Làng Gốm Bát Tràng

Thứ Hai, 23 tháng 11, 2009

Vì một Bát Tràng online


Vì một Bát Tràng online

(Cập nhật: 23h47, ngày 23.11.2009, GMT: +7)




Blog Battrang 360* - Cùng tuổi trẻ, khác nghề, nhưng lại chung một khát vọng: đưa hình ảnh làng gốm cổ truyền Bát Tràng đi xa hơn nữa, được nhiều người biết hơn nữa qua Internet - phương tiện và công nghệ thời thượng của thời hiện đại.

Đó là Phạm Hoàng Tùng, một phiên dịch viên tiếng Trung thế hệ 8x và Vương Mạnh Hoàng, người nhìn bề ngoài còn đầy chất thư sinh, hiện đang là nhân viên của một công ty tin học lớn. Điểm chung: cùng quê Bát Tràng, cùng đam mê Internet. Và điểm riêng: người hiện ở Đài Loan, người thì làm việc tại Hà Nội...

Phạm Hoàng Tùng: Bởi vì yêu quê hương
Cơ duyên blog (nhật ký trên mạng) khiến tôi và Tùng quen nhau, bắt đầu chỉ từ một cái accept invitation (lời nhận kết bạn với nhau). Từ lúc nào, cũng chẳng biết nữa. Tôi chú ý tới Tùng bởi cậu là chủ nhân của một blog khá thú vị: Battrang 360*. Chỉ riêng cái tên thôi đã đủ để hiểu cái đáng lẽ là: nhật ký cá nhân trên mạng thực chất lại là cả một nguồn thông tin đa dạng về làng gốm truyền thống lừng danh nằm bên bờ sông Hồng này.

Mãi sau này, khi biết Tùng làm việc tại Đài Loan, chẳng còn cách nào khác tôi phải gửi email để hiểu rõ hơn việc lập blog Battrang 360*. “Tùng lập blog Battrang 360* vào ngày 07/12/2006, trên Yahoo 360o”, bức email trả lời viết. Nhưng tại sao lại là blog Battrang chứ không phải là một trang nhật ký cá nhân như phần lớn những người khác? “Để danh tiếng quê hương mình ngày càng xa hơn”, Tùng bộc bạch.

Ngay từ nhỏ, tình yêu quê hương được truyền qua Tùng từ những câu chuyện, những bài thơ về làng cổ Bát Tràng của ông nội. Khi tới Đài Loan, cái tình cảm nhớ nhà, yêu quê hương đã giúp Tùng vun đắp ý tưởng xây dựng Blog Battrang 360* để giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước về làng gốm cổ quê hương mình. Ước mong của Tùng cũng thật đơn giản: “Làm sao làng quê mình được nhiều người biết đến, thu hút nhiều khách du lịch tới thăm quan, mua sắm, đặt hàng để cuộc sống người dân bớt nhọc nhằn, cơ cực”.

Số người muốn trở thành friends của Battrang 360* ngày càng nhiều đã khiến Tùng phải “nhân bản” Battrang 360* thành Battrang _360, rồi Battrangvnn, tất cả đều trên Yahoo 360o. Không chỉ có thế, Tùng còn lập ra thêm các blog khác trên trang Opera (tại địa chỉ
http://my.opera.com/battrang/blog) hay một cổng xã hội ảo của Yahoo, tại: http://yahoo.mash.com/battrang_360. Và tất nhiên, cậu phiên dịch sinh năm 1982 này cũng chẳng quên “quảng bá” cho cửa hàng gốm sứ của nhà mình trên blog đầy tính “buôn bán” ở: http://360.yahoo.com/dungnganbtc.

Nhiều blog thế, thời gian “chăm sóc” chúng thế nào? Mỗi ngày Tùng dành khoảng từ 2-3 tiếng cho blog. Một số bài viết trên các blog là do Tùng tự viết từ kiến thức thu thập được của bản thân, số khác thì sưu tầm trên Internet.

Trong tương lai, Tùng muốn xây dựng blog Battrang 360* thành một website có uy tín quảng bá về du lịch làng nghề Bát Tràng, cầu nối thông tin cho những người con xa quê và những ai quan tâm tới làng gốm cổ Bát Tràng.


Vương Mạnh Hoàng: Một portal, tại sao không?
20 tuổi, Hoàng quả thực là một “cậu ấm” mới ra trường. Nhưng đã kịp nhảy vài chỗ làm, bởi cái nghề nó thế. Và cũng bởi sự thay đổi đem lại cho con người trẻ không chỉ thêm kinh nghiệm, quan hệ và cả những hiểu biết mới. Giờ, cậu là nhân viên phát triển thương mại điện tử của FIS, một công ty con của FPT.

Nhưng Hoàng lại chẳng phải là một cậu ấm theo đúng nghĩa bởi từ năm lớp 8 bố cậu đã gửi cậu lên học ở Gia Lâm, cách quê gần chục cây số. “Nó phải tự lập từ bé, học xa nhà để có thể vào được trường cấp 3 Nguyễn Gia Thiều”, ông Vương Quý Hiển, bố Hoàng tâm sự với tôi. Chẳng là lo cho tương lai của con trai, ông bố buộc phải cho cậu ăn nhờ, tá túc ngay nhà của một thày giáo, ngõ hầu sau này cậu có thể học được lên cao nữa. Hoàng đã học làm các trang web thương mại điện tử từ khi còn ở trường cao đẳng công nghiệp I, Minh Khai, Hà Nội.

Cũng giống như Phạm Hoàng Tùng, chàng trai trẻ Vương Mạnh Hoàng muốn có một trang web thông tin đầy đủ nhất về làng quê mà cậu sinh ra. Và với tay nghề và lòng nhiệt huyết của mình, chỉ ba tháng sau khi thai nghén ý tưởng, trang web: www.battrang.info đã ra đời vào ngày 7/7/2007. “Thực ra, trước đó cũng đã có một số các trang web về gốm sứ của Bát Tràng do các doanh nghiệp lập ra. Nhưng phần vì nhắm tới mục đích chính là thương mại, phần vì không có người trông nom cho nên thông tin rất sơ sài”, Hoàng nhớ lại.

Những ai đã vào www.battrang.info chắc hẳn có một ấn tượng rất đặc biệt về trang web này. Một giao diện đơn giản nhưng có đầy đủ các phần thông tin thiết yếu nhất về làng nghề gốm truyền thống Bát Tràng, ngay trên trang chủ. Trong đó có 3 phần chính: Lịch sử nghề gốm, Văn hóa làng nghề và Thông tin du lịch. Chỉ có 3 phần đơn giản đó thôi nhưng quả là một kỳ công của một người trẻ tuổi như Hoàng. Đó là hàng nghìn bức ảnh, hàng trăm bài viết, rồi cả những bài vè, bài hát của quê hương do chính Hoàng “lọ mọ” đi tìm, xin và ghi âm từ giọng của các cụ già trong làng. “Em muốn lưu giữ lại những vốn văn hóa, lịch sử của làng nghề, nếu không sau này sẽ chẳng còn”, Hoàng tâm sự với tôi ngay trong phòng làm việc, nằm ở tầng hai của FIS, trên đường Hoàng Diệu, Hà Nội.

“Việc cậu Hoàng làm quí lắm, chúng tôi già rồi, sống chẳng được bao lâu nữa nhưng cậu Hoàng trẻ, làm được những điều này giữ lại cho tương lai, quí lắm, tốt lắm”, cụ Lê Độ, người tự coi là “nhà viết sử” của làng Bát Tràng nhắc đi nhắc lại.

Ước muốn xa hơn của Hoàng là biến www.battrang.info thành một cổng thông tin điện tử thương mại thực sự (portal) để kết nối các doanh nghiệp của Bát Tràng với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Hiện, chi phí trả cho tên miền (khoảng 1 triệu đồng/năm) vẫn do Hoàng tự trả. Nhưng nếu khi các doanh nghiệp nhận thức tầm quan trọng và hiệu quả mà công việc Hoàng làm, câu chuyện chắc chắn sẽ giản đơn hơn. Và con đường các sản phẩm Bát Tràng ra thị trường (cả trong và ngoài nước) cũng sẽ ngắn hơn nhiều. Bố Hoàng khoe: “Đấy, từ hồi có trang web, người ta cứ theo số điện thoại trong đó gọi về đặt hàng, suốt cả ngày”...

Đã gần 5 năm qua, tôi không đến Bát Tràng, dù rất nhiều lần đi qua đây. Lần này về để lấy tư liệu viết bài, tôi thực sự bất ngờ vì sự đổi thay quá nhanh chóng ở nơi đây. Đường sá khang trang hơn nhiều. Những công ty tư nhân mọc ra cũng nhiều hơn, rồi cả khu chợ gốm do một công ty tư nhân lập ra và điều hành...

Tất cả thực sự đã thay đổi nhưng tôi vẫn tin chắc rằng sự đổi thay sẽ còn nhanh hơn rất nhiều một khi các khát vọng của những người trẻ tuổi được tiếp sức. Có thể bằng sự hợp tác của các doanh nghiệp địa phương, hay đơn giản chỉ từ sự quan tâm hơn của chính quyền làng nghề, nơi Tùng và Hoàng đã sinh ra, lớn lên...

Bát Tràng-Hà Nội, những ngày đầu tháng 1/2008.
Thanh Hà - Trần Giang


Bài đã đăng trên số báo tết chào xuân Mậu Tý 2008 báo Bưu điện Việt Nam

Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2009

Đình làng Bát Tràng



www.vi.wikipedia.org: Đình làng Bát Tràng

(Cập nhật: 00h55, ngày 21.11.2009, GMT: +7)



