Nghệ nhân làng gốm Bát Tràng Vũ Đức Thắng: “Muốn cho hồn dân tộc được thăng hoa”
Update: 23.02.2011
Blog Battrang 360* - Sinh ra và lớn lên tại làng nghề làm gốm nổi tiếng – xứ Bát Tràng, nghệ nhân Vũ Đức Thắng đã say mê tìm tòi, lao động và cống hiến cho chính cái nghề mà cha ông để lại, để như ông nói, “muốn cho hồn dân tộc được thăng hoa”.
Phóng viên Laodong.com.vn đã có cuộc trò chuyện đầy thú vị với ông.
- Đã sống và gắn bó với mảnh đất làm gốm Bát Tràng, chắc hẳn cái “nghiệp gốm” của ông cũng xuất phát từ đó?
Gia đình tôi cũng như bao gia đình khác trong làng, khi con cái lớn lên đều bày được cha mẹ bày vẽ cho cách thức làm gốm. Ngày nhỏ, ngoài thời gian đi học, hàng ngày tôi vẫn phụ gia đình làm gốm. Nhưng những lúc đó chưa hề có ý thức hay ý định sau này sẽ tiếp nối nghề như bây giờ đâu.
Kể cả sau này học xong Cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp, nhưng tôi lại học bên khoa hội họa. Ra trường, vì chưa tìm được công việc bên ngành hội họa nên về làng nghề làm gốm để kiếm sống. Và không ngờ, từ chỗ mình làm để mà sống dẫn đến sự đam mê thực sự.
Nói thật là, cũng phải đến những năm 26, 27 tuổi thì những ý thức về nghề mới bắt đầu đến độ chín thực sự.
- Để có được những tác phẩm gốm đầy tài hoa, theo ông, người nghệ nhân cần tích góp được những điều gì?
Không riêng gì nghề gốm mà theo tôi trong tất cả các ngành nghề khác, người nghệ nhân muốn làm một sản phẩm tốt phải xuất phát từ lòng yêu nghề. Ngoài ra còn sự dấn thân, quả quyết và một yếu tố nữa là luôn làm mới mình.
Ở mỗi tác phẩm gốm gửi gắm tất cả những nhiệt huyết của người nghệ nhân vào từng sản phẩm – những đứa con tinh thần. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thôi thì tôi e rằng chỉ đạt được một cái gì đó cứ bình bình, cái tôi muốn nói xa hơn là tự làm mới mình tức luôn biết nắm bắt nhu cầu, thị hiếu và thị trường.
Nhưng suy cho cùng, theo tôi, tất cả phải gắn với cái hồn của dân tộc, nghề gốm là nghề truyền thống của dân tộc nên nó chỉ đẹp khi mang những nét của dân tộc mình.
- Trên con đường gắn với nghề làm gốm của mình, ông cho rằng, làm gốm ứng dụng hay làm gốm nghệ thuật sẽ là con đường đi tốt nhất?
Câu hỏi mà bạn đặt ra không chỉ là một câu hỏi khó đối với riêng nghề gốm mà còn với nhiều nghề truyền thống khác nữa.
Thực tế những năm tôi vừa tốt nghiệp ngành hội họa, tôi đã quay về làm gốm ở nhà nhưng cũng chỉ làm những sản phẩm ứng dụng để bán, hoàn cảnh gia đình không cho phép chất nghệ sĩ trong mình bay bổng được. Mãi đến sau này, khi ổn định hơn một tý, tôi cũng đã tính đến làm những sản phẩm gốm nghệ thuật để thỏa mãn phần nào những sáng tạo của mình. Và không ngờ, sau cuộc triển lãm đầu tiên, những sản phẩm đó đã bán được với giá rất cao. Tôi nhận ra răng, làm gốm nghệ thuật là một con đường đi hẹp, nhưng không phải là không có lối thoát.
Như bạn thấy đấy, thời bây giờ đời sống mọi người đã khá giả hơn, người ta cũng có nhu cầu thưởng thức cái đẹp cao hơn chứ.
- Đã được nhiều người biết đến với tài đắp nổi và khắc hoa văn trên gốm, vốn không ít nghệ nhân làm được, gần đây người ta lại biết anh với tư cách là tác giả của những chiếc bình gốm có khắc thơ (bằng cả chữ Nôm và chữ Hán). Có phải anh đang muốn kết hợp hai cái “hồn dân tộc” lại với nhau?
Lúc tôi nhận lời đề nghị của Hội Nhà văn làm những cái bình gốm có khắc thơ để trưng bày tại Văn Miếu Quốc Tử Giám trong dịp Ngày thơ Việt Nam thì thời gian quá ngắn. Tôi không giám chắc là mình sẽ thành công. Biết bao điều rủi ro có thể xảy ra trong quá trình làm, khó khăn nhất là việc khắc thơ lên gốm, gồm cả chữ Hán, chữ Nôm. Tuy mạo hiểm nhưng mình vẫn kiểm soát được bằng sự lựa chọn táo bạo, nghiêm túc. Cứ nghĩ đến việc những đứa con tinh thần của mình được trưng bày ở nơi trang nghiêm nhất để mọi người chiêm ngưỡng thì lòng tôi lại thôi thúc.
Sự kết hợp giữa gốm và thơ, cũng là một sự kết hợp đầy thú vị đấy chứ!
Đây lại là một trong những chương trình hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội nên tôi đã rất tâm huyết khi làm những sản phẩm này.
- Nhắc đến 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, xin hỏi ông cùng những nghệ nhân của làng gốm Bát Tràng đã chuẩn bị những gì cho dịp đại lễ long trọng này, thưa ông?
Năm ngoái tôi đã đúc xong 2 bình gốm khổ lớn cao gần 1m đều được đắp nổi hoa văn. Một bình là những sự kiện lịch sử nổi tiếng của dân tộc, một bình lại là những địa danh, thắng cảnh đẹp và là biểu trưng của đất nước.
Càng gần đến ngày Đại lễ, càng có nhiều công việc phải làm. Loạt sản phẩm sẽ trưng bày trong Triển lãm làng nghề truyền thống mà những tác phẩm đặc sắc nhất sẽ được tặng cho UBND TP Hà Nội…
Tôi cùng những người nghệ nhân ở Bát Tràng đang cố gắng dốc hết sức lực góp công vào để quảng bá hình ảnh làng gốm nói riêng và thủ đô Hà Nội nói chung trong những tháng năm lịch sử này.
Xin cảm ơn ông!
Thái Anh (thực hiện)
Posted by Gia Thanh
Blog Battrang 360*
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét