dường như quen thuộc hàng ngày - nay hiện ra trước mũi tàu dưới góc nhìn thật lạ cùng vẻ đẹp nên thơ, trữ tình.
Tàu ghé vào đền Dầm, đền Đại Lộ - điểm dừng chân đầu tiên - sau khoảng hơn 2 tiếng khởi hành. Đền Dầm cổ kính rêu phong là nơi thờ tự chính Mẫu Đệ Tam. Nơi đây nổi tiếng với cây đa mà ngày xưa, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn buộc ngựa, nghỉ chân.
Khách tham quan sẽ được nghe kể sự tích cây thị nghìn năm trước khi tiếp tục hành trình đến với đền thờ Tiên Dung - Chử Đồng Tử. Cách Hà Nội 28km, những đôi lứa yêu nhau tới đây đặt cho đền một cái tên lãng mạn: "Ngôi đền tình yêu". Bên kia sông là bãi Tự Nhiên, hay bãi Thiên Mạc, tức "Màn trời", nơi xưa kia, theo tích truyện, công chúa Tiên Dung quây màn để tắm và đã gặp chàng Chử Đồng Tử đang vùi mình trong cát...
Điểm đến tiếp theo nằm trên đường về, ngược dòng Hồng Hà là làng cổ Bát Tràng - nơi nổi tiếng với những sản phẩm gốm sứ tuyệt đẹp. Trong thời gian ở trên tàu, mọi người sẽ được thưởng thức bữa trưa với những món ăn đặc trưng của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Cùng lúc đó, trên sân khấu, các liền anh, liền chị cũng góp vui bằng nhiều làn điệu quan họ mượt mà, đằm thắm.
Cập bến vào Bát Tràng, du khách sẽ có dịp khám phá những lối ngõ cổ quanh co. Đời sống hiện đại dường như không làm mất đi vẻ đẹp mộc mạc vốn có của ngôi làng có bề dày lịch sử. Tại đây, bạn có thể tự tay nhào nặn một món đồ gốm nào đấy mà mình thích dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân.
Dạo chợ gốm sứ để tìm cho mình một vài món đồ kỷ niệm hay khám phá những điều kỳ diệu từ đất, lửa qua bàn tay khéo léo của con người là thú vui không thể bỏ qua trước khi trở lại tàu để quay về Hà Nội.

Hoàng Minh (Dân Việt)
Posted by Gia Thanh

Blog Battrang 360*

Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011

Chung một tình yêu


Chung một tình yêu
Update: 19.02.2011

Blog Battrang 360* - Chưa bao giờ Hà Nội lại đón nhận nhiều tấm lòng hướng về mình đến thế. Quả đúng với tinh thần mọi trái tim đều hướng về thủ đô.
Yêu Hà Nội từ lòng biết ơn 
Tôi bắt đầu đầu đi tìm hiểu những tấm lòng dành cho Hà Nội từ làng gốm Bát Tràng. Nơi xuất xứ của phiên bản cụ rùa hồ Gươm bằng gốm và đôi rồng chầu bằng sứ được rất nhiều người quan tâm trong dịp đại lễ.
 Về Bát Tràng đúng dịp triển lãm gốm sứ 1000 năm cổ truyền và hiện đại nên ở làng quê cách xa trung tâm Hà Nội hàng chục cây số này không khí lễ hội vẫn rất hào hứng. Chủ nhân của “phiên bản cụ rùa bằng gốm cổ lớn nhất”, nghệ nhân Trần Độ còn khá trẻ nhưng suốt câu chuyện về tình yêu Hà Nội, về món quà của ông và nhân dân làng gốm Bát Tràng dâng lên đại lễ tôi có cảm giác đang hầu chuyện một bậc cao niên trong làng. Còn với nghệ nhân Nguyễn Văn Binh, vẫn là cái già trước tuổi ấy, nhưng khi đã thấm chuyện rồi mới hiểu vì sao họ có được cái “thần” như thế.
 Cả hai đều nói với tôi rằng món quà của họ là đại diện của nhân dân, của những người con Hà Nội đã chịu ơn dòng sông Hồng, chịu ơn lịch sử lâu đời đã mang nghề gốm sứ đến với mảnh đất này. Món quà họ dâng lên Hà Nội, dâng lên đại lễ chỉ có thể giải thích bằng tình yêu. Cũng chính vì tình yêu Thăng Long nghìn năm tuổi mà cả ông Binh, ông Độ cùng toàn thể dân Bát Tràng bỏ công sức đi tìm hình mẫu để tạo ra những tác phẩm từ chính quê hương mình. Hành trình của họ, những linh vật họ chọn như chính lời người trong cuộc giải thích là bằng cả con tim và khối óc.Để hoàn thành phiên bản cụ rùa – linh vật Kim Quy ông Độ và dân làng phải bỏ công nửa năm trời đi tìm hình mẫu. Cuối cùng họ chọn cụ rùa hồ Gươm.
