Làng Gốm Bát Tràng

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Bản văn thờ Bát Tràng Bản Hương Thánh Mẫu


Bản văn thờ Bát Tràng Bản Hương Thánh Mẫu
Update: 23.04.2012

Battrang 360* - Bản văn thờ Bát Tràng Bản Hương Thánh Mẫu được sáng tác vào ngày 15.03.2012 và được hát thờ lần đầu tiên tại Đền Bát Tràng vào ngày 18.03.Nhâm Thìn (ngày 08.04.2012). Bản văn thờ được thu trực tiếp tại một vấn hầu tại Đền Mẫu Bát Tràng. Thể hiện ca khúc: Nhóm cung văn thuộc Chương Hà Bảo Điện (Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội), soạn lời Phạm Hoàng Tùng (Bát Tràng)




Phạm Hoàng Tùng
Battrang 360*
www.gomtinhhoa.com.vn

Bản hát văn đang trong thời gian hoàn thiện. Mọi ý kiến đóng góp xin vui lòng liên hệ:
Phạm Hoàng Tùng - 0949.808555
Email: dungnganbtc@gmail.com
Website: www.gomtinhhoa.com.vn - www.battrang360.vn - www.battrangonline.com

Bát Tràng làng gốm làng khoa bảng





Chỉ có nghề gốm và nghề buôn, không có ruộng, đất rất chật, nhưng Bát Tràng cũng như mọi làng Việt Nam xưa, vẫn có một quần thể cơ sở để thờ phụng, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng: Đình, Văn chỉ, Hào chỉ, Chùa, Miếu, tất cả đều khá khang trang. Đình Bát Tràng được tạo dựng từ rất xưa, đến năm Canh Tý niên hiệu Bảo Thái (1720) thì được xây dựng lại với quy mô đồ sộ. Hiện tại đình còn lưu giữ 44 đạo sắc phong từ các đời Lê, Tây Sơn, Nguyễn. Văn chỉ Bát Tràng được dựng sau đình, có lợp mái (theo sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính thì, nơi thờ Khổng Tử và các vị tiên nho nếu để lộ thiên thì gọi là Văn chỉ, nếu lợp mái thì gọi là Văn từ, song dân ở địa phương vẫn gọi là Văn chỉ dù được lợp mái). Trên tam quan Văn chỉ có bức đại tự: “Ngưỡng di cao” (trông lên vời vợi), là câu trích từ sách Luận ngữ của Khổng Tử, ca ngợi đạo đức và học vấn của Thánh nho. Văn chỉ Bát Tràng có kiến trúc chữ nhị, mỗi toà 5 gian, hậu cung có bệ thờ Khổng Tử và các bậc hiền triết. Xưa kia, thường ngày Văn chỉ được dùng làm trường học. Trừ dịp xuân tế và thu tế , đây là Hội tư văn bàn việc học hành, biểu dương người thành đạt, bình thơ và trang trọng đọc tên 364 vị tiên nho của làng được thêu trên hai bức trướng bằng vóc. Văn chỉ Bát Tràng còn là nơi sơ khảo học trò của làng trước khi họ đi thi. Riêng làng Bát Tràng có Hào chỉ, nơi sinh hoạt của các vị không phải là quan viên Tư văn nhưng đang tham gia điều hành việc làng. Bát Tràng là làng quê trọng văn học, trọng người đỗ đạt, những người giầu có, quyền chức mà kém chữ không được vào hội Tư văn và không được sinh hoạt trong Văn chỉ. Bởi thế, Bát Tràng có thêm Hào Chỉ! Hào chỉ xưa xây cùng khu, cùng hướng với đình Bát Tràng, là nơi thờ Sĩ Vương (tức Sĩ Nhiếp, Thái thú Giao chỉ cuối thế kỷ II), hàng năm tổ chức xuân tế và thu tế. Bát Tràng có Chùa Kim Trúc, còn gọi là chùa Kim Trúc, thật cổ kính, có 74 cột đều làm bằng đá vuông vức mỗi bề 20 centimet, bốn mặt cột đều chạm những câu đối tinh xảo với nội dung ca ngợi đạo Phật, răn dạy con người làm việc thiện, tránh điều ác. Chùa còn giữ được quả chuông Bảo minh tự chung, bài minh do Tiến sĩ Lê Hoàn Hiển soạn, ghi tên những người hưng công đúc chuông. Làng còn có miếu Hương Hiền, thờ những người nhân nghĩa. Người được thờ ở miếu gần đây nhất, vào thời kỳ trước năm 1945, là một thiếu niên mới 15 tuổi đã nhảy xuống sông cứu người bị đắm thuyền…