Blog Battrang 360* - Nằm trong quần thể di tích của làng gốm sứ cổ truyền Bát Tràng, thành phố Hà Nội, Đình Bát Tràng được xây dựng vào năm 1720. Với kiến trúc nguy nga, bề thế, Đình quay về hướng Tây, nhìn ra dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa. Kiến trúc Đình theo lối chữ Nhị, phía sau là Hậu cung, nơi thờ 6 vị thánh thần được được suy tôn là Lục vị Thành Hoàng. Phía trước là tòa Đại bái gồm 5 gian 2 chái với hai tầng bục gỗ và được dựng bởi nhiều cây cột gỗ lim lớn hàng vòng tay người ôm không xuể. Chính giữa tòa Đại bái là hương án thờ Công đồng, bên trên treo hai bức đại tự sơn son thếp vàng lớn: "Thiên địa hợp kì đức" (Đức lớn thuận theo trời và đất), lấy nghĩa theo quẻ đầu tiên trong Kinh Dịch. Nội dung của bức Đại tự này cũng chính là tôn chỉ của dân làng bao đời nay: Trong cuộc sống luôn lấy chữ Đức làm đầu, mọi việc tất sẽ hanh thông, thuận lợi. Và bức đại tự "Hiếu nghĩa cấp công" - Đây chính là tấm biển vua Nguyễn ban cho dân Bát Tràng khi Nhà Nguyễn xây thành Hà Nội vì nghĩa lớn dân làng Bát Tràng đã cạy gạch ở sân đình dâng nộp cho triều đình. Hai bên hương án là đôi câu đối ghi dấu gốc tích con dân làng Bát: "Bồ di thủ nghệ khai đình vũ - Lan nhiệt tâm hương bái thánh thần" (Đem nghề từ làng Bồ ra khởi dựng đình miếu, Lòng thành như hương lan cúng tạ thánh thần). Hai bên chái Đình là ban thờ Vách Tả, Vách Hữu. Theo các cụ già trong làng kể lại, hai bên vách Đình thờ những người trong làng không có con cái. Đây cũng chính là một nét văn hóa đẹp thể hiện cái đức Hiếu sinh của người dân làng Bát. Bục thấp nhất và sân đình được lát bằng gạch Bát - Thứ gạch đã đi vào thơ ca, huyền thoại của dân tộc, thứ gạch xe duyên xây bể, thứ gạch bền chắc mà không một loại rêu nào bám được và đã được ưa dùng từ cung đình đến làng xã. Bốn mái đình cong vút, lượn sóng, phía trên đắp hình Nghê vừa mềm mại, vừa khoẻ khoắn, uy nghiêm. Trên cửa chính bước vào tòa Đại bái treo bức Hoành phi với bốn chữ "Bạch thổ danh sơn", gợi nhớ lại cái khung cảnh sơ khai của vùng đất sét trắng - Bạch Thổ Phường (Bát Tràng ngày nay) khi dòng họ Nguyễn Ninh Tràng mới theo vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La để sản xuất loại gạch Vĩnh Ninh Trường phục vụ công cuộc xây dựng kinh thành mới. Cột đồng trụ uy nghiêm như những cây bút lớn viết thẳng lên trời xanh mang khí thế truyền thống khoa bảng của làng. Trên cột đồng trụ gắn đôi câu đối sứ: "Ngũ hành tú khí chung anh kiệt - Vạn trượng văn quang biểu cát tường" ( Nơi hội tụ khí thiêng hun đúc nên các bậc anh hùng hào kiệt - Ánh sáng văn hóa tỏa xa vạn dặm biểu thị sự cát tường). Cửa tả, cửa hữu lần lượt gắn hai hàng chữ "Thổ thành kim" (Đất biến thành vàng), "Nê tác bảo" (Bùn làm ra của báu) - Bùn đất qua đôi bàn tay người nghệ nhân làng Bát trở thành những vật phẩm quý giá, đồ cống tế ngoại giao. Trải qua các triều đại lịch sử, Đình Bát Tràng hiện còn lưu giữ được hơn 50 đạo sắc phong. Năm 1976, Đình và Văn chỉ Bát Tràng vinh dự đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm. Chính bởi những giá trị về kiến trúc và văn hóa như vậy, năm 2005 Bộ Văn hóa thông tin đã cấp bằng Di tích Văn hóa Kiến trúc Nghệ thuật cho Đình Bát Tràng. Sau gần 300 năm tuổi cộng với chiến tranh địch họa, Đình bị hư hoại nặng. Từ năm 2005, dân làng Bát Tràng đã cùng nhau đóng góp, đại Trùng tu Đình. Nay công trình đại trùng tu đã hoàn tất, Đình Bát Tràng đã trở lại đúng với dáng dấp xưa.
Bài viết dưới đây đã được tôi - Gia Thanh (Jiaqing PHT) đưa vào trang từ điển mở http://www.vi.wikipedia.org/, các bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về "Bát Tràng" hoặc các thông tin khác thông qua website này (Từ điển mở, giao diện bằng nhiều thứ tiếng)


Gia Thanh

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2009

10 ĐIỀU LÀM NÊN SỰ KHÁC BIỆT GIỮA BÁT TRÀNG VÀ CÁC LÀNG QUÊ KHÁC







(Cập nhật: 02h15, ngày 16.11.2009, GMT: +7)


Blog Battrang 360* - Bên cạnh những điểm tương đồng giữa các làng quê Đồng bằng Bắc Bộ làng cổ
Bát Tràng cũng có nhiều đặc điểm riêng:

Thứ nhất: Bát Tràng là một làng nghề, nơi
“có nghề nung đất thành vàng
Se duyên xây bể cho nàng rửa chân.”
Bao đời nay, người dân Bát Tràng chỉ biết tới công việc làm gốm sứ mà chẳng quen với việc cấy cày. Sản phẩm của làng nghề hiện đã có mặt tại
Anh , Pháp , Mỹ , Hà Lan , Nhật Bản , Hàn Quốc , Đài Loan , Australia ...

Thứ hai: Thiết chế làng xã tổ chức theo dòng họ mà không tổ chức theo phe giáp. Cả làng có 27 dòng họ, trong đó lớn nhất là các dòng họ: Phạm, Trần, Lê, Nguyễn (“Nhất Phạm, nhì Trần, tam Lê, tứ Nguyễn”). Hàng năm, các dòng họ đều tổ chức ngày giỗ tổ họ mình.

Thứ ba: Đình Bát Tràng không thờ Tổ nghề mà thờ Lục vị Thành hoàng. Đình được xây dựng ngay bên bờ sông Hồng.

Thứ tư: Là một làng quê nhỏ bé bên bờ sông Hồng , một làng nghề đồng thời Bát Tràng cũng là một trong 10 làng khoa bảng của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội . Một Trạng nguyên , năm Tiến sỹ và ba Quận công người làng Bát Tràng hiện còn được vinh danh tại vườn bia Văn miếu Quốc tử giám tại Hà Nội và Huế .

Thứ năm: Bát Tràng "không có bờ tre" – đặc trưng dễ nhận thấy ở mỗi làng quê Việt Nam. Cây cối thưa thớt; nhà cửa san sát; tường nhà cao vút; đường đi quanh co, ngoắt ngoéo (tại khu vực xóm cổ, đường đi nơi rộng nhất cũng chỉ chừng 1.2m)

Thứ sáu: Ở Bát Tràng, hầu như nhà nào cũng có họ hàng với nhau, không xa thì gần, không họ bên nội thì họ đằng ngoại bởi vậy tại Bát Tràng còn lưu truyền câu nói thế này: “Chim ri là dì sáo sậu, sáo sậu là cậu sáo đen, sáo đen là em tu hú, tu hú là chú bồ các, bồ các là bác chim ri, chim ri là dì sáo sậu...”

Thứ bảy: Làng cổ Bát Tràng được đón nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam về thăm như: Chủ tịch Hồ Chí Minh , Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh , nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương , nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười , phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa , Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng ... và nhiều nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước khác.

Thứ tám: “Cơm nước mắm, tắm đòn dong – Chè hột hoa sói, nước sông Nhị Hà”. Ẩm thực Bát Tràng mang nhiều nét đặc trưng riêng. Một số món ăn của Bát Tràng đã nổi tiếp khắp vùng (Thịt chó, canh măng mực, bánh chưng...)

Thứ chín: Phong tục: Tảo mộ vào ngày 06.01 âm lịch, hội làng Bát Tràng ngày 14-15.02 âm lịch, hội Đền Mẫu bản hương ngày 24.09 âm lịch.

Thứ mười: Bát Tràng là tên làng nhưng cũng được đặt làm tên xã. Xã Bát Tràng gồm 2 làng: Làng Bát Tràng và làng Giang Cao.


Gia Thanh

Câu chuyện "Bác Hồ về thăm làng Gốm" giờ mới kể



Câu chuyện "Bác Hồ về thăm làng Gốm" giờ mới kể

(Cập nhật: 02h00, ngày 16.11.2009, GMT: +7)