Lý do? Thần Kim Quy đã được coi như biểu tượng tâm linh của người Việt từ xa xưa đến nay. Từ thời Vua An Dương Vương xây thành Cổ Loa, đến thời Vua Lê Lợi và cho đến tận ngày hôm nay thì cụ rùa đã là một biểu tượng của văn hóa Hà Nội. Với những ý nghĩa đó, nghện nhân Độ và dân làng Bát Tràng đã dâng lên đại lễ món quà “biểu tượng tâm linh vô giá của Hà Nội nghìn năm văn hiến” bằng chính những sản phẩm từ quê hương mình. Bằng chính từng nắm đất mà họ vẫn luôn tâm niệm là nhờ “chịu ơn đất Thăng Long”. Ông Độ kể rằng, suốt quá trình hoàn thành phiên bản cụ rùa hồ Gươm mỗi người tham gia đều ý thức được rằng đó có thể là kiệt tác của đời họ. “Chúng tôi làm “cụ” bằng cả trái tim. Bằng tấm lòng của người Bát Tràng đối với Hà Nội. Thế nên sau khi hoàn thành đã làm lễ trình Thành hoàng làng, Tổ nghề gốm Bát Tràng không phải chỉ để báo công mà đó còn là cách thể hiện được “tinh hoa nghề gốm đất Thăng Long” vẫn đang được gìn giữ và phát huy”.
 Còn để tìm được hình tượng đôi rồng thời Lý, ông Binh phải lật hết sách sử về các triều đại ra đọc. Nghiên cứu rất kỹ về Vua Lý Thái Tổ, ông chọn hình tượng đôi rồng là vì dựa vào tích vua Lý Thái Tổ trước khi dời đô về Thăng Long đã nhìn thấy đôi rồng từ mảnh đất này bay lên. Tìm hiểu sâu hơn nữa thì biết rằng vùng đất rồng bay lên ấy nằm ở xã Tự Nhiên (huyện Thường Tín). Đây cũng là nơi truyền kỳ về mối tình Tiên Dung – Chử Đồng Tử nên ông muốn thực hiện hoàn thành đôi rồng ngay chính tại vùng đất này. Hình ảnh đôi rồng được uốn theo con số 1000 năm là cách mà ông cùng với người Bát Tràng muốn dành những gì thiêng liêng nhất, tinh hoa nhất trong ngày Thủ đô tròn một nghìn năm.  
Một tình yêu, vạn tấm lòng 
Nắm bắt thông tin liên tục từ đại lễ chúng tôi có cảm giác “bội thực” với những gì mà Hà Nội nhận được trong những ngày này. Có thể đó là đôi áo dài nhiều tà của người miền Nam, Bức trướng phong Chiếu dời đô mạ vàng của các nghệ nhân Hiệp hội làng nghề Việt Nam hay đơn giản chỉ là hành trình đón 1000 Anh hùng và Mẹ Việt Nam anh hùng từ 63 tỉnh thành về đại lễ, Bắt gặp sự trầm trồ của công chúng khi ngắm nhìn những tác phẩm ấy chợt nhận ra rằng tình cảm mà Hà Nội đón nhận quá nồng nàn. bộ sưu tập tem mang tên 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội của một nông dân ở An Giang… Nhưng hơn hết là tấm lòng, là tình yêu Hà Nội, là trái tim mọi miền hướng về thủ đô nghìn năm hào khí thiêng liêng. Lang thang đi tìm hiểu về những tấm lòng hướng về đại lễ và thật khó để làm được phép thống kê.
Trong số những tác phẩm dâng lên đại lễ tôi ấn tượng với Bức trướng phong Chiếu dời đô. Ấn tượng không chỉ vì kích thước phủ bì dài 4,58m, cao 3,85m, nặng gần 5,5 tấn với 300 chữ mạ vàng mà một phần từ tâm huyết từ một nghệ nhân già chung tay thực hiện. Thêm vào đó là sự đồng lòng, chung một tình yêu của những người con đất Thăng Long.
Để thực hiện bức thư pháp có một không hai này, nghệ nhân Nguyễn Thế Long ở làng gò đồng Đại Bái phải mất tới 200 ngày đêm miệt mài dùng đồng vẽ chữ bằng đôi tay trần mà không sử dụng bất cứ công nghệ nào. Điều gì thôi thúc nghệ nhân già ấy lao tâm cật lực nếu chẳng phải là tình yêu? “Tôi miệt mài làm việc chỉ với mục đích hoàn thành thật nhanh, thật đẹp để cùng dâng lên đại lễ. Để thể hiện tấm lòng của mình, của ê kíp thực hiện đối với Hà Nội nghìn năm. Suốt thời gian ấy không có bất kỳ một suy nghĩ nào khác ngoài Bức trướng phong Chiếu dời đô”. Nghệ nhân Long đã phát biểu như thế trong ngày trưng bày ra mắt tác phẩm tại Công viên Lý Thái Tổ.