Không chỉ là một làng gốm nổi tiếng trong lịch sử và nghề buôn nổi danh tứ xứ, Bát Tràng còn là một làng khoa bảng tiêu biểu của Thăng Long. Người Bát Tràng rất tự hào về Giáp Hải, Trạng nguyên khoa Mậu tuất niên hiệu Đại chính, đời Mạc Đăng Doanh, 1538. Làng còn lưu truyền câu chuyện: Bố Giáp Hải người Bát Tràng, mẹ là người làng Đan Nhiễm liền kề Bát Tràng. Người bố mất sớm, mẹ ông ở vậy nuôi con. Năm Giáp Hải hai tuổi, bị một lái buôn ở làng Dĩnh Kế (nay là xã Dĩnh Kế, ngoại thị Bắc Giang) bắt cóc, nuôi cho ăn học, lớn lên đỗ Trạng nguyên. Trong tâm thức người Bát Tràng, Giáp Hải  là người khai khoa cho quê hương! Tiếp theo là Vương Thì Trung, hiệu là Chất Trai, đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu niên hiệu Hưng Trị đời Mạc Mậu Hợp, 1589. Ông làm tới chức Hình khoa Đô cấp sự trung, tước Thuyên Lâm hầu. Tiếp nữa là Trần Thiện Thuật, tự là Trung Mẫn, Tiến sĩ khoa Quý Hợi niên hiệu Chính Hoà đời Lê Hy Tôn, 1683. Ông làm quan nhà Lê đến chức sát sứ. Ông Nguyễn Đăng Liên đỗ tiến sĩ khoa Bính Tuất niên hiệu Vĩnh Thịnh đời Lê Dụ Tôn, 1706; sau làm quan đến chức Tự Khanh, khi mất được tặng Hàn lâm viện thị độc. Người nữa, là Lê Hoàn Viện, đỗ tiến sĩ khoa Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh đời Lê Dụ Tôn, 1715, ông làm quan đến chức Thừa chính Sơn Tây. Ông Nguyễn Đăng Cẩm, (là em của Nguyễn Đăng Liên), đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất nên hiệu Vĩnh Thịnh thời Lê Dụ Tôn, 1718, sau làm quan đến chức Tế tửu Quốc Tử Giám, Triều liệt đại phu, khi mất được tặng Phó Đô Ngự sử. Còn Lê Hoàn Hạo (em của Lê Hoàn Viện), đỗ tiến sĩ khoa Đinh Mùi niên hiệu Bảo Thái đời Lê Dụ Tôn, 1727, làm quan đến chức Học sĩ, tước Gia Trạch bá. Ông Lê Danh Hiển, còn có tên là Lê Hoàn Hiển, đỗ tiến sĩ khoa Ất Tỵ niên hiệu Cảnh Hưng 46 đời Lê Hiển Tôn, 1785,làm quan Đề hình giám sát Ngự sử, rồi Đốc đồng Thanh Hoá. Sau, ông làm quan triều Tây Sơn đến chức Hữu Thị lang bộ lễ, tước gia bái hầu. Tiến sĩ thứ 9 của Bát Tràng là Vũ Văn Tuấn, tự Trạch Khanh, hiệu Bạch Sơn. Bát Tràng còn truyện kể về ông: Nhà nghèo quá, sách không có, phải đi mượn của bạn, không có dầu thắp đèn ban đêm học dưới ánh sáng que hương. Năm mười sáu tuổi, ông được thầy đưa ra Thăng Long học cùng con trai của thầy... Đến Ân khoa Quý Mão niên hiệu Thiệu trị thứ ba, 1843, ông đỗ tiến sĩ, rồi được bổ chức Hàn Lâm viện biên tu, sau đi làm tri phủ Hà Trung. Năm 1848 Vũ Văn Tuấn được bổ chức Thị Giảng, sung Sử quán toàn tu, hàm Thị độc. Năm 1853, ông làm Phó sứ sang nhà Thanh, làm đẹp mệnh vua, khi về được Vua Tự Đức ban cho 7 bài thơ Ngự chế. Đến 1857, ông được bổ án sát Hưng Hoá, hàm Thị giảng học sĩ. Hiện nay, ở đình Bát Tràng còn có bức hoành phi với bốn chữ đại tự: “Bạch thổ danh sơn” do ông cung tiến.





Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

Bát Tràng sơ lược


Bát Tràng sơ lược
Update: 07.04.2012

Battrang 360* – Bài giới thiệu sơ lược về Làng gốm Bát Tràng  (thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội)

Vị trí địa lý:

Bát Tràng là một xã gồm hai thôn đó là thôn Bát Tràng và thôn Giang Cao. Bát Tràng ngày nay thuộc Huyện Gia Lâm, Thủ đô Hà Nội. Vị trí địa lý của Bát Tràng nằm bên tả ngạn sông Hồng, phía bắc giáp xã Đông Dư, phía đông giáp xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm), phía tây giáp sông Hồng, phía nam giáp xã Kim Lan (huyện Gia Lâm) và xã Xuân Quan (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) .

Từ trung tâm Hà Nội có đường thuỷ và đường bộ đến Bát Tràng. Đường thủy từ bến Chương Dương hoặc bến Phà Đen, xuôi sông Hồng đến bến Bát Tràng. Đường bộ qua cầu Chương Dương (hay cầu Long Biên) rồi theo đê sông Hồng đến dốc Giang Cao rẽ xuống Bát Tràng (khoảng 15km) hoặc theo quốc lộ số 5 đến Trâu Quỳ rẽ về hướng tay phải theo đường liên huyện qua xã Đa Tốn đến Bát Tràng (khoảng hơn 20km).

Quá trình hình thành làng xã:

Theo sử biên niên có thể coi thế kỷ XIV-XV là thời gian hình thành làng gốm Bát Tràng. Nhưng theo những tư liệu thu thập được ở tại Bát Tràng thì làng gốm có thể ra đời sớm hơn. Theo những tư liệu dân gian, nghề gốm Bát Tràng đã có từ thời Lý, ngang với thời Bắc Tống nghĩa là trước năm 1127, khoảng đầu TK XII. Nghề gốm của Việt Nam xuất hiện từ rất sớm, vào giai đoạn cuối của văn hoá Hoà Bình đầu văn hoá Bắc Sơn cách ngày nay gần 1 vạn năm.

Năm 1010 với sự ra đời và phát triển của kinh thành Thăng Long, Hà Nội đã tác động mạnh đến hoạt động kinh tế của các làng xung quanh, trong đó có Làng Bát Tràng . Gần kinh thành lại nằm bên bờ sông Nhị (sông Hồng), Bát Tràng có vị trí và điều kiện giao thông thuận lợi để phát triển về công thương nghiệp. Đặc biệt vùng này có nhiều đất sét trắng, một nguồn nguyên liệu tốt để sản xuất đồ gốm.

Cuối thời Trần TK XIV và sang đời Lê TK XV, Bát Tràng từ một làng gốm bình thường đã trở thành một trung tâm gốm nổi tiếng được triều đình chọn cung cấp đồ cống phẩm cho nhà Minh, Trung Quốc.

Năm 1958 khi đào kênh Bắc Hưng Hải cắt qua phía nam làng Bát Tràng người ta đã tìm thấy dấu vết của làng Bát Tràng xưa nằm sâu dưới lòng đất đến 12-13m. Đó là những di tích nhà ở, sân gạch, và nhiều phế vật bằng gốm. Những công trình khai quật khảo cổ học trong tương lai có thể cho thấy rõ hơn bề dày lịch sử và những di tích của làng gốm Bát Tràng xưa đang bị chôn vùi trong lòng đất.

Các chặng đường phát triển:

Thế kỷ XV dưới triều Lê (1428-1527) và thế kỷ XVI dưới triều Mạc (1527-1592), gốm Bát Tràng phát đạt, sản phẩm gốm phong phú và được lưu thông rộng rãi.