Blog Battrang 360* -
Sơ lược lịch sử Bát Tràng
Trước năm 1961 xã Bát Tràng là xã Quang Minh gồm 3 thôn Bát Tràng, Giang Cao và Kim Lan. Hiện nay xã Bát Tràng có 2 thôn : Giang Cao và Bát Tràng, thuộc huyện Gia Lâm - thành phố Hà Nội
Theo cuốn lịch sử cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân xã Bát Tràng ( 1930 - 2000) thì diện tích toàn bộ xã là 164 ha với 1628 hộ và 6655 nhân khẩu. Về địa lý, xã Bát Tràng nằm bên tả ngạn sông Hồng, phía Bắc giáp xã Đông Dư , phía đông giáp xã Đa Tốn, phía nam giáp xã Xuân Quan ( huyện văn giang, tỉnh Hưng Yên ) Phía tây là sông Hồng . Xã Bát tràng cách trung tâm thành phố Hà Nội 12km.
Xã Bát tràng có làng nghề gốm sứ cổ truyền là làng Bát Tràng, cũng như mọi làng quê Việt Nam, làng Bát Tràng có nhiều công trình kiến trúc như đình, chùa, đền, miếu, văn chỉ... chứng minh cho một làng quê văn hiến. Làng Bát tràng từ xa xưa đã nổi tiếng là đất học, đất làng nghề có nhiều người đỗ đạt , khoa bảng . Văn Miếu Quốc Tử Giám, Văn miếu Huế và Văn Miếu Bắc Ninh ( trước 1961 làng Bát Tràng thuộc tỉnh Bắc Ninh) đã ghi danh các bậc đại khoa của làng Bát Tràng gồm một trạng nguyên , tám tiến sĩ, mười quận công. Đầu thế kỷ 20, xã Bát tràng có nhà chí sĩ cách mạng Phạm Văn Tráng tham gia Việt Nam Quang Phục Hội của cụ Phan Bộ Châu, cùng đồng đội tiêu diệt viên tuần phủ gian tỉnh Thái Bình và đã hi sinh anh dũng. Nhiều người làng Bát Tràng đã tham gia Việt Minh, cùng nhân dân nổi lên cưới chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945. Làng Bát tràng cũng là nơi in ấn bài hát tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao, sau này là Quốc ca của nước ta. trong kháng chiến chống pháp giữa vòng vây kìm kẹp của kẻ thù, người dân làng Bát Tràng vẫn hướng về Đảng và Bác Hồ kính yêu, không ngại hy sinh gian khổ, tích cực tham gia chiến đấu , phá tề trừ gian, chống giặc càn. trong kháng chiến chống Mỹ, dân quân tự vệ Bát tràng đã đánh trả máy bay Mỹ ném bom vào thôn bát tràng. Thanh niên Bát tràng đã xung phong vào bộ đội và đi khắp mọi miền Đất nước để bảo vệ Tổ quốc. Làng Bát tràng có nhiều Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh liệt sĩ trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và chống Mỹ cứu nước nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tháng 8 năm 1958, TW Đảng và Chính phủ quyết định đào sông Bắc Hưng Hải nhằm phục vụ tưới tiêu cho 3 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ ( Bắc Ninh, Hưng yên, Hải Dương). Do việc đào sông, xã Quang Minh được tách thành hai xã: Xã Bát Tràng và xã Kim Lan.
Để phục vụ cho đào sông Bắc Hưng Hải, phải di chuyển một nửa thôn Bát Tràng ra chỗ đất mới. Trong đó, có hơn 200 ngôi nhà cổ, một ngôi chùa, các lò nung đồ gốm sứ và các cơ sở sản xuất lâu đời...
Trong tình hình các hộ dân đã di chuyển ra chỗ ở mới, mới chỉ có một số hộ dân xây dựng được nhà cửa , còn một số hộ đang chuẩn bị xây dựng nơi ăn chốn ở và cơ sỏ sản xuất thì Bác Hồ về thăm làng gốm Bát Tràng.
Bác Hồ về thăm làng gốm Bát Tràng.
Sáng ngày 20-2-1959, nhân dân xã Quang Minh ( Tên xã ở thời điểm đó) vô cùng phấn khởi được đón Bác Hồ về thăm làng Bát Tràng. Cùng đi với Bác có các cán bộ của xã và huyện. Rất đông dân làng nô nức đón Người, vô cùng sung sướng được ngắm nhan dung Bác và đi theo người đến thăm các nơi.
Trên đường vào thăm HTX sản xuất gốm sứ Minh Châu. Bác ghé thăm nhà ông lang Tự ( Nguyễn Trọng Đức, đã mất vào năm 1983). Nhà ông Tự đã được di chuyển ra chỗ đất mới và xây dựng xong. Ông lang Tự và con trai đi làm vắng nhà, chỉ có 2 con gái, cô chị là Nguyễn Thị Trâm 13 tuổi., cô em gái Nguyễn Thị Oanh 9 tuổi đang chơi ngoài sân, theo Bác vào Nhà.
Bác hỏi:
- Ba mẹ đi đâu rồi ?
- Thưa Bác, thầy cháu và anh cháu đi làm, u cháu đi chợ.
Bác ngắm, đọc bức hoành phi và đôi câu đối ở ngoài hiên nhà thờ. Bác bảo hai cô gái.
- Các cháu nói với ba mẹ là treo câu đối không đúng vị trí, phải đổi câu bên trái sang bên phải.
Bác xuống nhà dưới, mở lồng bàn để xem mâm cơm của gia đình.
Lúc đó chưa đến bữa ăn nên mâm cơm chỉ có bát rau muống luộc. Sau ngày Bác về thăm, ông Lang Tự đã treo lại câu đôi như lời bác dặn.
Bác rời nhà ông lang Tự, vào thăm HTX sản xuất gốm sứ Minh Châu. Thời gian đó HTX này là mô hình sản xuất gốm sứ tiến bộ nhất của làng Bát Tràng, có nội dung và hình thức gần giống như một công ty cổ phần ngày nay. Tiền thân của HTX là tập đoàn sản xuất Minh Châu được thành lâp bởi một số thợ làm thuê tập hợp nhau lại và đóng góp cổ phần. Ban đầu, tập đoàn chỉ có 30 người. Trong vòng 2 năm, tập đoàn này đã phát triển thêm được gần 50 người nữa. Tháng 10 năm 1957, tập đoàn chuyển thành HTX sản xuất Minh Châu. Tháng 8-1959, HTX hợp nhất với các xí nghiệp gốm công ty hợp doanh thành xí nghiệp sứ Bát Tràng . HTX sản xuất Minh Châu chỉ được thông báo vào hôm trước là sẽ có lãnh đạo của TW về thăm. Sáng hôm sau Bác đã về . Tất cả các xã viên đều sản xuất bình thường.
Bác đi qua khu bể lọc đất rồi vào khu sản xuất đứng xem anh Vũ Văn Vinh ( sinh năm 1941, hiện nay đã 63 tuổi đã nghỉ hưu) in bát. Vì cảm động quá và còn ít tuổi nên anh Vinh in ra một bát còn hơi méo rồi đặt lên bàn sản phẩm.
Bác hỏi:
- Khi nung chín ra, bát có méo không ?
- Thưa Bác , bát cũng méo ạ!
- Thế thì phải làm lại!
Bác quay sang chỗ anh Trần văn Tửu ( sinh năm 1940, đã nghỉ hưu) đang tiện tiện bát ( một công đoạn sản xuất sau khi in bát và để khô) và hỏi:
- Mỗi ngày cháu tiện được bao nhiêu cái bát?
Anh Tửu hồi hộp quá nên không trả lời được. Một anh cán bộ huyện trả lời.
- Thưa Bác , được 300 cái ạ!
_ Như thế có ít không? Có thể gấp hai được không ?
Rồi Bác đi ra sân, xem chị Nguyễn Thị Kiểm ( Gọi theo tên chồng là Định, năm nay 74 tuổi đã nghỉ Hưu dấn men phủ Bát . Lúc đó là mùa Xuân nhưng vẫn còn rét, công nhân phải đun nước nóng để pha vào huyễn dịch men sứ cho khỏi giá. Một cán bộ huyện Gia Lâm cầm chậu để đi lấy nước nóng.
- Để các công nhân làm, kẻo chú làm hỏng mất!
Chị Định còn mải ngắm Bác nên Bác nói:
- Cứ làm đi cháu , khéo không đổ vỡ.
Xem xong , bác hỏi chị Định:
- Các cháu làm thế này, thu nhập có cao không ? Sản phẩm có chất lượng không ? Mọi người chỉ mải nhìn Bác nên không ai biết trả lời như thế nào.
Cuối cùng, Bác bá vai anh Phùng Ngọc Oanh ( hiện 71 tuổi, đã nghỉ hưu) là chủ nhiệm HTX Minh Châu, căn dặn :
- Các cháu cố găng sản xuất hàng hoá sao cho nhiều, nhanh, tốt, rẻ để phục vụ nhân dân!
Bác Hồ rời khỏi HTX trong tiếng hô của mọi người
Hồ chủ tịch muôn năm!
Bác rẽ xuống thăm nhà ông Lang Xương( Lê Văn Xương đã mất) làm nghề Đông dược. Nhà ông lang Xương cũng đã được xây dựng xong ở chỗ đất mới.
Bác thấy trong nhà có mâm cơm, mổ lồng bàn ra xem. bác thấy cơm trắng , đậu rán, rau muống luộc, cà muối. Bác khen nhà có cơm ngon. Rồi Bác ngồi xuống phản gỗ, nói chuyện với ông lang. Bác thấy các lọ và hộp tủ đựng thuốc có dán nhãn tên thuốc bằng chữ Hán, Bác bảo:
- Chú phải dán tên thuốc bằng chữ Quốc ngữ ở dưới chữ Nho để khi chú đi vắng , người nhà bốc thuốc cứu người.
Bác lại hỏi:
- Chú có đắt hàng không?
- Thưa Bác, không được đắt lắm ạ !
Bác nói:
- Thế thì tốt, hàng thuốc mà đắt thì dân có nhiều người bệnh. Bác ngoặt sang một ngôi nhà 2 tầng gần đấy cũng đã được xây dựng xong.
Bác hỏi
- Đây là nhà ai?
Ông Trần Văn Tuý ( nguyên Phó chủ tịch xã Bát Tràng đã mất )
- Thưa Bác, nhà ông Phạm Huy Giáp đi bộ đội về ạ !
Bác vào thẳng gian hàng giữa nhà và thấy chăn chiếu trên giường được xếp gọn gàng. bác hỏi bà Trần Thị Vinh ( vợ ông Giáp , nay đã 83 tuổi) :
- Gia đình ta có mấy người?
- Thưa Bác, có 5 người cháu, 2 vợ chồng và một mẹ già , tổng cộng là 8 người ạ!
Bác nói;
- Thế thì có quá nhiều con.
Ngày 2- 09 - 2002, gia đình ông Phạm Huy Giáp đã lập bia đá gắn và ở tường trước ngôi nhà mà Bác đã đến thăm để kỷ niệm ngày Bác về thăm Gia đình .
Ra khỏi nhà ông Giáp, Bác vào nhà bà Nguyễn Thị Bùi ( gọi theo tên chồng là bà Tín, đã mất) chưa xây dựng xong nhà ở tại khu đất mới.
Bác hỏi:
- Sao cô chưa làm nhà?
- Thưa Bác, chưa có vôi ạ!
Thế là hôm sau, bà Tín có vôi làm nhà.
Cuối cùng , Bác trở lại để nói chuyện với dân làng. Trên khu đất có một đường goòng chạy đến cửa sông Bắc Hưng Hải để chở vật liệu và dụng cụ cho việc xây dựng cửa sông này. có một chiếc cầu cao bằng gỗ vượt qua đường gòong để anh chị em công nhân chất đồ xuống xe goòng. Dân làng muốn Bác Hồ đứng trên cầu vượt để nói chuyện với nhân dân.
Bác bảo các cán bộ lãnh đạo huyện và xã:
- Các cô chú cho Bác ra chỗ nào rộng!
Bác ra khoảng đất rộng trước HTX mua bán cho nhân dân trong xã (nay là Trạm Y tế thôn Bát Tràng), Anh Trần Văn Tửu vào một gia đình ở gần đó, mượn một cái bàn gỗ nhỏ , dài chừng 1,2m và cùng mấy người khiêng ra chỗ đất rộng để Bác đứng nói chuyện với dân làng. Mọi người đứng xung quanh Bác, yên lặng và trật tự để nghe Bác nói chuyện .
Bác hỏi thăm dân làng và nói:
- Nhà nước đào sông Bắc Hưng Hải làm mất đi một phần đất của làng Bát Tràng, các cụ và dân làng có vui lòng không hay không đồng ý? Việc di chuyển vừa qua, tình hình xây dựng nơi ăn chốn ở của các gia đình như thế nào? Làng Bát Tràng cũng như xã Quang Minh trong những năm qua hoạt dộng và công tác có thành tích ra sao?
Ai nghe cũng ngẩn người ra, không biết nói gì vì chỉ ngắm Bác và nghe Bác nói. Cụ Phùng Văn Chạnh ( đã mất) thay mặt dân làng báo cáo:
- Dân làng sản xuất rất tốt , thành tích so với năm 1957-1958 gấp rưỡi, không ai bị đói, làng Bát tràng không những giải quyết việc làm cho dân mà còn cho cả bà con ở các nơi khác.
Bác bảo:
- Thế thì tốt, Bác nghe bác cáo dân làng đã chuyển một nửa làng ra khu đất mới. Vậy tất cả bà con đã xây dựng được nhà mới chưa ?
- Thưa Bác , đã xây dựng được 80%. bà con phấn khởi, an tâm, không ai thắc mắc gì cả ạ !
- Dân làng đã phải giúp đỡ nhau để ai cũng làm nhanh được nhà mới.
Mọi người đồng thanh nói:
- Vâng ạ!
Bác Hồ căn dặn:
- Bát Tràng là một làng nghề phát triển. Các cô chú phải xây dựng đường sá rộng rãi để xe chở nguyên liệu về làng và chở hàng hoá đi, làng phải có giao thông thuận lợi . Bác căn dặn: "Làng Bát Tràng mới phải làm sao trở thành một làng kiểu mẫu của nước Việt Nam mới, nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa".
Sau đó Bác chúc sức khoẻ các cụ và dân làng rồi ra xe, rời khỏi làng Bát Tràng. Theo lời Bác dặn , các gia đình ở các đường cái đều lùi vào nhà 1m, còn các gia đình ở đường phụ đều lùi vào 5 m. Một tuần sau đó, thư ký của Bác về hỏi ông Trần Văn Tuý xem nhân dân đã lùi nhà vào chưa? Ông Tuý đưa thư ký của Bác đi xác minh và công nhận dân làng đã làm đúng theo lời Bác chưa?
Gia Thanh (Sưu tầm)

CHUYỆN KỂ VỀ LÀNG BÁT TRÀNG



CHUYỆN KỂ VỀ LÀNG BÁT TRÀNG

(Cập nhật: 02h00, ngày 16.11.2009, GMT: +7)




Blog Battrang 360* - Làng Bát Tràng là làng nghề làm gốm thủ công từ xa xưa. Thiên hạ có cái bát để ăn, có cái ấm pha trà, có cái chén uống rượu… đều nhờ vào đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của người thợ thủ công Bát Tràng. Người thợ gốm Bát Tràng cần cù, thông minh, sản sinh cho đời những lư hương, đồ thờ tự, bát đĩa, ấm chén, lọ bình… nhưng đã mấy ai biết đất ấy là nơi địa linh nhân kiệt, sinh cho đời những hiền nhân làm rạng danh cho quê hương, Đất nước, lưu tiếng thơm muôn thuở. Làng cổ Bát Tràng nhà ngói san sát, ngõ hẹp quanh co, lò gốm chen nhau, tường nhà nào cũng phơi than đốt lò, con người lam lũ từ tờ mờ sáng đến trăng lên. Vậy mà, ở chính làng quê quanh năm vất vả ấy, chỉ kể từ khi rời vùng quê Bồ Bát xứ Thanh Hoa (nay là huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) ra vùng mom sông có những gò đất sét trắng tả ngạn Nhị Hà lập nên làng Bát Tràng, định cư từ cuối đời Trần. Theo sách chép lại, làng Bát Tràng đã có trên ba trăm hiền Nho khoa cử. Chỉ một làng quê nhỏ, tính đến cuối thiên niên kỷ thứ hai, có trên dưới bảy trăm hộ cũng đã sinh ra 1 Trạng nguyên, 8 Tiến sỹ, 56 Giải nguyên, 2 Quận công. Chỉ một dòng họ Lê đã có tới 9 người làm Đại thần trong Triều.
Đôi câu đối trên cột đồng trụ trước cửa Đình làng là niềm kiêu hãnh của người dân làng Bát suốt bao đời nay:

Địa hữu Gia Lâm thập lý hỷ tài họa tự cẩm
Ấp xưng Bồ Bát nhất đình hội tụ nguyệt phi thương.