Hoàng Anh
Posted by Gia Thanh

Blog Battrang 360*

Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2011

Men gốm men người


Men gốm men người
Update: 18.02.2011

Blog Battrang 360*  - Anh Huy, bạn tôi, một người làm gốm ở làng Bát Tràng nhắn mời sang uống trà. Nghĩ bụng, chạy ba quãng đồng để uống chén trà, chắc hẳn phải là trà gì đặc biệt đây. Mùa đông mưa phùn gió bấc, nể bạn, lặn lội sang. Trà ngon đã đành nhưng đường sá xa xôi bỗng hoá gần là vì một lẽ khác. Anh mới ra lò, một bộ ấm chén mới, còn nóng, pha ấm trà đầu, đãi khách.
Anh Huy, sinh ra ở Bát Tràng, lớn lên đi học trường Bách khoa, ngành silicat rồi về làm ở xí nghiệp gốm Bát Tràng một mạch mấy chục năm cho đến khi nghỉ hưu. Nhưng dẫu sao đó cũng chỉ là đi làm, làm gốm, làm việc, việc chung thôi. Lúc về hưu, lúc nghỉ mới là được làm, làm cho mình. Người yêu gốm, yêu đất, yêu lửa, yêu nước như anh Huy thì khi được trở về với mình tức là trở về với đất, với lửa, với nước. Mấy cụ già mê đọc Trang Tử thường kể câu chuyện quả bầu khô dùng đựng rượu, giữa cái vỏ và phần khoảng không bên trong chẳng biết phần nào quan trọng hơn, phần nào để nói về cái sự “tề vật luận”. Anh Huy là người thủ cựu nhưng nhược điểm này lại là ưu điểm, nó cũng hay như tính thích cải cách của người khác.
Chuyện là thế này, độ mười năm gần đây, cả làng Bát Tràng có phong trào, phá lò hộp, đốt bằng than để thay thế bằng lò gas. Rẻ thì chưa chắc nhưng rõ là nhanh, tiện, sạch sẽ, lửa ổn định, chất lượng sản phẩm đồng đều. Ấy thế nhưng anh Huy không những không lắp lò gas theo phong trào mà cũng không xây lò hộp, anh “giật lùi” hẳn hai bước, âm thầm làm một cái lò bầu, đốt củi. Đây chính là loại lò, là phương pháp nung gốm cổ truyền của gốm Việt Nam nói chung và gốm Bát Tràng nói riêng. Những kiệt tác trong di sản gốm Việt từ men ngọc đời Lý, gốm hoa nâu đời Trần, gốm vẽ men lam, xanh chàm của Lê, Mạc rồi đồ gốm đắp nổi, men rạn đều nung bằng lò bầu, đốt củi.
Nhân đây cũng muốn nói thêm, sau mười năm Bát Tràng chuyển sang dùng lò gas, gốm Bát Tràng vẫn chưa có sản phẩm nào đủ đẹp có thể nối tiếp được truyền thống, ngoài việc tận dụng ưu thế kỹ thuật ổn định của nhiệt, chủ động được nhiệt để làm ra những sản phẩm to cao, to nhưng xấu, hình như càng xấu càng phải to để bù đắp. Nào là lọ, chum, choé, vại, vò,… nhà nào cũng thi nhau làm to, giá bán cao không phải vì đẹp mà vì sản phẩm to. Tất nhiên mốt thích to không chỉ có ở gốm, ở Bát Tràng và qua đây cũng thấy cái lỗi hám to cũng không chỉ do người làm ra sản phẩm mà do cả ở những người tiêu dùng hôm nay.
Trở lại chuyện anh Huy, anh không phải là người cố tình bảo thủ, cố tình đi ngược xu thế chung, anh cũng không ý thức về việc “hand made”. Anh tâm sự: cách tân không chỉ là bỏ cũ sang cái mới mà là làm mới truyền thống, trước tiên là khôi phục lại kỹ thuật truyền thống, từ đất, men, lửa (lửa của lò bầu đốt bằng củi). Ví dụ muốn phục chế men ngọc thì bắt buộc phải nung bằng lò bầu, chất kiềm (kalihydroxit – KOH và natrihydoxit – NAOH) tự nhiên trong củi sẽ làm cho màu xanh ngọc trong và sâu, lò gas không làm được. Những tác phẩm men ngọc của gốm Lý có nhiều cung bậc, ngọc nước dưa, ngọc màu nước rau muống luộc, ngọc màu quả bí, tất cả đều gần gũi và duyên. Rồi lại nghĩ đến gốm Bát Tràng hôm nay. Thèm được nhẩm một câu trong bài hát nào đó của Trịnh Công Sơn, “lòng chợt bình yên mà sao buồn thế”. Anh Huy kể, làm một cái lò bầu, nhỏ thôi nhưng chẳng dễ gì, tất cả đều chỉ có một mình, không hỏi ai được, những người già đều đã “ra đi” hết cùng với kinh nghiệm của họ, những người trẻ quen với tư duy nhanh nhiều tốt rẻ của lò gas, với họ truyền thống là phụ, đẹp là phụ. Nếu như không muốn nói, họ đã hoàn toàn đứt đoạn với truyền thống. Phần lớn những nghệ nhân hôm nay, dù có sắc phong chính thức nhưng bản chất là danh hão và phẩm chất chính là phá hoại tinh tuý của gốm Bát Tràng.
Anh Huy không nản lòng vì trước tiên và trên hết anh làm vì sự thôi thúc cá nhân, làm cho mình thôi. Những mẻ lò đầu tiên hoàn toàn thất bại. Tình yêu gốm trong máu thịt mách bảo anh rằng, thất bại đấy nhưng nó sẽ qua và đây là con đường đúng đắn. Linh cảm là điều khó lý giải, anh Huy kiên nhẫn đi tiếp. Để tìm được sự hài hoà giữa đất, lửa, nước đâu dễ. Tự làm lò, tự chế đất (không mua sẵn), tự mua củi, tự chẻ, tự đi mua rơm về đốt làm men tro, tự nặn, tự vuốt từng sản phẩm một. Làm tay từ đầu đến cuối, hoàn toàn nguyên liệu tự nhiên củi lửa, men thuốc. Hình như cái sự một mình, sự cô độc cũng là sức mạnh.
Lửa của lò gas rất đều, sạch không bụi bặm. Sản phẩm đều tăm tắp, rất tốt cho làm hàng loạt, nó là hàng hoá, là mỹ nghệ, trau chuốt, nuột nà, giống nhau như đúc. Ưu điểm là ở đó và nhược điểm cũng là ở đó.
Đồ gốm của anh Huy nặn tay từng chiếc, không dùng khuôn, men tự nhiên, không dùng hoá chất công nghiệp, nhiệt độ đốt bằng củi lò bầu nhiều may rủi, chỗ táp lửa, chỗ ám khói, chỗ hoàn nguyên, chỗ chín già, chỗ non, men chỗ dày chỗ mỏng do dấn bằng tay, không phun bằng máy… nên nhiều tình cờ, gốm của anh Huy đẹp là do ngẫu nhiên, không lặp lại, đó là vẻ đẹp của đơn bản.
Ngồi uống chén trà pha bằng bộ ấm mới ra lò. Anh Huy nhẩn nha nói với tôi nhiều chuyện, chuyện người, chuyện nghề, chuyện về làng gốm Bát Tràng đã nghìn năm tuổi. Băn khoăn nhất vẫn là chuyện kỹ thuật, tay nghề, chất liệu, nay đã tốt hơn nhưng gốm Bát Tràng không đẹp hơn.
Một chút mưa, một chút lạnh, một chút bâng khuâng, tiếc nuối của những ngày cuối năm, một chút lửa, một chút hơi ấm của lò bầu đốt bằng củi. Không hiểu sao những một chút đó khiến tôi miên man nghĩ sang chuyện khác, chuyện bảo tồn, chuyện di sản. Ai là người sẽ lưu giữ ký ức của những làng nghề? Đâu chỉ Bát Tràng, nào là giấy dó ở Dương Ổ, Hà Bắc, đúc đồng Đại Bái, sơn quang dầu ở Cát Đằng, nghề bạc ở Đồng Sâm, Thái Bình… chả nhẽ cái mới đến sẽ làm mất dần những cái cũ, chả nhẽ suốt 1.000 năm còn giữ được thế mà chỉ có mấy chục năm gần đây mọi thứ lại mất nhiều và nhanh như vậy.
Trước khi chia tay, anh Huy bảo, sở dĩ màu men tro của Bát Tràng đẹp thế, riêng thế là bởi vì, trước khi ra lò vài tiếng, tôi cho vào lò mấy đoạn nứa. Trong quá trình cháy, chất muối natriclorua (NaCl) tự nhiên trong ruột cây nứa tiết ra, cho dù chỉ là vi lượng sẽ thấm vào lớp men áo sắp chín làm ra màu men đặc thù của gốm Bát Tràng. Nếu như không có những người như anh Phạm Ngọc Huy, say men gốm, say gốm để phục chế và lưu giữ lại những ký ức này, những tinh hoa này thì… làng Bát Tràng vẫn còn, vì những mất mát li ti như vậy ít ai thấy, không dễ thấy nhưng nó lại là hồn cốt của cả một nghề, một làng nghề.
Nguồn: Báo Sài Gòn Tiếp thị
Posted by Gia Thanh

