Làng Gốm Bát Tràng

Thứ Tư, 9 tháng 3, 2011

Phục hồi Ấn triện thời Tây Sơn


Phục hồi Ấn triện thời Tây Sơn
Update: 09.03.2011

Blog Battrang 360* - Tỉnh Bình Định vừa kết hợp với Bảo tàng Lịch sử VN và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) tổ chức buổi tọa đàm khoa học "Các vấn đề về sắc phong ấn triện thời Tây Sơn" tại Hà Nội
Còn lại trong dân gian
Trong dân gian Quảng Bình vẫn còn truyền nhau câu chuyện, ngày xưa, khi thời Tây Sơn vừa sụp đổ, mọi vấn đề liên quan đến triều đình cũ đều bị cấm đoán. Có một lần, trên một chuyến đò qua sông, bà cụ già đã móc ra một đồng tiền xu có ghi Quang Trung thông bảo để trả tiền đò. Lập tức bà bị quân lính bắt giữ. Rất may bà thoát chết bởi vì sau đó, trong quá trình tra hỏi người ta mới biết bà mù chữ. Chỉ với chi tiết như thế cộng thêm việc nhà Nguyễn chu di cửu tộc nhà Tây Sơn mới biết việc giữ lại những hiện vật thời Tây Sơn ngay từ thời điểm đó cũng thật là khó khăn. Có lẽ vì lẽ đó mà những di vật thời Tây Sơn không còn nhiều. Ngay như lời ông Giám đốc Bảo tàng Bình Định thì tìm trong cả tỉnh cũng chỉ được 3 sắc phong. Tuy nhiên, một điều thật ngạc nhiên, những di vật thời Tây Sơn hiện còn chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền Bắc, nhiều nhất ở Hà Nội và các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương...
Cắt nghĩa điều trên, các đại biểu đến từ đất võ Bình Định cho rằng, vua Quang Trung với sứ mệnh lịch sử đã rất được lòng các sĩ phu Bắc Hà. Họ đã một lòng cùng chung sức giúp vua đánh tan quân xâm lược và bình trị thiên hạ. Chính vì vậy, khi thời Tây Sơn sụp đổ, ghi nhớ công ơn, nhân dân các địa phương ở nơi đây đã cất giấu những kỷ vật được ban tặng cho địa phương mình. Cụ Lê - Trưởng làng gốm Bát Tràng cho biết: Ở Bát Tràng hiện vẫn còn giữ được 44 đạo sắc phong các vương triều phong kiến, trong đó có tới 16 đạo sắc phong thời Tây Sơn. Trong 16 đạo sắc phong này có 5 thuộc thời Quang Trung, 5 thời Cảnh Thịnh và 5 thời Bảo Hưng. Bên cạnh đạo sắc phong thì làng Bát Tràng vẫn còn giữ được quả chuông thời Bảo Hưng cao tới 1,2m trong đó 85cm là phần thân còn phần quai dài 35cm. Ngoài ra, theo đại diện phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Gia Lâm thì toàn huyện hiện còn khoảng 70 đạo sắc phong thời Tây Sơn. Hơn nữa chính Gia Lâm là quê hương của Ngọc Hân công chúa (vợ của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ). Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Hữu Tâm, Viện Sử học, thì đạo sắc phong và chuông còn tập trung nhiều ở Hà Nội và các địa phương Hà Tây cũ.
Phục hồi Ấn triện
Theo TS. Phạm Quốc Quân - GĐ Bảo tàng Cách mạng VN: "Ấn thời Quang Trung còn lại đến nay không nhiều, chủ yếu là ấn quân đội, gồm: Suất Trung lương nhi vệ tam hiệu trang lang tướng, Suất hùng cự khao vệ ngũ hiệu đo ty, Tây kỳ phủ trung tín nhất vệ hộ quân sứ vinh hoa hầu. Một quả ấn hành chính hiếm quý khác, đó là Bằng Tuyền huyện quản lý được đúc năm 1791, đã chứng tỏ đây là vương triều non trẻ nhưng cũng đã xây dựng được một tổ chức quân đội, một thể chế pháp luật, tổ chức chính quyền địa phương khá hoàn chỉnh, nhiều ấn khác đang nằm trong các sưu tập tư nhân". Bên cạnh đó, trên các văn bản còn để lại cho thấy, ấn thời Quang Trung còn có Quảng vận chi bảo được đóng trên tờ chiếu của vua Quang Trung gửi La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, Triều đường chi ấn, Triều đường quan đẳng. Ngoài ra, thời này trên văn bản còn có Nghệ An trấn ký, Nghệ An trấn phủ chương; thời Cảnh Thịnh, Bảo Hưng còn có một số ấn như Thiếu truyền chi ấn, Đại Tư Mã chi ấn, Tiên nhu chi bảo...
TS. Nguyễn Đình Chiến - PGĐ Bảo tàng Lịch sử VN cho biết: "Các quả ấn của vua tức là các kim bảo dưới thời Tây Sơn đến nay không còn nhưng chúng ta có thể được biết nhiều hình dấu trên các bản sắc phong, chỉ, truyền. Khảo sát các bản sắc phong hiện còn lưu giữ tại các bảo tàng và di tích thấy một số dấu sau: Quảng vận chi bảo dấu son kích thước 11,5x11,5cm; dấu Triều đường chi ấn 11,3x11,3cm; Hòa nhu chi bảo, Tiên nhu chi bảo 15,2x15,2cm". Đó chính là cơ sở để phục hồi lại các ấn triện. Trên cơ sở đó, TS. Nguyễn Đình Chiến đã kết hợp cùng với nghệ nhân gốm Trần Độ, làng Bát Tràng để thực hiện 5 phác vật ấn triện bằng gốm với kích cỡ đúng như vẫn còn lưu trên các văn bản. Tuy nhiên vấn đề ở đây là tạo hình cho các ấn triện ấy như thế nào? Cuối cùng, họ đã lấy phác thảo quai cầm chính là quai của chuông thời Tây Sơn.
Nhưng phục hồi ấn triện nào, phục hồi trên chất liệu gì là một vấn đề rất được quan tâm. Nhiều nhà khoa học đã có chung một nhận định, ấn triện Quảng vận chi bảo mang tính đặc sắc chỉ có ở thời Tây Sơn nên nếu phục hồi một thì nên phục hồi ấn triện này. Về chất liệu, rất đa dạng, có thể là vàng nguyên chất, bạc, đồng. Tuy nhiên, nếu là vàng rất tốn kém. Nhiều ý kiến nghiêng về việc đúc băng bạc sau đó mạ vàng...

Nguyễn Quang Long
Posted by Gia Thanh

Blog Battrang 360*

Không có nhận xét nào:

Tra cứu nội dung Blog Battrang 360*