Có nghĩa là:
Một vùng đất ở Gia Lâm, chu vi mười dặm, ai cũng phục tài vẽ hoa trên sứ như thêu trên gấm lụa
Quê gốc Bồ Bát, một khoảng sân rộng đồ sứ tự bày trong chén sóng sánh trăng bay.

Phong dao Kinh Bắc xưa có câu:
Sống làm trai Bát tràng
Chết làm thành hoàng Kiêu Kỵ

Sống không đâu sướng bằng con trai Bát Tràng được học hành đỗ đạt. Không có thành hoàng làng nào sướng hơn thành hoàng làng Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm , Hà Nội), vì được lễ quanh năm chứ không chỉ tuần rằm hội hè, đình đám. Riêng cái sự đỗ đạt , Bát tràng cũng được tôn vinh lắm, chả thế mà từ hơn trăm năm trước. Bát tràng kết nghĩa với làng Nam Dư Hạ bên sông, ai cũng xin làm em , mãi không phân rõ huynh đệ, phải đến khi các bô lão làng Nam Dư Hạ nói rằng cả Nam Dư Hạ cầu lấy một tiến sĩ còn không có, trong khi đó Bát Tràng lại có những 8 tiến sỹ, Bát tràng giữ trọng trách làm anh là xứng đáng chứ. Lúc ấy, Bát tràng, mới chịu, hai làng mở hội ăn mừng, hội thành truyền thống từ trăm năm có lẻ.

Nhiều hiền khoa nhân bảng Bát Tràng hiện còn được lưu danh tại vườn bia Văn Miếu Quốc tử giám Hà Nội và Huế. Bát Tràng hiện lưu giữ khá đầy đủ các đạo sắc phong của những triều vua. Năm 1931, làng Bát Tràng đã có một hương ước với hơn 190 điều. Hương ước này còn mang tính pháp lý đó là dấu xác nhận của lý trưởng và công sứ tỉnh Bắc Ninh . Hương ước có rất nhiều điểm tiến bộ, ví dụ quy định khi mai táng chú trọng đến mồ yên mả đẹp, không chú ý đến ăn uống. Mọi người sống phải yêu thương đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau....

Năm 1958, Bát tràng đã chia sẻ gần một nửa làng cho dòng nước Bắc Hưng Hải , phần làng cổ phần còn lại vẫn giữ được những nhà thờ họ bề thế. Nếp sống tôn ty trật tự vẫn tiếp nối truyền thống ông cha. Truyền thống làng nghề , truyền thống văn hiến vẫn mỗi ngày một trong sáng thịnh vượng . Xưa các đại thần về thăm làng đến bờ đê đã bỏ võng lọng đi bộ , vào đình làng vẫn ngồi sau các cụ cao niên. Ngày nay , dân làng Bát Tràng vẫn kể về nghĩa cử của phó chủ tịch quốc hội Phùng Văn Tửu , không khi nào ông ngồi ôtô vào làng. Dự giỗ, họp họ, mọi người khẩn khoản mời ông lên chiếu trên nhưng ông một mực xin được ngồi đúng ngôi vị của ông trong họ. Các Đại phu trong Triều đình khi xưa, ông phó chủ tịch quôc hội thời nay về làng vẫn giữ lệ là người dân của làng.

Một bài thơ của làng do cụ Đặng Huy Chú viết năm 1867 trong niềm cảm khái (Lời dịch của nhà giáo Đỗ Hải) như sau:


Đất thiêng người giỏi nức quê xưa
Từ chiếc bàn xoay hưởng lộc vua
Chất củi đun lò nên nghiệp cả
Đất sông luyện gốm nổi cơ đồ
Góp công ham nghĩa lời vua tặng
Đỗ đạt cao danh phúc tổ thừa
Này đất đáng yêu phong vị đẹp
Đầy trời ngan ngát khí xuân đưa.


Gia Thanh (Sưu tầm)

NGUỒN GỐC DÂN CƯ VÀ QUÁ TRÌNH LẬP LÀNG XÃ BÁT TRÀNG


NGUỒN GỐC DÂN CƯ VÀ QUÁ TRÌNH LẬP LÀNG XÃ BÁT TRÀNG

(Cập nhật: 01h55, ngày 16.11.2009, GMT: +7)



Blog Battrang 360* - Đình làng Bát Tràng còn lưu lại được đôi câu đối cổ phản ánh lịch sử của cư dân và nghề gốm:


埔移手藝開亭宇
蘭熱心香拜聖神


Phiên âm:
Bồ di thủ nghệ khai đình vũ
Lan nhiệt tâm hương bái thánh thần


Có nghĩa là:
Nghề từ làng Bồ ra, khởi dụng đình miếu
Lòng thành như hương lan, cúng tạ thánh thần

Cùng với câu đối trên là những ghi chép truyền thuyết và các tộc phả của các lớp cư dân từ Bồ bát di cư ra lập nghiệp ở Bát Tràng. Theo ký ức và tục lệ dân gian dòng họ Nguyễn Ninh Tràng là cư dân bản địa và lâu đời nhất nên được dân làng tôn trọng trong ngôi thứ cùng như trong các lễ hội của làng, có người phỏng đoán rằng có lẽ họ Nguyễn Ninh Tràng là họ Nguyễn ở Trường Yên, Vĩnh Ninh (Ninh Bình), nơi sản xuất ra loại gạch Vĩnh Ninh Trường nổi tiếng, vì “Trường” cũng có thể đọc là “Tràng” (điều này cần xác minh thêm, có điều cần chắc chắn là tại các gia phả của một số dòng họ như họ Lê, họ Vương, họ Trần, họ Phạm , họ Nguyễn, họ Vũ .. ghi nhận tổ tiên của các họ trên đều từ Bồ Bát ra đây. Họ Nguyễn Ninh Tràng có nghề làm gạch, làm gốm, nên được Triều đình điều ra làm gạch xây dựng cung đình, thành quách...


Do nhu cầu số lượng rất lớn cho nên số thợ di cư ra ngày càng nhiều, khu vực sản xuất cũng được mở rộng.

Năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long (Hà Nội) trên cơ sở thành Tống Bình - Đại La thời thuộc Tuỳ (608 -618), thuộc Đường (618 -905). Thăng Long trở thành trung tâm chính trị của nước Đại Việt độc lập và nhanh chóng trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá của cả nước. Biết bao thành quách, cung điện, đền đài được xây dựng. Các phố phường , bến , chợ được mở rộng, xây dựng mới, cần nhiều ngói gạch, nguyên vật liệu xây dựng. Dân cư tập trung ngày càng đông. Những nhu cầu đáp ứng cho cuộc sống ngày càng tăng lên.

Các phường thợ đủ các nghề được thu hút về Kinh đô hoặc các vùng ven đô. Bát Tràng được ra đời cũng nằm trong hoàn cảnh đó.

Tương truyền rằng xưa kia ở nơi đây còn là vùng hoang hoá, sình lầy ven sông Hồng có 72 gò đất sét trắng , một nguyên liệu chủ yếu phục vụ sản xuất đồ gốm. Tộc phả họ Trần Đông Cục có ghi "ông Tổ họ Trần nhà ta là một trong 12 thợ cả cùng các họ khác nhau được vua điều ra Bạch Thổ phường để sản xuất gạch xây dựng thành quách ở Kinh đô, sau lại làm ra các đồ gốm..."


Bạch Thổ phường càng phát đạt lôi cuốn các dòng họ khác từ Bồ Bát di cư ra lập thành làng xã , mà sôi nổi nhất là vào thời Trần (1226-1400), thời Lê (1428 -1527) và thời Lê Trung Hưng (1533-1789).

Từ phường Bạch Thổ lúc ban đầu đổi tên thành Bá Tràng phường. Cuối đời Trần (Thế kỷ XIV) mang tên là xã Bát và sang đời Lê (đầu thế kỷ XV) đổi là Bát Tràng. Đến đây, Bát Tràng đã trở thành một trung tâm gốm nổi tiếng , được Triều đình chọn để cung cấp đồ cống tiến, ngoại giao . Hiện nay bảo tàng Lịch sử Việt Nam còn lưu giữ được một số đồ vật của gốm Bát tràng thế kỷ XIV- XV.


Năm 1958 khi đào sông Bắc Hưng Hải qua phía nam làng Bát tràng đã phát hiện dấu tích của làng cổ, vùi lấp ở độ sâu 12 - 13 mét . Chúng ta hi vọng trong tương lai sẽ có kết luận của các Nhà khoa học xác định rõ hơn về thời gian ra đời của làng Bát Tràng.

Dân làng Bát Tràng xưa chủ yếu sống bằng nghề sản xuất gạch , gốm sứ , dạy học, buôn bán nước mắm, cau khô, vải vóc. Một nhà thơ người Bát Tràng đầu thế kỷ XX đã sáng tác bài hát Trống quân trong đó có đoạn viết “Liền bà nước mắm cau khô – Giữa đường tạp hoá muôn đồ người mua”. Những người ly hương làm ăn xa tại các nơi đô thi hoặc làm viên chức. Trước đây làng cũng có 70, 80 mẫu đất bãi để trồng ngô, đậu. Số đất này dần chia cho các suất đinh 18-60 tuổi trong các họ.