Blog Battrang 360*

Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

Men Bát Tràng


Men Bát Tràng
Update: 17.02.2011

Blog Battrang 360*  - Mãi đến giờ tôi vẫn chưa thoát khỏi cái ám ảnh về những xúc cảm dữ dội từ anh mỗi khi nhắc đến vẻ đẹp khác biệt và phong phú của men gốm Bát Tràng. Tôi buộc phải dùng từ "ám ảnh", bởi bằng mọi cách, đã không lý giải nổi vì sao một người chưa từng đặt chân lên đất Bát Tràng mà lại trân trọng khả năng sáng tạo cùng nỗi nhọc nhằn đầy tự nguyện của những người con làng gốm đến thế.
Hôm ấy, từ miệt vườn sông Hậu, anh gọi cho tôi rất sớm. Vẫn cái chất giọng vừa chắc nịch vừa pha chút miên man của một người mạnh mẽ mà đa cảm (cái chất giọng khiến tôi "mê" anh từ thời cùng nhau dọc ngang trên đất Chùa Tháp), anh hẹn tôi đón ở sân bay Nội Bài và ngay sau đó về thăm làng gốm. Rằng, anh muốn được thấy từng nước men gốm sứ Bát Tràng phô hết vẻ đẹp trong lập lòe ánh nến. Ấy là vẻ đẹp đã nung nấu trong trí tưởng tượng của anh từ trước và nó cứ thôi thúc anh bao năm trời...
Không thể khác, tôi chỉ biết làm mọi việc có thể để đáp ứng chừng nào cái mong ước từng ấp ủ trong anh. Nhưng buổi tối hôm ấy, ngay sau khi tay bắt mặt mừng, tôi muốn khuyên anh để hôm sau mới thực hiện chuyến đi với một lời giải thích: Trong bất cứ ánh sáng nào, men Bát Tràng cũng toát lên vẻ đẹp rất riêng, rất đặc biệt. Anh không chịu. Và, với vẻ mặt đầy bí ẩn, anh như muốn "thức tỉnh" tôi. Một thoáng tự trách mình, tôi muốn tự vấn rằng, có phải xa thương gần thường mà đã bao lần qua lại làng gốm, sao tôi không có được cái khát như anh. Để rồi trong chuyến đi có phần miễn cưỡng ấy, tôi chợt phát hiện thêm một giá trị khác từ những nét đẹp vốn được mặc định lâu nay trong tiềm thức tôi cũng như bao người.
Từ một làng cổ nằm khuất nẻo bên sông Hồng, nay Bát Tràng không khác một trung tâm giao thương là mấy. Mới hiểu vì sao bạn tôi muốn về thăm làng gốm trong đêm. Anh muốn mượn cái ảo mờ tĩnh lặng hiếm hoi kia để gợi về chút dáng cổ xưa, dù chỉ trong ý niệm. Nghĩ vậy, tôi đã đưa anh đến thăm một trong những "đại thụ" của làng.
Sinh ra và lớn lên trên đất gốm, ngay từ năm 13 tuổi, Lê Văn Cam đã vật lộn với nghề truyền thống. Phải chăng cái hồn của đất sét trắng, cái độc đáo của mầu men xanh, men rạn đã ngấm vào huyết mạch nghệ nhân từ thuở ấy? Nó lý giải vì sao giới am hiểu gốm Bát Tràng ngày nay gọi cụ là người hóa mầu cho men cổ hồi sinh. Sáu chục năm gắn bó với đất, với lò, với men; say mê, mày mò tìm lại công thức men rạn đã thất truyền, đến giờ cụ đã cho ra lò hàng vạn sản phẩm mỹ nghệ chất lượng cao. Năm 1987, sau khi nghiên cứu, thử nghiệm thành công men gốm phục chế chân đèn thời Mạc và hai loại men gốm rạn cổ, cụ được thành phố Hà Nội công nhận là nghệ nhân và được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp Bằng Lao động sáng tạo.
Trong căn phòng đượm mầu men cổ, nghệ nhân Lê Văn Cam đã dẫn chúng tôi đi từ miền xa ngái nhọc nhằn đến vị thế đầy kiêu hãnh hôm nay. Gần 600 năm hình thành và phát triển, làng gốm lâu đời này không những nổi tiếng nước Nam mà từ lâu đã được các lái thương Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Hà Lan, Pháp... tìm mua với số lượng lớn và hiện đứng vững trên thị trường thế giới như Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Thái-lan... Căn cứ vào nhiều đồ thờ quý giá ở những đình, đền, chùa, miếu có ghi tên tuổi những người cúng tiến và thời gian chế tác, thì gốm Bát Tràng cực thịnh vào thế kỷ 16, 17, nổi tiếng về chất men phủ, phổ biến là men mầu búp dong, loại men này sắc độ trắng hơi ngả xanh hoặc xám, trong và sâu. Đặc biệt là hai loại men lý, men nho, tựa như mầu ngọc thạch, nên được gọi là men ngọc. Thì ra "nhất nho, nhì lý" là của riêng Bát Tràng. Và câu nói truyền miệng mang tính "thương hiệu" ấy không chỉ nhằm ca ngợi thứ đặc sản của quá khứ vinh quang, mà còn như một lời nhắc nhở các thế hệ hôm nay gắng sức tìm lại giá trị ông cha đã đạt được.
Cụ Cam bảo: "Gốm Bát Tràng thể hiện được bản sắc riêng so với các loại gốm khác bởi dáng vẻ thoáng đãng, men mầu tự nhiên, phóng khoáng, tạo được độ trong và sâu".