Vào thế kỷ XVI-XVII, gốm Bát Tràng phát triển trong một bối cảnh kinh tế mới của đất nước và khu vực. Hoạt động mậu dịch hàng hải khu vực Đông Nam Á càng trở nên sôi động, lôi cuốn các nước trong khu vực vào hệ thống buôn bán châu Á và với thị trường thế giới đang hình thành.

Năm 1371 gốm Việt Nam mở rộng thị trường ở khu vực Đông Nam Á. Trong thời gian từ 1604-1634, gốm Việt Nam được nhập cảng vào Nhật, mở đầu cho thời kỳ xuất khẩu đồ gốm sang nước ngoài phát triển mạnh mẽ. Tk XV-XVII là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất gốm xuất khẩu Việt Nam, trong đó ở phía Bắc có hai trung tâm quan trọng và nổi tiếng là Bát Tràng và Chu Đậu (xã Thái Tân, huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Hưng).

Qua thuyền buôn Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á và các nước phương Tây, đồ gốm Việt Nam được bán sang Nhật và nhiều nước Đông Nam Á, Nam Á.
Từ cuối TK XVII, nhất là từ TK XVIII, việc xuất khẩu và buôn bán đồ gốm Việt Nam ở Đông Nam Á bị giảm sút, nguyên do là vì gốm sứ chất lượng cao của Trung Quốc tràn xuống thị trường Đông Nam Á.

Gốm Bát Tràng tuy có bị ảnh hưởng, nhưng vẫn giữ được sức sống bền bỉ nhờ có được thị trường tiêu thụ rộng rãi trong nước với những đồ gia dụng, đồ thờ, đồ trang trí và gạch xây dựng rất cần thiết cho mọi tầng lớp xã hội thời bấy giờ.

Thế kỷ XVIII-XIX, gốm Bát Tràng xuất khẩu giảm sút, nhưng làng gốm Bát Tràng vẫn là một trung tâm sản xuất gốm truyền thống có tiếng trong nước.

Làng gốm Bát Tràng ngày nay:

Trong thời Pháp thuộc, các lò gốm Bát Tràng tuy bị một số xí nghiệp gốm sứ và hàng ngoại nhập cạnh tranh, nhưng vẫn duy trì được hoạt động bình thường. Sau chiến tranh 1945-1954 kết thúc, tại Bát Tràng thành lập Xí nghiệp gốm Bát Tràng (1958) với 1250 công nhân, Xí nghiệp X51, X54 (1988) cùng các hợp tác xã và Liên hiệp gốm sứ (1984). Bát Tràng đào tạo được hàng trăm thợ gốm trẻ cung cấp cho các lò gốm mới mở ở các tỉnh.

Từ sau năm 1986 gốm Bát Tràng có nhiều chuyển biến, các hợp tác xã lần lượt giải thể hoặc chuyển thành công ty cổ phần. Hiện nay Bát Tràng có 7 công ty TNHH, một số tổ sản xuất. Ngày nay cả xã Bát Tràng (gồm 2 thôn Bát Tràng và Giang Cao) trở thành một trung tâm gốm lớn, cả xã có 1221 hộ chuyên làm gốm và dịch vụ, trong đó thôn Bát Tràng có 2700 người với 570 hộ, tất cả đều làm nghề gốm.

Ngoài các mặt hàng truyền thống, Bát Tràng còn sản xuất nhiều sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước như các loại ấm chén, bát đĩa, lọ hoa…và các sản phẩm xuất khẩu theo đơn đặt hàng của nước ngoài. Trong vài năm trở lại đây, hoạt động của làng gốm Bát Tràng trở nên sôi động. Sản phẩm gốm Bát Tràng không dừng lại ở trong nước mà đã theo chân các thương gia đến các nơi trên thế giới.

Đời sống Văn hoá:

Bát Tràng còn có nhiều đình làng, chùa, đền, miếu. Hàng năm, lễ hội làng Bát Tràng tổ chức vào ngày 15 tháng 2 âm lịch và thường kéo dài trong 7 ngày. Tiêu biểu nhất là lễ hội Rước nước. Tại Bát Tràng, dòng họ đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá và tín ngưỡng của dân làng, trong đó họ Nguyễn Ninh Tràng là họ bản địa lâu đời nhất, được cả làng tôn trọng.