Gia Thanh (Sưu tầm có sửa chữa)

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2009

Hình ảnh "Lễ đón nhận bằng di tích lịch sử tại Đền Bát Tràng"






Hình ảnh "Lễ đón nhận bằng di tích lịch sử tại Đền Bát Tràng"



(Cập nhật: 01h47, 15.11.2009, GMT: +7)






Blog Battrang 360* - Dịp Lễ hội truyền thống Đền Mẫu Bản hương Bát Tràng ngày 22-24.09.Kỷ Sửu (08-10.11.2009) nhân dân làng gốm cổ truyền long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng di tích lích lịch sử đối với 2 di tích tại làng Bát Tràng: Đền Mẫu Bát Tràng & Văn chỉ Bát Tràng nâng tổng số di tích được cấp bằng chứng nhận di tỉnh lịch sử văn hóa cấp thành phố lên thành 6 (Đình làng Bát Tràng, chùa Bát Tràng, Văn Chỉ Bát Tràng, Đền Mẫu Bát Tràng, Nhà cụ Vương Văn Tịch - Nơi in bản Quốc Ca Việt Nam đầu tiên, Nơi lưu dấu Bác Hồ về thăm nhân dân làng gốm Bát Tràng ngày 20.02.1959). Blog Battrang 360* xin gửi tới bạn đọc một vài hình ảnh trong ngày đại lễ (Di chuột vào ảnh để đọc lời giới thiệu):


Bat Trang 1 - Thủ nhang Đền Mẫu Bát Tràng trong trang phục Quan Lớn Đệ Tam

Bat Trang 2 - Chấp tác Đền Mẫu Bát Tràng trong trang phục Chầu Bé

Bat Trang 3 - Chấp tác Đền Mẫu Bát Tràng trong trang phục Chầu Đệ Tứ Khâm Sai - Mẫu bản hương làng gốm Bát Tràng

Bat Trang 4 - Chấp tác Đền Mẫu Bát Tràng trong trang phục Chầu Bé  & Chầu Đệ Tứ Khâm Sai

Bat Trang 5 - Cung nghinh đón rước

Bat Trang 6 - Lễ hội truyền thống Đền Mẫu Bát Tràng ngày 22.09.Kỷ sửu

Bat Trang 7 - Lễ hội truyền thống Đền Mẫu Bát Tràng ngày 22.09.Kỷ sửu

Bat Trang 8 - Bằng chứng nhận di tích lịch sử cấp tỉnh thành phố cho Đền Mẫu Bát Tràng




Gia Thanh

QUAN VĂN NGƯỜI LÀNG BÁT TRÀNG


QUAN VĂN NGƯỜI LÀNG BÁT TRÀNG
(Cập nhật: 01h11, 15.11.2009, GMT: +7)



Blog Battrang 360* - Làng Bát Tràng có nhiều người đỗ đạt Nho học nên từ xa xưa đã nổi tiếng là đất học, đất nghề. Cả nước ta, từ khoa thi đầu tiên thời Lý (năm 1075) cho đến khoa thi Hội cuối cùng kết thúc chế độ khoa cử Nho học dưới triều vua Khải Định (năm 1919) có 2898 người đỗ Đại khoa, trong đó có 45 Trạng nguyên. Đất Thăng Long có 6 vị đỗ Trạng nguyên thì huyện Gia Lâm có 2 vị: Giáp Hải người làng Bát Tràng và Đặng Công Chất người làng Phù Đổng. Làng Bát Tràng có 364 người đỗ đạt khoa bảng từ Tam trường trở lên. Hiện nay tại Văn chỉ Bát Tràng còn lưu danh được 291 người mà nổi bật là 9 người đỗ từ Tiến sỹ đến Trạng nguyên và nhiều Quận công. Tên tuổi của họ hiện còn lưu danh tại vườn bia Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội, Huế và Văn miếu tỉnh Bắc Ninh .


1. Trạng nguyên Giáp Hải (1506 – 1585).

Ông là người mở đầu danh mục đại khoa của làng Bát Tràng. Tên thật là Giáp Trưng, hiệu là Nội Trai. Ông sinh ra tại quê mẹ Công Luận (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên ). Ông đậu Trạng nguyên khoa thi năm Mậu Tuất niên hiệu Đại Chính thứ 9 (năm 1528) đời Mạc Đăng Doanh năm đó ông 31 tuổi. Là người giỏi văn học, có tài bang giao, từng đi sứ nhà Minh. Ông giữ chức Thượng thư Bộ lại trông coi công việc của Lục Bộ kiêm Đông các Đại học sỹ, Nhập Thị Kinh Viên, Thái bảo. Ông được phong tước Sách Quốc công và về trí sỹ năm 1585 thọ 79 tuổi. Mạc Hậu Hợp thương tiếc ban cho ông bức chướng thêu dòng chữ: “Trạng nguyên, Tể tướng Đẩu Nam tuần – Quốc lão đế sư thiên hạ tri” (Trạng nguyên, Tể tướng danh cao như sao Bắc Đẩu cõi trời Nam, Bậc quốc lão ở kinh sư được cả nước biết đến). Ông để lại nhiều thư từ, biểu văn bang giao và nhiều áng thơ văn.

2. Tiến sỹ Vương Thời Trung (1537- ?)

Tên hiệu là Chám Trai. Ông đỗ tiến sỹ khoa thi năm Kỷ Sửu năm thứ 2, niên hiệu Hưng Trị (năm 1589) đời Mạc Hậu Hợp. Lúc đó, ông đã 52 tuổi. Ông làm tới chức Trung Trinh Đại phu, Đô cáo sự trung, Thượng chế Bộ hình, tước Thuyên Lâm Hầu.

3. Tiến sỹ Trần Thiện Thuật (1659 - ?).

Tên tự là Trung Mẫu. Ông đỗ khoa thi Hội vào năm Quý Hợi (năm 1683) niên hiệu Chính Hoà đời vua Lê Hy Tông khi mới 25 tuổi. Ông làm quan đến chức Mậu Lâm Long xứ Sơn Nam rồi thăng Hiến sát sứ.

4. Tiến sỹ Nguyễn Đăng Liên (1675 - ?).

Ông đỗ tiến sỹ khoa Bính Tuất năm thứ 2 niên hiệu Vĩnh Thịnh đời vua Lê Dụ Tông (năm 1706) khi đó ông 31 tuổi. Ông làm quan tới chức Đặc Tiến Kim Tử Vinh Lộc đại phu Thượng Bảo Tự Khanh. Khi mất ông được phong tặng Hàn Lâm viện Thị Độc lại được ban tên Hoà Hậu Tiên sinh.

5. Tiến sỹ Lê Hoàn Viện (1668 - ?)

Ông đỗ tiến sỹ khoa thi năm Ất Mùi, năm thứ 11 niên hiệu Vĩnh Thịnh (năm 1715) đời vua Lê Dụ Tông. Năm ấy ông 27 tuổi. Ông làm quan đến chức Thừa Chính Sứ Sơn Tây. Năm Canh Ngọ (năm 1750) làm Đề Điện trường thi Hương ở Hải Dương .

6. Tiến sỹ Lê Hoàn Hạo

Lê Hoàn Hạo (em của Lê Hoàn Viện), đỗ tiến sĩ khoa Đinh Mùi niên hiệu Bảo Thái đời Lê Dụ Tôn, 1727, làm quan đến chức Học sĩ, tước Gia Trạch bá

7. Tiến sỹ Nguyễn Đăng Cẩm (1677 – 1736).

Ông là em ruột tiến sỹ Nguyễn Đăng Liên. Ông đỗ tiến sỹ khoa thi Đình tháng 6 năm Mậu Tuất năm thứ 14 niên hiệu Vĩnh Thịnh (năm 1718) khi đó ông đang làm chức Tri Huyện và đỗ ở tuổi 41. Ông nêu tấm gương về sự kiên trì học tập. Sau ông được thăng đến chức Triều Liệt đại phu Tế tửu Quốc Tử Giám rồi được phong tặng Ngự sử Đài Thiên Đô Ngự Sử. Cùng với anh em tiến sỹ Lê Hoàn Hạo, Lê Hoàn Viện, đương thời ông được người đời gọi là “Huyện đệ đồng triều”.

9. Tiến sỹ Lê Danh Hiển (1756 - ?).

Ông còn có tên là Lê Hoàn Hiển thi đỗ khoa thi Đình năm Ất Tỵ năm thứ 46 niên hiệu Cảnh Hưng (năm 1785) đời vua Lê Hiển Tông. Năm đó ông 29 tuổi. Ông làm quan đến chức Kim Tử Vinh Lộc đại phu, Hữu Tị Long bộ Lễ tước Gia Phái hầu.

10. Tiến sỹ Vũ Văn Tuấn (1806 - ?)

Tên tự là Trạnh Khanh, hiệu là Bạch Sơn. Ông vào kinh đô Huế thi Hội rồi đỗ Tiến sỹ khoa thi năm Quý Mão năm thứ 3 niên hiệu Thiệu Trị (năm 1843) lúc đó 38 tuổi. Ông làm quan tới chức Viện Biên Tu rồi làm Tri Phủ Hà Trung. Năm Tự Đức thứ 1 (năm 1848) ông được triệu về kinh bổ chức Thị Giảng Sung Sứ Quán Toàn tu, Hàm Thị Độc. Năm 1853 ông được cử làm phó sứ trong đoàn sứ bộ ngoại giao Phan Huy Vịnh sang nhà Thanh (Trung Quốc). Khi trở về ông được vua Tự Đức ban cho 7 bài thơ Chế Ngự. Năm Tự Đức thứ 10 (1857) làm Sứ Sát Hưng Hoá hàm Thị Giảng Học sỹ. Khi mất ông được vua ban thuỵ là Đoan Trực. Hiện ở Bát Tràng có nhà thờ ông.

11. Quốc công Vũ Ngang (? – 1460).

Ông còn có tên gọi khác là Khả Lãng. Ông có công khai quốc triều Lê nên được vua Lê Thái Tổ ban quốc tính họ Lê, do đó còn gọi là Lê Vũ Ngang. Ông vốn quê ở Bồ Bát (Ninh Bình), con cháu đều ra Bát Tràng và mang theo nhà thờ ông. Hiện còn giữ được 2 đạo sắc của vua Lê Hiển Tông ban cho ông là: Khai quốc công thần, Thái phó, tước Đôn Quận công Thượng Trụ Quốc.

12. Bùi Hối Trai (Thế kỷ XVIII).

Ông làm chức Thiêm sai Thị Nội Thư Tả Công Phiên Hoàng Tín đại phu, Thị Độc Viện Hàn Lâm – ông còn được vua ban Đặc Tiến Kim Tử Vinh Lộc đại phu Đông Các Đại học sỹ tước Xuyên Bá.

Gia Thanh (Sưu tầm)

VÕ TƯỚNG, QUẬN CÔNG NGƯỜI BÁT TRÀNG


VÕ TƯỚNG, QUẬN CÔNG NGƯỜI BÁT TRÀNG

(Cập nhật: 01h05, 15.11.2009, GMT: +7)