- Nhưng, thưa cụ, qua hàng trăm năm như vậy, liệu những bí mật về mầu men Bát Tràng có bị lọt ra ngoài? - Anh bạn tôi vẻ lo lắng thật sự, trong khi người nghệ nhân già cười sảng khoái:
- Men là bí quyết! Nó là loại độc đáo chỉ có duy nhất ở Bát Tràng. Vì thế mà các cụ ra đi, mang theo hết cả. Khó hơn là ông cha ta xưa chỉ dựa vào kinh nghiệm mà pha chế chứ không ghi ra thành công thức...
- Bởi vậy mà từ lâu nhiều người đã dày công nghiên cứu để làm sống lại loại men này, nhưng không thành công?
- Đấy đấy, cái khó chính là chỗ đó...
Chợt như nhớ ra điều gì, cụ ngắt ngang câu chuyện, dẫn chúng tôi lại bàn trà. Qua cái nhìn xa xăm dưới hàng mi bạc, cụ chậm rãi, tiếp:
- Nhưng khó hơn cho các anh chị sau này, là làm sao vừa giữ được cái chất cổ xưa, để mỗi mầu men của ông cha không bị mất đi, mà lại phải biết cải tiến, bổ sung cho hoàn chỉnh hơn...
Rồi, trong niềm tự hào không giấu giếm, cụ Cam còn giảng giải cho chúng tôi khá kỹ về các dòng men. Rằng, gốm Bát Tràng có năm dòng men đặc trưng, thể hiện qua mỗi thời kỳ khác nhau, tạo nên những sản phẩm khác biệt. Khởi đầu là men lam với những đồ gốm có sắc xanh chì đến đen sẫm. Men nâu thể hiện theo phong cách truyền thống và được vẽ theo kỹ thuật men lam. Men trắng ngà sử dụng trên nhiều loại hình đồ gốm từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, men này mỏng, mầu vàng ngà, bóng thích hợp với các trang trí tỉ mỉ. Men xanh rêu được kết hợp với men trắng ngà và nâu, tạo ra một dòng rất riêng. Còn men rạn là dòng chỉ xuất hiện tại Bát Tràng từ cuối thế kỷ 16...
Sau khi siết chặt tay nghệ nhân Lê Văn Cam, anh bạn tôi trở nên trầm tư hẳn. Tôi hiểu anh đang nghĩ gì. Ánh sáng men Bát Tràng dường như có khả năng dẫn dắt trí tưởng tượng con người đến những nẻo suy niệm đầy mê hoặc mà ở mỗi nhánh cành khác biệt đó ta như thấu tận cái nồng hậu và sắc vị những giọt mồ hôi lắng đượm phù sa châu thổ sông Hồng. Và dường như trong cái lập lòe ẩn hiện kỳ bí đó, tâm hồn ta được thanh lọc hơn để có thể cảm nhận sâu hơn, trọn vẹn hơn cái đích thực của mỗi ánh men được cất lên và chắt ra từ giọt giọt mồ hôi, từ mặn mòi nước mắt! Và phải chăng, khi những nhọc nhằn và tâm huyết kia đã thấm sâu trong mỗi ánh men, người thưởng thức "cái đẹp từ đất" ấy dường như thấy lòng thanh thản hơn, đỡ day dứt hơn, đỡ thấy mình có lỗi hơn khi phải trực diện với những giọt mồ hôi và nước mắt ướt đằm trên gương mặt nghệ nhân?
Những ý nghĩ đưa tôi đến trước phòng gốm của nghệ nhân Trần Độ tự lúc nào. Làm gốm từ năm 10 tuổi, đến nay, ở tuổi 53, anh đã có nhiều tác phẩm hội tụ tinh hoa truyền thống và đổi mới. Năm 2003, Trần Độ được trao tặng danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội". Anh là tác giả của 80 món quà tặng, gồm những sản phẩm phục cổ, giả cổ, trong đó có một chiếc bình rượu cổ triều Mạc mà Văn phòng Chính phủ đặt làm quà lưu niệm cho các nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị cấp cao ASEM 5 tổ chức tại Hà Nội tháng 10-2004. Một năm sau đó, anh là người duy nhất được chọn thực hiện lô hàng đặc biệt gồm 219 món đồ gốm với gần 10 loại sản phẩm phục chế theo nguyên mẫu còn lưu giữ trong sách cổ và mẫu lưu tại Bảo tàng Nghệ thuật, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Cũng những "món đồ đất có hồn" này, sau đó đã theo chân Thủ tướng Phan Văn Khải sang Hoa Kỳ, Ca-na-đa làm quà cho các chính khách nước sở tại. Rõ ràng, đó không chỉ là niềm tự hào Bát Tràng mà còn khẳng định một sức sống mãnh liệt ẩn dưới lớp áo cứ ngỡ là vô tri của đất.
Đến nay, trong gia tài Trần Độ đã có hơn 70 bài men cổ. Riêng dòng men ngọc, anh có tới mười hai công thức khác nhau, tạo ra mười hai biến tấu của loại men này. Rồi men lam, men rau, men đá, men chảy, men nâu, men đen... Đặc biệt là men nâu trầm rất lạ, chưa từng thấy ở Bát Tràng. Dùng những bài men đó, anh đã phục chế lại hàng trăm sản phẩm gốm cổ từ thời Lý - Trần - Lê như lư hương, chân đèn, bình, lọ, chum, chóe, bát đĩa được thể hiện qua các lớp men rạn, men chảy các mầu trắng, nâu, xanh ngọc... mà vẫn giữ được những hoa văn cổ với chất men giản dị và thanh thoát.
