Làng Gốm Bát Tràng

Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

Nặng lòng với dòng gốm cổ


Nặng lòng với dòng gốm cổ
Update: 25.02.2011

Blog Battrang 360*  - Sinh năm 1977, tuy là người khuyết tật nhưng anh Phạm Anh Đạo ở xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm đã là chủ một gia sản mà không phải thanh niên bình thường nào cũng có được. Anh còn được xem là một trong những người thợ gốm Bát Tràng đầu tiên quay lại truyền thống với nghề gốm vuốt và nặn bằng tay.

Không được may mắn học hành thành đạt như chúng bạn cùng trang lứa nên ngay từ nhỏ, anh Đạo đã đam mê học nghề gốm truyền thống bằng sự cảm nhận tinh tế của bàn tay khéo léo. Đạo còn nhớ, khi mới cưới vợ, bố mẹ cho ra ở riêng khó khăn trăm bề. Lúc đó, kinh tế hộ làm gốm ở Bát Tràng đang sa sút vì sản phẩm của địa phương bị gốm công nghiệp lấn át, nhiều thợ giỏi trong làng bỏ hẳn nghề của tổ tiên truyền dạy, xoay sang làm gốm theo kiểu công nghiệp. Riêng anh vẫn đeo đuổi sản phẩm vuốt bằng tay dù lúc đó rất khó cạnh tranh với hàng công nghiệp. Anh cho rằng, nếu ai cũng chỉ vì thu nhập mà bỏ nghề cổ truyền thì làm gì còn bản sắc riêng của Bát Tràng, nên dù khó đến mấy anh cũng cố giữ lấy nghề và để khắc phục được điểm yếu này, vợ chồng anh chỉ chuyên sản xuất một dòng sản phẩm nhất định cho một số khách hàng "ruột".

Ngoài sản xuất theo mẫu do khách đặt, những lúc rảnh rỗi, Đạo lại tự nghĩ, tự làm những mẫu anh thích như phục chế gốm hoa nâu Lý - Trần, gốm men lam, men nước dưa, nước dong, men rạn… Anh còn mày mò làm chóe, thạp, ấm tích, độc bình với những nét hoa văn độc đáo… Một trong những sản phẩm tiêu biểu là đôi choé cao trên 2m, 2 người ôm không xuể vừa góp mặt tại triển lãm làng nghề chào mừng Hà Nội 1000 năm tuổi được khách trong và ngoài nước khen ngợi.

Với ý chí "tàn nhưng không phế", Phạm Anh Đạo đã tích cực góp phần thuyết phục nhiều thợ gốm Bát Tràng quay lại với nghề vuốt gốm cổ truyền thống, tạo cho làng nghề những sắc thái riêng biệt. Vì thế, mỗi dịp làng có hội hay khách quý ghé thăm, anh Đạo đều được mời biểu diễn kỹ thuật vuốt gốm bằng tay và hiện anh là người thợ giỏi nghề gốm vuốt và nặn bằng tay có tuổi đời trẻ nhất làng với doanh thu mỗi năm hàng tỷ đồng. Sản phẩm của anh không chỉ được nhiều doanh nghiệp trong nước ưa chuộng mà còn xâm nhập được những thị trường khó tính như Nhật Bản và các nước Tây Âu. Với những đóng góp tích cực cho sự phát triển của làng nghề, anh Đạo đã được nhiều cấp, nhiều ngành tặng bằng khen, giấy khen.
Minh Liễu
Posted by Gia Thanh


Blog Battrang 360*

Không có nhận xét nào:

Tra cứu nội dung Blog Battrang 360*