Blog Battrang 360* -
1. Cơ Quận công Nguyễn Thành Trân (1641 – 1693).
Ông tên là Chẩn. Huý: Thành Trân, tự Đôn Phát, thuỵ: Đoan Nhã phủ quân. Ông giữ chức Đề Điềm đời chúa Trịnh Tạc. Thông hiểu tiếng Tàu. Năm 1667 đời vua Lê Huyền Tông phụng mệnh đi sứ nhà Thanh (Trung Quốc). Ông từng làm quan trấn thủ Lạng Sơn. Mùa Đông năm Quý Dậu (năm 1693) ông lâm trọng bệnh và mất. Vua Lê, Chúa Trịnh vô cùng thương xót, sắc phong cho ông Đặc Tiến Phụ Quốc Thượng tướng quân Kim Tố Vinh Lộc đại phu, Thị Nội Giám, Tự Lễ Giám, Tổng Thái Giám, Cơ Quận công. Mộ phần của ông được đắp ở thôn Báo Đáp. Dân làng Bao Đáp (thôn Báo Đáp, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm) thờ ông làm Hậu Thần. Sinh thời, tuy làm quan to trong triều đình nhưng ông luôn nghĩ đến quê hương bản quán nên đã góp nhiều công của sửa sang đền làng và ban phát nhiều ân huệ cho dân làng. Ông cũng là người tổ chức khai giếng đầu tiên ở Bát Tràng. Ông được dân làng tôn kính thờ phụng phối hưởng cúng tế ở Đình Bát Tràng.
Sinh thời ông nuôi người con thứ 3 của anh trưởng là Nguyễn Thành Chương làm con thừa tự. Nguyễn Thành Chương sau cũng hiển đạt làm tới chức Hoài Viễn tướng quân, Tổng Binh Sứ, Tư Tổng Binh Kiêm Sự, tước Lâm Thọ Hầu. Tộc Phả họ Nguyễn Thành Chương còn cho biết ông sinh năm Bính Ngọ niên hiệu Cảnh Trị thứ 4 (năm 1666) mất năm Vĩnh Hựu thứ 3 (năm 1737) thọ 72 tuổi. Ông là con rể Mỹ Quận công nước Nhật Bản. Bà vợ họ Lý tên huý là Tước, hiệu là Quỳnh Quang sinh năm Tân Ngọ (năm 1671) sinh hạ được 5 người con là Thành Giáp, Thành Ban và 3 người con gái.
2. Tuấn Quận công Nguyễn Thành Lý (Thế kỷ XVIII).
Tự là Trung Nghị, thuỵ Đoan Hoà Nguyễn tiên sinh. Ông là cháu Cơ Quận công Nguyễn Thành Trân. Ông làm quan đại phu thời Lê Hoằng Định (1700 – 1719) chức Phụng sai Lưu thủ Tuyên Quang thủ hiệu là Tả Trần Cai Cơ, chỉ huy sứ Ty, chỉ huy Đông Trí. Ông được phong tước Tuấn Đường hầu sau lại được vua tặng phong Đặc Tiến Phụ Quốc Thượng Tướng quân Đô chỉ huy sứ Ty.
3. Quỳ Quận công Nguyễn Thành Châu.
Ông sinh tháng 11 năm Giáp Dần mất ngày 11.11 năm Mậu Ngọ hưởng thọ 65 tuổi. Ông được giao phụ trách thuần phục đàn voi chiến suốt 10 năm và có nhiều công tích. Ông được phong Đặc Tiến Phụ Quốc Thượng tướng quân, Thị Nội Giám, Ty Lễ Giám, Tổng Tả Hiệu Điểm Ty, Tổng Hữu Hiện Điểm Quỳ Quận công.
4. Thiếu Bảo lão tướng Quận công Lê Trần Cẩn (Thế kỷ XVIII).
Ông còn được gọi là “Quận công lưỡng quốc”. Ông xuất thân trong một gia đình văn thân truyền thống bản thân “văn võ kiêm toàn”, thạo binh thư thao lược nên được vua Lê trọng dụng. Khi biên cương nước ta bị phiến quân Ai Lao (Lào)
quấy nhiễu ông phụng mệnh Triều đình dẹp giặc, giữ yên bờ cõi. Nhờ tài thuyết khách khiến phiến quân lui binh và dâng tặng 70 thớt voi tỏ lòng hoà hiếu rồi phong ông làm Quận công Ai Lao. Ông được triều đình ta phong tước Giảng Nghĩa hầu. Sau ông lại được cử sang bang giao với Trung Quốc về vấn đề biên giới Việt Trung. Năm 1740, sau 3 năm khi hoàn thành nhiệm vụ trở về vua Lê lại phong ông làm Thiếu Bảo Lão tướng Giảng Quận công. Sau khi ông mất có 3 nơi thờ ông đó là đình làng Xuân Thuỵ (Kiêu Kỵ, Gia Lâm), đình Ngọc Động (Đa Tốn, Gia Lâm) và Từ đường họ Lê làng Bát Tràng. Hiện nay, họ Lê còn lưu giữ sắc phong cho ông đời Lê Trung Hưng (năm 1740). Khu lăng mộ đá của ông hiện nằm tại gò Én, thôn Xuân Thuỵ (xã Kiêu Kỵ) giáp với thôn Ngọc Động (xã Đa Tốn)
5. Tham tán Nghĩa quân Bãi sậy: Lê Thiện.
Ông là nhà Nho văn võ kiêm toàn. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, với lòng yêu nước ông đã tham gia phong trào của nghĩa quân Bãi sậy (1885 – 1889). Đây là phong trào chống Pháp hoạt động ở cả một vùng rộng lớn từ Hưng Yên, qua Hà Đông lên vùng Bắc Ninh... làm cho địch phải mất nhiều năm mới đàn áp được. Ông bị bắt và tù đầy. Khi thoát nạn tù đầy, ông lại tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và trở thành nhà lãnh đạo phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục tỉnh Bắc Ninh (năm 1907). Khi phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục tan vỡ, ông bí mật về ẩn giật và dạy học tại vùng An Dân, tổng Bình Dân phủ Khoái Châu, Hưng Yên và mất tại đây.
6. Liệt sỹ Phạm Văn Tráng
Ông từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Năm 1912, ông trốn sang Trung Quốc gia nhập Việt Nam Quang Phục Hội. Được tổ chức phái về nước thi hành bản án tử hình tên toàn quyền Đông Dương Anbexaro và bọn tay sai đầu so Hoàng Trọng Phu, Nguyễn Duy Hàn, trái tạc đạn từ tay Phạm Văn Tráng đã giết chết tên Nguyễn Duy Hàn ngay gần tỉnh lỵ Thái Bình trưa ngày 12/04/1913. Tiếng nổ kinh thiên động địa của các chiến sỹ Việt Nam Quang Phục Hội khiến thực dân Pháp lo sợ và điên cuồng khủng bố. Phạm Văn Tráng bị thực dân Pháp bắt và kết án tử hình cùng 7 chiến sỹ cách mạng khác vào tháng 9 năm 1913.


Gia Thanh (Sưu tầm)

Cuốn hồi ký: ĐỜI TÔI (02)


Cuốn hồi ký: ĐỜI TÔI (02)
Tác giả: Vũ Văn Giần

(Cập nhật: 00h55, 15.11.2009, GMT: +7)


Blog Battrang 360* -

Phần 4:
Đất phù sa bãi bồi là một loại đất rất phì nhiêu , chỉ trông lúa ngô là thích hợp và tốt nhất, nên tự nhiên làng tôi có ở trước mặt mấy trăm mẫu lúa ngô! khi mùa cây có bắp. Theo số "xuất đinh" làng sẽ đã chia cho mỗi xuất đinh một khoảng nào đấy. Khi bắp ngô đã đông sữa, người làng ra bẻ về nấu chè, già thêm chút nữa , bẻ về nướng và luộc ăn chơi, làm thì không quen công việc " thổ mộc".
Bỏ thì tiếc, lại phải thuê người bẻ ngô đem về nhà, nhà lại chật chội không có chỗ phơi, cho người ta thì tiếc, nên khi đó có tình trạng khá buồn cười là nhà nào có chút sân rộng thì không còn khoảng trống, nhà nào sân quá hẹp thì phải đem phơi trên mái nhà...
Sau khi kè đã được đổ và xây ở phía trên làng Lâm- Du ở tả ngạn Hồng - Hà. Dòng nước trước chảy xiết ở tả ngạn, nay chuyển sang bên hữu ngạn , nước khi đã chảy xiết về phía đó, đất bị sói mòn, vì vậy phần đất ở phía Nam thành phố Hà Nội lại bị lở từ bến Phà Đen, chạy dọc theo phần đất các làng Vĩnh Tuy nhiều quá nhất là ở quãng địa phận làng Vĩnh Tuy và Thanh Trì. Lại trầm trọng hơn cả , có chỗ đã lở đến gần chân đê, Khi sói lở Sở trị thuỷ lại phải đổ đá xây kè để chuyền hướng luồng nước sang bên Tả Ngạn.
Khi kè đá bên hữu ngạn hoàn thành, luồng nước chảy xiết lại chảy sang bên Tả Ngạn, phần đất bên tả ngạn lại bắt đầu bị lỡ. Cánh bãi bồi ở trước mặt làng tôi bị lở trước nhất. Lở dần dần, mỗi năm một ít, chỉ trong khoảng thời gian độ mươi năm, cả một cánh bãi trước tự nhiện do lưu lượng phù sa sông Hồng Hà bồi đắp , nay lại trả lại cho sông Hồng Hà. Rồi lại lở thêm một phần đất cố cựu từ xưa của làng tôi. Nếu không kịp thời cứu vãn, thì có nhẽ địa giới làng tôi đã bị xoá trên bản đồ, và người làng sẽ phải di cư đi nơi khác.
Thấy vậy cơ quan trị thủy lại phải đem đá đến đổ kè cho nên sự sụt lở do luồng nước chấy xói mòn lại được lắng dịu. Tuy vậy. làng tôi cũng bị khá thiệt thòi, vì một số nhà đã bị lở xuống sông, trong số đó, có nhà hương hoả của ông cha tôi đề lại.
Đây là tình trạng trước năm 1954, và về sau tôi không được rõ lắm. Nghe được một số người biết truyện kể lại "Non một phần nửa đất đai về phía Nam làng tôi, nay đã thành sông vì nghe đâu ngoài đó người ta có đào sông 'Sông Giang' (Sông đào Bắc Hưng Hải), lấy nước sông Hồng vào tưới ruộng và cửa sông Giang này là địa phận phía Nam làng tôi và phía Bắc làng Kim Quan.
Đoạn 5:
Người mình có câu tục ngữ "rậm tre là làng" hình dung đến một làng, chúng ta thường tưởng tượng ngay đến: có một luỹ tre xanh bao bọc, phía trong luỹ tre có nhiều nhà, nghèo thì nhà tranh, giàu thì nhà gạch lợp ngói, vân vân... Làng tôi không giống như vậy, xung quanh làng tôi không có luỹ tre xanh, cả làng không có một mái nhà tranh, mà toàn là nhà gạch san sát. Cây cối cũng hiếm mặt trước làng, nếu thoáng nhìn qua, hầu như không có cây, chỉ có mấy cây đa lớn ở sân đình và sân chùa miếu. Phía sau làng tôi về phía trên bờ lạch Long Đàm (người làng gọi là phía trên Đầm) là ít nhiều cây cối, ở đây thỉnh thoảng cũng có ít nhiều khóm tre, do ít nhà trồng cây làm cảnh. Làng tôi chỉ toàn nhà gạch, cũng không có gì lạ vì nhà gạch đỡ choán diện tích, làng lại có nghề làm bát, trong nghề này có sản xuất độ vài thứ vật liệu phụ là gạch và vôi. Sẵn vật liệu, xây nhà gạch cũng không cầu kỳ, không khó khăn và đỡ tốn kém như ở một vài làng khác.
Một làng mà người dân có nhiều tiện nghi về vật chất thành ra hoạt bát và tinh khôn hơn. Đồng tiền được luân chuyển nên thường có mã lực cao hơn. Thêm vào đó, làng không có nghề canh nông, không có một tấc ruộng , trẻ nhỏ đâu phải phụ giúp cha mẹ trong các công việc đồng áng vì làm gì có trâu mà chăn, có cỏ để cắt, có ruộng để cày. Trẻ con mới lớn lên, không có việc làm ở không sẽ lêu lổng, nên tốt hơn hết là cha mẹ phải cho con đi học. Đã được đi học , thì như trèo bậc thanh , sẽ tiến dần từ dễ đến khó, từ thấp đến cao. Thêm vào đó, nhà nào cũng có con cho đi học nên có sự ganh đua, thành thử từ xưa đến nay, tỷ lệ được trúng tuyển trong các kỳ thi, người làng tôi chiếm được một tỷ lệ rất khả quan vì nạn mù chữ ở làng tôi hầu như không có.
Dân ở một làng đa số là những người có học hành, lại có một mức sống tương đối dễ chịu, thì những gì là lễ nghĩa, liêm sỉ thường được trú trọng. Nói như vậy, không có nghĩa là người làng tôi ai ai cũng lịch sự và tốt cả. Ở đâu chả có kẻ tốt người xấu, kẻ dở, người hay, thêm vào đó, còn có sự nhàn cư vi bất thiện, nên cái chuyện bất thiện, ở làng tôi cũng không hiếm, may rằng số này không phải là đa số.
Làng tôi là một làng ở thôn quê, nhưng lại có một nếp sống và mức sống gần như thành thị. Ở nơi thành thị, tứ xứ quần cư, chín người mười làng, nên trong đời sống thường có nhiều mâu thuẫn, nhiều đố kị, có tính cách "cá nhân chủ nghĩa, cháy nhà hàng phố, bằng chân như vại" nhiều khi ở sát vách , ở đối diện nhà nhau, không quen biết, chứ đừng nói đến chuyện thân nhau. Nhưng làng tôi tuy có nếp sống và mức sống thành thị, lại có tình đồng hương, đồng tộc, đồng môn và liên bích .. vân ..vân, nên ít có sự mâu thuẫn, người dân thường sống với nhau: hoà ái, vui vẻ, thân thiện và có tình thân tương trợ nhau khá thắm thiết. Vì vậy, những người ở ngoài làng, nếu có dịp, có hoàn cảnh, những người ở xa, ai cũng muốn trở về làng. Nghĩa câu" phú quy gia cố hương" là như vậy.