Có thể nói, gốm Trần Độ hội tụ các tinh hoa của gốm Bát Tràng, vừa mang tính dân tộc, vừa có sự cách tân, đổi mới. Trong các tác phẩm của nghệ nhân này, dễ thấy bóng dáng nhiều dòng gốm men cổ Việt Nam như gốm men ngọc thế kỷ 11, gốm hoa nâu thời Lý, gốm hoa lam thời Mạc, men nhiều mầu thời Hậu Lê - Nguyễn và sau đó là gốm men rạn...
Không giấu nổi vẻ kinh ngạc, anh bạn tôi chỉ biết thốt lên:
- Anh đã làm thế nào?
Trần Độ cười, khiêm nhường:
- Có mỗi cách là đào sâu nghiên cứu thôi. Còn nếu chỉ thuần túy dựa vào công thức thì không thể có được những sản phẩm đa dạng như vậy.
- Nhưng, thật sự, anh đã làm thế nào?
Một câu hỏi lặp lại đầy bất lực. Tôi thấy ái ngại cho bạn mình. May sao, là người ngại nói về mình (dường như những tài năng thật sự đều thế cả), song trước những xúc cảm hết đỗi chân thành ấy, Trần Độ không thể cầm lòng. Anh đã nói về những gì mình lĩnh hội được từ sự tinh túy qua ngàn năm tổ tiên đúc kết. Rằng những bí ẩn của men, những đường nét tạo hình, khắc khối... đâu có nằm ở nơi nào xa xôi. Nó nằm ngay bên ta, hồn hậu và dung dị, chỉ cần ta luôn biết trân trọng và nâng niu vốn tài sản vô giá muôn đời mà cha ông để lại. Và từ đó, men không chỉ được tạo ra qua tháng ngày lao động miệt mài. Nó được chắp nối từ những ý tưởng chập chờn trong lúc tỉnh, lúc mơ như một thứ sắc mầu của ảo ảnh, phải nhìn bằng cõi lòng sâu thẳm tinh khôi mới thấy hết những cao siêu, thoát tục của nó. Trong ngôn ngữ men của Trần Độ, điều mà nhiều người cảm nhận được là mầu sắc của Phật giáo. Đó là một thứ ngôn ngữ thoát tục đấy mà trần tục đấy, rõ là sắc mầu của đời thường mà cũng chập chờn như cõi hư vô...
Hôm ấy, cứ sau mỗi lần được tiếp xúc với một nghệ nhân cùng những đặc phẩm của họ, anh bạn tôi thường phải lặng đi một hồi lâu rồi mới đưa ra lời chia sẻ... đầy bất lực. Và tôi, có cái gì như muốn hát lên. Bằng sự đồng cảm tuyệt vời cùng trái tim luôn ngân rung vì cái đẹp, những nghệ nhân tài năng và tâm huyết của Bát Tràng sớm nhận thấy và lĩnh hội tinh túy cha ông ngàn năm đúc kết. Với họ, nghề gốm không phải là con đường mưu cầu danh lợi vật chất mà là sự thỏa mãn khát vọng vực dậy dòng gốm cổ đang chìm dần vì sự "đè nén" của dòng gốm thương mại đang tung hoành. Nghệ nhân Trần Thiện nổi tiếng bởi men rạn rễ cây, men ngọc lam rạn như chạm khắc. Nghệ nhân Hùng Hiển đã không để ai qua được tài chế tác men chảy thủy tinh đổ trên đồ gốm sứ nung hơn 1.350 độ C. Nghệ nhân Trần Hợp nổi tiếng với hai nước men kết tinh và huyết dụ. Nghệ nhân Vũ Đức Thắng chuyên về các loại men mầu thương hiệu "Hồn Đất Việt" rất đặc trưng. Nghệ nhân Tô Thanh Sơn phục chế gốm men lam thời Nguyễn và pha chế thành công men rạn hiện đại. Sau 15 năm nghiên cứu, thử nghiệm, Tô Thanh Sơn đã thành công với loại men rạn (rạn từ xương gốm) vốn thất truyền ở Bát Tràng hàng trăm năm nay. Nghệ nhân Đào Văn Can đã tìm ra bí quyết men mờ, rạn của gốm cổ Việt... Những nghệ nhân ấy đã không chỉ góp sức giữ bền ngọn lửa trong mỗi lò gốm, mà quan trọng hơn, đã thắp sáng và lan tỏa niềm đam mê cùng khát vọng sáng tạo với một lòng kiêu hãnh mang tên Bát Tràng. Và như vậy, đúng như đánh giá của UNESCO, họ xứng đáng là những báu vật nhân văn sống - những con người đã sai khiến được đất và lửa để tạo nên những men ngọc cuộc đời.
Là nghệ sĩ đích thực, mỗi nghệ nhân đều mang trong mình tính cách riêng. Bởi vậy, những giá trị được kết nên từ khả năng sáng tạo và nỗi nhọc nhằn không giống nhau ấy như có sức tố cáo cái hời hợt và sự giả trá của người đứng trước nó. Ai đó nói, hãy nhìn thế giới trong một hạt cát. Ở đây, tôi đang nhìn thế giới trong cái rộn rạo của mỗi ánh men nồng đượm chân chất hồn cốt Bát Tràng. Thời gian cứ trôi đi mang theo thậm chí cả bao điều tiếc nuối. Song, những men nâu men rạn kia như có khả năng níu giữ và làm sống dậy những giá trị từ vô cùng vô tận sức sáng tạo con người trong niềm cảm phục trọn vẹn về cái đẹp vĩnh hằng được cất lên từ không chỉ mồ hôi, mà cả máu.

Theo Nhan Dan
Posted by Gia Thanh

Blog Battrang 360*

Thứ Tư, 16 tháng 2, 2011

Câu chuyện "Bác Hồ về thăm làng Gốm" giờ mới kể


Update: 06.02.2011

Blog Battrang 360* - Trước năm 1961 xã Bát Tràng là xã Quang Minh gồm 3 thôn Bát Tràng, Giang Cao và Kim Lan. Hiện nay xã Bát Tràng có 2 thôn : Giang Cao và Bát Tràng, thuộc huyện Gia Lâm - thành phố Hà Nội
Theo cuốn lịch sử cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân xã Bát Tràng ( 1930 - 2000) thì diện tích toàn bộ xã là 164 ha với 1628 hộ và 6655 nhân khẩu. Về địa lý, xã Bát Tràng nằm bên tả ngạn sông Hồng, phía Bắc giáp xã Đông Dư , phía đông giáp xã Đa Tốn, phía nam giáp xã Xuân Quan ( huyện văn giang, tỉnh Hưng Yên ) Phía tây là sông Hồng . Xã Bát tràng cách trung tâm thành phố Hà Nội 12km.
Xã Bát tràng có làng nghề gốm sứ cổ truyền là làng Bát Tràng, cũng như mọi làng quê Việt Nam, làng Bát Tràng có nhiều công trình kiến trúc như đình, chùa, đền, miếu, văn chỉ... chứng minh cho một làng quê văn hiến. Làng Bát tràng từ xa xưa đã nổi tiếng là đất học, đất làng nghề có nhiều người đỗ đạt , khoa bảng . Văn Miếu Quốc Tử Giám, Văn miếu Huế và Văn Miếu Bắc Ninh ( trước 1961 làng Bát Tràng thuộc tỉnh Bắc Ninh) đã ghi danh các bậc đại khoa của làng Bát Tràng gồm một trạng nguyên , tám tiến sĩ, mười quận công. Đầu thế kỷ 20, xã Bát tràng có nhà chí sĩ cách mạng Phạm Văn Tráng tham gia Việt Nam Quang Phục Hội của cụ Phan Bộ Châu, cùng đồng đội tiêu diệt viên tuần phủ gian tỉnh Thái Bình và đã hi sinh anh dũng. Nhiều người làng Bát Tràng đã tham gia Việt Minh, cùng nhân dân nổi lên cưới chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945. Làng Bát tràng cũng là nơi in ấn bài hát tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao, sau này là Quốc ca của nước ta. trong kháng chiến chống pháp giữa vòng vây kìm kẹp của kẻ thù, người dân làng Bát Tràng vẫn hướng về Đảng và Bác Hồ kính yêu, không ngại hy sinh gian khổ, tích cực tham gia chiến đấu , phá tề trừ gian, chống giặc càn. trong kháng chiến chống Mỹ, dân quân tự vệ Bát tràng đã đánh trả máy bay Mỹ ném bom vào thôn bát tràng. Thanh niên Bát tràng đã xung phong vào bộ đội và đi khắp mọi miền Đất nước để bảo vệ Tổ quốc. Làng Bát tràng có nhiều Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh liệt sĩ trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và chống Mỹ cứu nước nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tháng 8 năm 1958, TW Đảng và Chính phủ quyết định đào sông Bắc Hưng Hải nhằm phục vụ tưới tiêu cho 3 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ ( Bắc Ninh, Hưng yên, Hải Dương). Do việc đào sông, xã Quang Minh được tách thành hai xã: Xã Bát Tràng và xã Kim Lan.
Để phục vụ cho đào sông Bắc Hưng Hải, phải di chuyển một nửa thôn Bát Tràng ra chỗ đất mới. Trong đó, có hơn 200 ngôi nhà cổ, một ngôi chùa, các lò nung đồ gốm sứ và các cơ sở sản xuất lâu đời...
Trong tình hình các hộ dân đã di chuyển ra chỗ ở mới, mới chỉ có một số hộ dân xây dựng được nhà cửa , còn một số hộ đang chuẩn bị xây dựng nơi ăn chốn ở và cơ sỏ sản xuất thì Bác Hồ về thăm làng gốm Bát Tràng.
Bác Hồ về thăm làng gốm Bát Tràng.
Sáng ngày 20-2-1959, nhân dân xã Quang Minh ( Tên xã ở thời điểm đó) vô cùng phấn khởi được đón Bác Hồ về thăm làng Bát Tràng. Cùng đi với Bác có các cán bộ của xã và huyện. Rất đông dân làng nô nức đón Người, vô cùng sung sướng được ngắm nhan dung Bác và đi theo người đến thăm các nơi.
Trên đường vào thăm HTX sản xuất gốm sứ Minh Châu. Bác ghé thăm nhà ông lang Tự ( Nguyễn Trọng Đức, đã mất vào năm 1983). Nhà ông Tự đã được di chuyển ra chỗ đất mới và xây dựng xong. Ông lang Tự và con trai đi làm vắng nhà, chỉ có 2 con gái, cô chị là Nguyễn Thị Trâm 13 tuổi., cô em gái Nguyễn Thị Oanh 9 tuổi đang chơi ngoài sân, theo Bác vào Nhà.
Bác hỏi:
- Ba mẹ đi đâu rồi ?
- Thưa Bác, thầy cháu và anh cháu đi làm, u cháu đi chợ.
Bác ngắm, đọc bức hoành phi và đôi câu đối ở ngoài hiên nhà thờ. Bác bảo hai cô gái.
- Các cháu nói với ba mẹ là treo câu đối không đúng vị trí, phải đổi câu bên trái sang bên phải.
Bác xuống nhà dưới, mở lồng bàn để xem mâm cơm của gia đình.
Lúc đó chưa đến bữa ăn nên mâm cơm chỉ có bát rau muống luộc. Sau ngày Bác về thăm, ông Lang Tự đã treo lại câu đôi như lời bác dặn.
Bác rời nhà ông lang Tự, vào thăm HTX sản xuất gốm sứ Minh Châu. Thời gian đó HTX này là mô hình sản xuất gốm sứ tiến bộ nhất của làng Bát Tràng, có nội dung và hình thức gần giống như một công ty cổ phần ngày nay. Tiền thân của HTX là tập đoàn sản xuất Minh Châu được thành lâp bởi một số thợ làm thuê tập hợp nhau lại và đóng góp cổ phần. Ban đầu, tập đoàn chỉ có 30 người. Trong vòng 2 năm, tập đoàn này đã phát triển thêm được gần 50 người nữa. Tháng 10 năm 1957, tập đoàn chuyển thành HTX sản xuất Minh Châu. Tháng 8-1959, HTX hợp nhất với các xí nghiệp gốm công ty hợp doanh thành xí nghiệp sứ Bát Tràng . HTX sản xuất Minh Châu chỉ được thông báo vào hôm trước là sẽ có lãnh đạo của TW về thăm. Sáng hôm sau Bác đã về . Tất cả các xã viên đều sản xuất bình thường.
Bác đi qua khu bể lọc đất rồi vào khu sản xuất đứng xem anh Vũ Văn Vinh ( sinh năm 1941, hiện nay đã 63 tuổi đã nghỉ hưu) in bát. Vì cảm động quá và còn ít tuổi nên anh Vinh in ra một bát còn hơi méo rồi đặt lên bàn sản phẩm.
Bác hỏi:
- Khi nung chín ra, bát có méo không ?
- Thưa Bác , bát cũng méo ạ!
- Thế thì phải làm lại!