Gia Thanh (Sưu tầm)

Cuốn hồi ký: ĐỜI TÔI (01)


Cuốn hồi ký: ĐỜI TÔI (01)
Tác giả: Vũ Văn Giần

(Cập nhật: 00h48, 15.11.2009, GMT: +7)




Blog Battrang 360* -

Lời giới thiệu: Không hoa mĩ, không trau chuốt trong từ ngữ đó là những hình ảnh rất thật, tâm sự rất thật về làng Bát Tràng của cụ Vũ Văn Giần. Mục đích viết hồi kí của cụ thật đơn giản: mong ước cho con cháu cụ hiểu và thêm yêu quý làng quê mình. Cuốn hồi kí “Đời tôi” này được viết vào năm 1969 tại Sài Gòn, sau 38 năm lặng lẽ nằm trên giá sách gia đình, tôi với tình yêu với làng gốm Bát Tràng và may mắn đã mượn được cuốn sách quý giá này. Xin được giới thiệu với bạn đọc một phần cuốn sách này.
Phần 1
Chương I
Làng tôi
Làng tôi là làng Bát Tràng, thuộc tổng Đông Dư, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Về cận lai, Gia lâm thành một tỉnh thì làng tôi thuộc tỉnh Gia Lâm. Làng tôi có một sắc thái riêng biệt, không giống một làng quê Việt Nam nào, chả thế mà trong phong dao, tục ngữ có nhiều câu như:
Sống làm trai Bát Tràng, Chết làm thành hoàng Kiêu Kị.
Bát Tràng làm bát, kiêu kị dát vàng
Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây
Xây dọc rồi lại xây ngang
xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân
..v..v.v..
Một làng có nhiều câu ca dao tục ngữ nói đến như vậy thì dĩ nhiên nó phải có những gì là đặc biệt.
Lịch sử và địa dư:
Làng tôi ở về tả ngạn sông Hồng Hà, nếu tính theo đường chim bay thì cách thành phố Hà Nội về phía Đông Nam độ năm hay sáu cây số. Đi bộ từ làng tôi ra Hà Nội thì phải đi học theo con đê ở bên tả ngạn sông Hồng Hà, đi ngược lên đến làng Lâm Du rồi qua cầu Long Biên là đến Hà Nội, đi đường bộ này mất khoảng mươi cây số. Nếu đi đường thuỷ thì chỉ ra ngay bên sông làng tôi, đáp đò dọc hay tầu thuỷ đi ngược ngay là đến bến sông Hà Nội.
Nhìn toàn thể làng tôi có cái hình hơi giống vỏ một con trai, cũng có người cho là gíống hình con cá nằm liền ngay bờ sông Hồng Hà. Mặt tây làng tôi là sông Hồng Hà. Còn ba mặt Bắc, Đông, Nam, lại có một con lạch, ngăn cách với các làng tiếp giáp, còn gọi là Long Đàm, hay Long Nhỡn vì vậy nhìn một cách tổng thể làng tôi như nằm riêng biệt trên một cù lao.
Về ranh giới phía Bắc làng tôi giáp làng Đông Dư, phía Nam giáp làng Kim Quan, Phía đông giáp làng Giang Cao, phía Tây là sông Hồng Hà. Ngày xưa con lạch Long Đàn, hai đầu đều thông ra sông Cái ( Hồng Hà) nên từ làng tôi đi sang các làng tiếp giáp phải qua hai cái cầu xây, dưới là cái cống. Vì sau vì đất bổi lên nên cửa con lạch về Phía Nam bị lấp dần dần, thành ra phần đất làng tôi giáp làng Kim Quan thành ra liền , cái cầu vẫn còn nhưng phía thông ra sông đã lấp kín.
Theo danh giới địa dư trong địa bạ phía Bắc làng tôi giáp với làng Đông Dư Nhưng phần đất về phía này đã bị lởi vì dòng nước sông Hồng chảy xói nên trong thực tại phía Bắc làng tôi giáp với làng Giang cao. Diện tích làng tôi khi xưa rộng khoảng 100 mẫu nhưng phần phía Bắc và phía Tây bị luồng nước sông Hồng xói lở. Khi tôi đã lớn thì diện tích làng đo đạc lại thì diện tích làng tôi chỉ độ 50 mẫu mà thôi.
Với diện tích đất đai nhỏ hẹp như vậy dân số lại đông nhà cửa san sát nên đường đi không được rộng rãi. Đất đã hẹp cơ sở phụng tự thường to lớn, cơ sở công nghiệp cũng nhiều thành thử phần đất để xây cất nhà cửa đã nhỏ hẹp lại càng thêm hẹp, nên có một ngôi nhà trong làng lại có giá trị.
Phần 2:
Khi xưa làng tôi không ở nơi hiện tại, tổ tích của tiền nhân khi xưa ở làng Bạch Bát (nay gọi là Bồ Bát) thuộc tỉnh Thanh Hoá nay thuộc huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình. Gia phả nhiều nhà ghi chép rằng vào đời hậu Lê tổ tiên chúng tôi là nhiều bậc đại thần trong triều , những buổi nhàn du ra ngoài đế đô thấy nơi đây phong thuỷ đẹp nên tâu với vua xin khu đất này đem gia đình tới ở. Cũng có nhiều gia phả chép rằng: Vào Triều nhà Lê tổ tiên chúng tôi chạy loạn nhà Mạc (từ quê hương làng Bạch Bát đi ngược dòng sông Hồng Hà về gần Thăng Long thấy thấy nơi đây có an- minh nên dừng lại và định cư ở đó.
Hai điểm tuy là dị biệt nhưng theo ý kiến tôi có thể cả hai điểm đều đúng. Về điểm thứ nhất các vị tổ tiên chúng tôi nếu không phải các bậc đại thần, thì dễ gì chiếm được khu đất hiện tại thuộc địa giới làng nào đó để đem người nhà và người làng đến ở, nếu không có sắc lệnh của nhà Vua.
Điểm thứ hai về phương diện tâm lý người Việt Nam mình có mấy ai dời nơi "chôn nhau cắt rốn" (cố hương) để đến nơi khác nếu không phải loạn lạc. Buổi ban đầu làng tôi chỉ gọi là Bát Tràng phường sau đổi thành Bát Tràng xã.
Trong gia phả các nhà đều ghi chép rằng khu đất thổ cư của làng tôi gồm có bẩy mươi hai (72) cái gò bạch thổ (nghĩa chữ bạch là trắng, chữ thổ là đất). Nhưng tôi suy luận ra rằng các cụ viết theo lối văn chương. Gọi bẩy hai cái gò hoang là bẩy hai gò bạch thổ. Chứ không phải bẩy hai gò đất trắng, vì khi tôi khôn lớn ra bờ sông nhìn vào phần đất bị lở cũng thấy đất có một mầu như ở nơi khác mà không thấy gì là bạch thổ cả.
Phần 3:
Các làng ở dọc hai bên bờ sông, diện tích và hình thể thường bị thay đổi, tuỳ theo thế nước chảy của dòng sông. Vì vậy ta mới có câu phong dao:
Khúc sông bên lở bên bồi
Bên lở thì đục bên bồi thì trong
Làng tôi ở ngay sát bờ sông nên cũng không thoát khỏi công lệ đó.
Khi tôi còn nhỏ, khúc sông Hồng Hà nằm ở phía trên làng tôi gồm địa phận làng Lâm Du, gần cầu Long Biên bị lở đe doạ cả khúc đê gần đó. Khi ấy cơ quan trị thuỷ phải tải đá đến đổ, xây kè để cho nước khỏi sói mòn, làm cho đất khỏi lở và chuyển thế dòng nước sang thế hữu ngạn. Trong thời gian này dòng sông Hồng Hà ở ngay trước mặt làng tôi. Trước chảy xiết nay trở nên hoà hoãn. Do sự hoà hoãn này mà phần đất trước mặt làng tôi không bị lở nữa, đất phù xa ở lòng sông được lắng xuống. Rồi mỗi ngày trồi cao lên, nên phía sông trước mặt được bồi cao lên . Thoạt tiên là một cồn cát lớn rồi sau mỗi mùa nước lớn, bãi cát được phủ lên một lớp đất phù xa. Lớp đất phù xa mỗi năm lại được phủ thêm dày mãi lên thành một cánh bãi có thể cày giồng rất tốt.
Cánh bãi ở trước mặt về phía tây làng tôi, được bồi lên bắt đầu từ phần nửa làng Đông Dư, qua một phần làng Giang Cao, chạy suốt chiều dọc làng tôi , rồi ở tận cùng ở một phần phía bắc làng Kim- Quan. Khi còn là một bãi cát không trồng trọt được thì không có sự tranh chấp giữa các làng có địa giới. Nhưng khi được đất phù sa phủ lên cao, trồng trọt tốt là có sự tranh chấp bắt đầu .
Làng tôi đâu phải là làng có nghề canh nông lại chuyên sống về công nghệ và thương mại, nên có cánh bãi ở trước làng, cũng chẳng có lợi lộc gì, chỉ thêm phí tổn cho việc vận chuyển, và thêm khó khăn cho việc giao thông, vì thuyền bè bị cạn khó cập bến.
Dĩ nhiên làng tôi không muốn bị lở mất đất, nhưng cũng chẳng ham muốn gì cánh bãi chướng ngại này. Có lẽ vì tự ái vì thể diện và cũng vì tinh thần bảo vệ ranh giới khi xưa, của tiền nhân để lại nên có cuộc tranh chấp về đất đai, giữa làng tôi với hai làng Đông Dư và Giang Cao, suýt xảy ra lưu huyết. May nhờ can thiệp của chính quyền đương thời, và sự hiểu biết của những người đứng đắn trong làng, nên sự phân chia ranh giới vùng được êm đẹp cả. Ba làng đều căn cứ vào " Địa bạ Gia Long" , rồi phân chia lại ranh giới trên bãi đất bồi, rồi cắm mốc, đắp đường để có một ranh giới rõ rệt và lâu dài. Sau chuyện này hoà khí giữa ba làng với nhau được trở lại vui vẻ như xưa.
... ... ...