Bác quay sang chỗ anh Trần văn Tửu ( sinh năm 1940, đã nghỉ hưu) đang tiện tiện bát ( một công đoạn sản xuất sau khi in bát và để khô) và hỏi:
- Mỗi ngày cháu tiện được bao nhiêu cái bát?
Anh Tửu hồi hộp quá nên không trả lời được. Một anh cán bộ huyện trả lời.
- Thưa Bác , được 300 cái ạ!
_ Như thế có ít không? Có thể gấp hai được không ?
Rồi Bác đi ra sân, xem chị Nguyễn Thị Kiểm ( Gọi theo tên chồng là Định, năm nay 74 tuổi đã nghỉ Hưu dấn men phủ Bát . Lúc đó là mùa Xuân nhưng vẫn còn rét, công nhân phải đun nước nóng để pha vào huyễn dịch men sứ cho khỏi giá. Một cán bộ huyện Gia Lâm cầm chậu để đi lấy nước nóng.
- Để các công nhân làm, kẻo chú làm hỏng mất!
Chị Định còn mải ngắm Bác nên Bác nói:
- Cứ làm đi cháu , khéo không đổ vỡ.
Xem xong , bác hỏi chị Định:
- Các cháu làm thế này, thu nhập có cao không ? Sản phẩm có chất lượng không ?
Mọi người chỉ mải nhìn Bác nên không ai biết trả lời như thế nào.
Cuối cùng, Bác bá vai anh Phùng Ngọc Oanh ( hiện 71 tuổi, đã nghỉ hưu) là chủ nhiệm HTX Minh Châu, căn dặn :
- Các cháu cố găng sản xuất hàng hoá sao cho nhiều, nhanh, tốt, rẻ để phục vụ nhân dân!
Bác Hồ rời khỏi HTX trong tiếng hô của mọi người
Hồ chủ tịch muôn năm!
Bác rẽ xuống thăm nhà ông Lang Xương( Lê Văn Xương đã mất) làm nghề Đông dược. Nhà ông lang Xương cũng đã được xây dựng xong ở chỗ đất mới.
Bác thấy trong nhà có mâm cơm, mổ lồng bàn ra xem. bác thấy cơm trắng , đậu rán, rau muống luộc, cà muối. Bác khen nhà có cơm ngon. Rồi Bác ngồi xuống phản gỗ, nói chuyện với ông lang. Bác thấy các lọ và hộp tủ đựng thuốc có dán nhãn tên thuốc bằng chữ Hán, Bác bảo:
- Chú phải dán tên thuốc bằng chữ Quốc ngữ ở dưới chữ Nho để khi chú đi vắng , người nhà bốc thuốc cứu người.
Bác lại hỏi:
- Chú có đắt hàng không?
- Thưa Bác, không được đắt lắm ạ !
Bác nói:
- Thế thì tốt, hàng thuốc mà đắt thì dân có nhiều người bệnh. Bác ngoặt sang một ngôi nhà 2 tầng gần đấy cũng đã được xây dựng xong.
Bác hỏi
- Đây là nhà ai?
Ông Trần Văn Tuý ( nguyên Phó chủ tịch xã Bát Tràng đã mất )
- Thưa Bác, nhà ông Phạm Huy Giáp đi bộ đội về ạ !
Bác vào thẳng gian hàng giữa nhà và thấy chăn chiếu trên giường được xếp gọn gàng. bác hỏi bà Trần Thị Vinh ( vợ ông Giáp , nay đã 83 tuổi) :
- Gia đình ta có mấy người?
- Thưa Bác, có 5 người cháu, 2 vợ chồng và một mẹ già , tổng cộng là 8 người ạ!
Bác nói;
- Thế thì có quá nhiều con.
Ngày 2- 09 - 2002, gia đình ông Phạm Huy Giáp đã lập bia đá gắn và ở tường trước ngôi nhà mà Bác đã đến thăm để kỷ niệm ngày Bác về thăm Gia đình .
Ra khỏi nhà ông Giáp, Bác vào nhà bà Nguyễn Thị Bùi ( gọi theo tên chồng là bà Tín, đã mất) chưa xây dựng xong nhà ở tại khu đất mới.
Bác hỏi:
- Sao cô chưa làm nhà?
- Thưa Bác, chưa có vôi ạ!
Thế là hôm sau, bà Tín có vôi làm nhà.
Cuối cùng , Bác trở lại để nói chuyện với dân làng. Trên khu đất có một đường goòng chạy đến cửa sông Bắc Hưng Hải để chở vật liệu và dụng cụ cho việc xây dựng cửa sông này. có một chiếc cầu cao bằng gỗ vượt qua đường gòong để anh chị em công nhân chất đồ xuống xe goòng. Dân làng muốn Bác Hồ đứng trên cầu vượt để nói chuyện với nhân dân.
Bác bảo các cán bộ lãnh đạo huyện và xã:
- Các cô chú cho Bác ra chỗ nào rộng!
Bác ra khoảng đất rộng trước HTX mua bán cho nhân dân trong xã (nay là Trạm Y tế thôn Bát Tràng), Anh Trần Văn Tửu vào một gia đình ở gần đó, mượn một cái bàn gỗ nhỏ , dài chừng 1,2m và cùng mấy người khiêng ra chỗ đất rộng để Bác đứng nói chuyện với dân làng. Mọi người đứng xung quanh Bác, yên lặng và trật tự để nghe Bác nói chuyện .
Bác hỏi thăm dân làng và nói:
- Nhà nước đào sông Bắc Hưng Hải làm mất đi một phần đất của làng Bát Tràng, các cụ và dân làng có vui lòng không hay không đồng ý? Việc di chuyển vừa qua, tình hình xây dựng nơi ăn chốn ở của các gia đình như thế nào? Làng Bát Tràng cũng như xã Quang Minh trong những năm qua hoạt dộng và công tác có thành tích ra sao?
Ai nghe cũng ngẩn người ra, không biết nói gì vì chỉ ngắm Bác và nghe Bác nói. Cụ Phùng Văn Chạnh ( đã mất) thay mặt dân làng báo cáo:
- Dân làng sản xuất rất tốt , thành tích so với năm 1957-1958 gấp rưỡi, không ai bị đói, làng Bát tràng không những giải quyết việc làm cho dân mà còn cho cả bà con ở các nơi khác.
Bác bảo:
- Thế thì tốt, Bác nghe bác cáo dân làng đã chuyển một nửa làng ra khu đất mới. Vậy tất cả bà con đã xây dựng được nhà mới chưa ?
- Thưa Bác , đã xây dựng được 80%. bà con phấn khởi, an tâm, không ai thắc mắc gì cả ạ !
- Dân làng đã phải giúp đỡ nhau để ai cũng làm nhanh được nhà mới.
Mọi người đồng thanh nói:
- Vâng ạ!
Bác Hồ căn dặn:
- Bát Tràng là một làng nghề phát triển. Các cô chú phải xây dựng đường sá rộng rãi để xe chở nguyên liệu về làng và chở hàng hoá đi, làng phải có giao thông thuận lợi . Bác căn dặn: "Làng Bát Tràng mới phải làm sao trở thành một làng kiểu mẫu của nước Việt Nam mới, nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa".
Sau đó Bác chúc sức khoẻ các cụ và dân làng rồi ra xe, rời khỏi làng Bát Tràng.
Theo lời Bác dặn , các gia đình ở các đường cái đều lùi vào nhà 1m, còn các gia đình ở đường phụ đều lùi vào 5 m. Một tuần sau đó, thư ký của Bác về hỏi ông Trần Văn Tuý xem nhân dân đã lùi nhà vào chưa? Ông Tuý đưa thư ký của Bác đi xác minh và công nhận dân làng đã làm đúng theo lời Bác chưa?
Theo: Sơ lược lịch sử Bát Tràng
Posted by Gia Thanh

BLOG BATTRANG 360*


Tra cứu nội dung Blog Battrang 360*