Gia Thanh (Sưu tầm)

Bat Trang pottery - gorgeous simplicity


Bat Trang pottery - gorgeous simplicity
GỐM BÁT TRÀNG – VẺ ĐẸP GIẢN DỊ
May 1, 2007

(Cập nhật: 00h20, 15.11.2009, GMT: +7)




Blog Battrang 360* - Bat Trang pottery earns a meritorious position in a private showcase of around 7,000 objects characterising different ethnic groups in Vietnam.
Gốm Bát Tràng chiếm một vị trí trang trọng trong bộ sưu tập cá nhân gồm 7000 hiện vật phản ánh đời sống các tầng lớp dân cư khác nhau ở Việt Nam.
"Some people like fancy things but I am attracted by Bat Trang pottery's simplicity and I prefer things that were made for the people," said Mark S. Rapoport, a doctor from the US, who is the owner of the collection that is being exhibited at Hanoi's central Hang Bun street.
“Nhiều người yêu thích những đồ mỹ lệ nhưng tôi, tôi bị cuốn hút bởi sự giản dị của gốm Bát Tràng và tôi nghĩ rằng, những đồ gốm đó được làm ra cho tầng lớp nhân dân” Mark S. Rapoport, một tiến sĩ tới từ Mỹ, người là chủ nhân bộ sưu tập được giới thiệu tại phố Hàng Bún, Hà Nội.
While talking to the Vietnam News Agency, Mark carefully picked up, from the collection, an ancient pottery pipe believed to date back hundreds of years.
Trong khi nói chuyện với hãng Thông tấn Việt Nam, Mark cẩn thận lấy ra một chiếc điếu sứ cổ từ bộ sưu tập và tin rằng đã có hàng trăm năm tuổi.
Greatly impressed by Bat Trang pottery, Mark and his friends hold theme discussions every month at his house, during which, they speak about pottery and its value.
Với ấn tượng lớn đối với gốm Bát Tràng, Mark và bè bạn thường mang chúng ra bàn luận tại nhà mình. Trong suốt những buổi thảo luận đó, họ nói về gốm và giá trị của nó.
"Many people have fallen in love with Bat Trang pottery like Mark. Though holding differing views concerning its beauty, they share the same passion for its simplicity and historical significance," said Ha Ton Vinh, an American-Vietnamese professor from Hawaii University, who has also devoted time and energy for his own collection of Vietnamese pottery.
“Nhiều người đã phải lòng gốm Bát Tràng như Mark. Mặc dù cảm nhận về vẻ đẹp khác nhau, họ cùng chia sẻ những ý tưởng giống nhau về đặc điểm chính của gốm Bát Tràng: sự mộc mạc, cổ kính.” Ông Hà Tôn Vinh, một giáo sư người Mỹ gốc Việt tại Đại học Hawaii, người cũng dày công sưu tầm cho bộ sưu tập Gốm Việt Nam riêng của mình
The secret of Bat Trang pottery's beauty is that it is made by hand. The products are also painted by hand with motifs featuring natural scenes and simple designs, like flowers, birds and animals.
Vẻ đẹp kín đáo của gốm Bát Tràng là những đồ vật đó được làm thủ công. Những sản phẩm đó cũng được vẽ bằng tay với mô-típ tự nhiên, thiết kế đơn giản như hoa, chim và động vật.
"Rough and simple patterns make Bat Trang pottery different from other pottery made in other localities," reckoned Tran Do, a young artisan in Bat Trang village.
“Thô mộc và giản dị làm gốm Bát Tràng khác hẳn với gốm ở các địa phương khác”, Trần Độ, một nghệ nhân trẻ của làng Bát Tràng liệt kê.
Pham Dung, a lecturer from the Ho Chi Minh City Culture University, who specialises in folk culture, explained that artisans paint pottery emotionally so their drawings are often not delicate but very emotional.
Phạm Dũng, một giảng viên Đại học Quốc gia thành phố Hô Chí Minh, người quan tâm tới văn hoá dân gian nhận xét rằng, những nghệ nhân vẽ gốm đã thổi hồn của mình cho những tác phẩm nên những nét vẽ của họ tuy không tỉ mỉ nhưng sống động.
"The people who made the pottery may not have attended any art school to learn to paint, but I do like simple things as they possess a special beauty.” Mark said with his eyes still fixed on the ancient pipe decorated modestly with a flower.
“Những người vẽ gốm có thể không được đào tạo qua trường mĩ thuật nhưng tôi yêu thích sự giản dị đó, như thể họ mang một vẻ đẹp đặc biệt” Mark nói mà mắt không rời khỏi chiếc điếu cổ được vẽ trang trí bằng một bông hoa.
"I like pottery because it is part of history. They are beautiful and have a lesson to teach," Mark underscored.
“Tôi yêu gốm bởi nó là một phần của lịch sử. Chúng đẹp và có nhiều điều để học hỏi”, Mark nhấn mạnh.
For lecturer Pham Dung, Bat Trang pottery is closely attached to the 1000-year Thang Long, former name of Hanoi.
Đối với Giảng viên Phạm Dũng, gốm Bát Tràng đã tiến gần tới tên gọi Nghìn năm Thăng Long của Hà Nội.
According to history books, when King Ly Cong Uan moved from Ninh Binh province to Thang Long in the 11th century, a number of pottery makers in Ninh Binh also came along to help in the construction of Thang Long citadel.
Theo một số cuốn sách sử, khi vua Lý Công Uẩn dời đô từ Ninh Bình tới Thăng Long vào thế kỷ thứ XI, một nhóm thợ làm gốm ở Ninh Bình cũng dời theo để giúp sức xây dựng kinh thành Thăng Long.
Some of these makers became the founders of Bat Trang pottery village, around 15 km from Hanoi.
Vài người trong nhóm thợ đó đã trở thành người lập làng gốm Bát Tràng, cách Hà Nội 15 km.
Through ups and downs of the country's history, Bat Trang pottery experienced a slowdown in the end of the 17th century before bouncing back at the beginning of the 20th century.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử Đất nước, gốm Bát Tràng trải qua giai đoạn sản xuất cầm chừng vào cuối thế kỷ XVII trước khi khởi phát trở lại vào đầu thế kỉ XX.
"Bat Trang village is one of the handicraft villages that possesses the largest number of young artisans in the country," Vice Chairman of the Vietnam Handicraft Villages Association Luu Duy Dan said, referring to Tran Do as an example.
“Làng Bát Tràng là một trong những làng thủ công có đội ngũ nghệ nhân trẻ đông đảo nhất trong cả nước” Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dân nói và chỉ ra ví dụ là Trần Độ.
Back to the conversation with Mark, he noted, "I am not an expert. But again I like the attractiveness in Bat Trang pottery. Some of the Chinese or Japanese potteries are very delicate and beautiful but it's not my taste. Here it is also about the technology, how they do it, how they burn it and put things into the kiln. I am interested and curious about that." (VNA)
Trở lại câu chuyện với Mark, anh nhấn mạnh, “Tôi không phải là một chuyên gia. Nhưng tôi thích vẻ đẹp của gốm Bát Tràng. Một số đồ gốm Trung Quốc và Nhật Bản rất tinh xảo và đẹp nhưng đó không phải là sở thích của tôi. Ở đây cũng là kĩ thuật, họ làm gốm thế nào, họ nung chúng thế nào và đặt chúng vào lò nung. Tôi quan tâm và tò mò về điều đó”.

Reprinted with permission from Nhan Dan Newspaper
Translated by Gia Thanh

BÁT TRÀNG” TRONG PHONG DAO KINH BẮC


“BÁT TRÀNG” TRONG PHONG DAO KINH BẮC

(Cập nhật: 00h20, 15.11.2009, GMT: +7)


Blog Battrang 360* - Làng gốm Bát Tràng kể từ khi thành lập đến trước tháng 11 năm 1949 đều là đơn vị hành chính thuộc tổng Đông Dư, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (từ thời Gia Long nhà Nguyễn đổi thành tỉnh Bắc Ninh). Tồn tại trong suốt một thời gian dài như vậy, cộng với bề dày về truyền thống văn hoá, khoa cử nên phong dao Kinh Bắc xưa xuất hiện nhiều câu về Bát Tràng:
1.
Ở đâu có chợ có Bát Tràng
Ở đâu có ấp có làng Xuân Quan
Người Bát Tràng ngoài làm nghề gốm còn lành nghề thương mại. Bất cứ nơi đâu, từ Nam chí Bắc hễ nơi nào có chợ lớn, buôn bán nhộn nhịp là có sự hiện diện của người Bát Tràng. Tại Hà Nội, trước kia một số khu phố tập trung đông người Bát Tràng sinh sống và buôn bán như: phố Bát Đàn, Lò Đúc..., và tại một số tỉnh khác như tỉnh Vĩnh Phúc cũ (Việt Trì, Vĩnh Yên, Phúc Yên), Hưng Yên (Phố Hiến), Hà Tây (thị xã Hà Đông). Ngày nay, quận Tân Bình thành phố Hồ Chí Minh cũng có nhiều người Bát Tràng tập trung sinh sống và phát triển nghề gốm sứ.
Làng Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên có lẽ do đất đai chật, dân đông nên có truyền thống khai khẩn đất hoang, lập làng mở ấp. Làng Ngô phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội ngày nay là do người Xuân Quan đến khai hoang, mở ấp từ hàng trăm năm trước. Ngay cả một dòng họ lớn tại làng Giang Cao, xã Bát Tràng là họ Đặng cũng là di cư từ làng Xuân Quan tới.
2. “Bát Tràng làm bát, Kiêu Kỵ dát vàng”
Xã Kiêu Kỵ huyện Gia Lâm cũng là một làng nghề thủ công truyền thống. Sản phẩm của làng nghề là bạc quỳ tán mỏng dùng làm sơn son thếp vàng. Ngày nay, nghề này vẫn tồn tại, tuy nhiên sản xuất với quy mô nhỏ, chỉ còn vài hộ gia đình trong làng bám trụ với nghề
3. “Lợn Giang Cao, chó Bát Tràng, gà Xươn”
Làng Giang Cao, xã Bát Tràng trước làm nghề nông và nghề hàng sáo (buôn gạo). Sản phẩm phụ là cám gạo nhiều dùng để nuôi lợn nên lợn béo nhanh, thịt ngon.
Làng Bát Tràng, xã Bát Tràng sống bằng nghề gốm sứ mà không làm nông nghiệp, chó nuôi tại Bát Tràng được ăn cơm mà không phải ăn cám như ở nơi khác nên thịt mềm và không bị hôi.
Làng Xươn (xã Kim Lan, huyện Gia Lâm) nằm ngoài đê, đất phù sa phì nhiêu màu mỡ. Làng trồng nhiều ngô, ngô đấy đem nuôi gà nên gà da vàng, thịt thơm.
4.
Sống sướng như con trai Bát Tràng
Chết làm thành hoàng làng Kiêu Kỵ
Người con trai Bát Tràng xưa sống sướng lắm! “Bé thì cơm mẹ cơm cha – Những những (nhỡ nhỡ) cơm vợ, về già cơm con”. Kinh tế gia đình do người phụ nữ lo toan, quán xuyến. Vợ lại chiều chồng, nhiều hôm đi chợ mua hẳn cả một cái thủ lợn về cho chồng uống rượu.
Làng Kiêu Kỵ làm ăn phát đạt, biện lễ thành hoàng rất trọng. Không giống với các nơi khác, làng Kiêu Kỵ cúng tế Thành Hoàng quanh năm không kể tuần rằm, mồng một.


Sưu tầm và diễn giải: Gia Thanh

Tra cứu nội dung Blog Battrang 360*