Bát Tràng là một làng gốm lâu đời, nổi tiếng và cũng là một làng có nhiều truyền thống văn hoá vừa mang những sắc thái cộng đồng chung của các làng xã vùng đồng bằng Bắc Bộ, vừa phản ánh những nét đặc thù của nghề gốm.

Nguồn website công ty Nam Việt
Gia Thanh (sưu tầm)

Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Bát Tràng: Lối sống và Phong tục


Bát Tràng: Lối sống & phong tục
Update: 05.04.2012

Battrang 360*Bát Tràng  khi chưa sát nhập với Giang Cao, chỉ thuần có sản xuất đồ gốm. Vì đất đai chật hẹp nên người dân Bát Tràng phải tận dụng để làm nhà ở và dựng lò gốm. Nằm ở ngoài đê ngay bên mé nước Sông Hồng , cho nên Bát Tràng đã trải qua nhiều phen thay đổi. Mỗi lần con nước dâng to thì phù sa bồi đắp cho Bát Tràng một lớp đất màu mỡ. Thế nhưng, mỗi khi dòng chảy đổi thay thì nó cuốn theo bao nhiêu roi bãi, cửa nhà.

Năm 1958, khi tiến hành xây dựng công trình Đại thuỷ nông Bắc – Hưng – Hải, người ta đã phát hiện dấu tích của bể nước, sân gạch, lò gốm chìm sâu dưới lòng đất 12 – 13 mét.

Nếu tới Bát Tràng giờ đây, ta sẽ thấy nhà gạch san sát, đường ngõ ngoắt ngoéo và chật hẹp. Tường bao quanh nhà rất cao, trên có gắn nhiều mảnh gốm vỡ, gạch vuông to... tựa như những pháo đài phòng thủ kiên cố. Nhìn kỹ từ mặt đường và tường nhà thì thấy đường ngõ đã leo lên tới nóc của các nhà cũ. Vì đất đai chật hẹp như thế nên người Bát Tràng đã có câu “sống ở chật, chết chôn nhờ” (cho tới nay, xã Bát Tràng vẫn có một nghĩa trang nhờ trên đất thôn Thuận Tốn, xã Đa Tốn). Như đã từng giới thiệu, ngoài nghề gốm truyền thống nổi tiếng, Bát Tràng còn là một làng quê phát đạt về khoa cử và buôn bán. Có thể nói, Bát Tràng  là đất của quận công, tiến sỹ chẳng kém gì Đông Ngạc  huyện Từ Liêm. Bài Đình ký có câu rằng:

Làng nhà đương lắm quân hàm
Văn võ triều quý kể phàm bảy ông
Phủ hiệu, châu huyện cũng đông
Nho sinh phó sở hợp đồng non trăm.

Địa thế làng Bát Tràng  rất đẹp, cho nên nhà thơ Nguyễn Huy Tự đã từng ca ngợi:

Cận lợi bất trí tang giá khổ
Phong lưu chiếm đắc thị thành xa
(Nghĩa là: Buôn bán giàu có nên chẳng theo nghề trồng cây vất vả - Phong lưu đạt đến độ của thị thành xa hoa.)

Là một làng nghề đồng thời là một làng văn học cho nên người đàn ông Bát Tràng sống rất hào hoa còn phụ nữ thì đảm đang tháo vát. Trong cuộc sống lao động và sản xuất, người đàn ông là chính và họ rất chú ý cải tiến, sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới độc đáo, còn các việc trong nhà đều do người phụ nữ quán xuyến. Thế nhưng, trên nhiều sản phẩm gốm men của Bát Tràng thế kỷ XVI – XVII (chân đèn, lư hương) hiện còn được lưu trữ, trưng bày ở các bảo tàng trong nước, bên cạnh các tác giả nam như Đỗ Xuân Vi, Hoàng Ngưu, Nguyễn Phong Lai, Bùi Nghĩa, Bùi Huệ, Bùi Hác, Bùi Đào, Đỗ Phủ, Phạm Lương, Vũ Xuân... ta còn thấy các tác giả nữ như Bùi Thị Đỗ, Lê Thị Ngọc...

Ở Bát Tràng xưa kia hẳn không thiếu những bà mẹ, người vợ cả đời làm lụng vất vả với nghề gốm để nuôi chồng con học hành, đỗ đạt, làm rạng rỡ cho gia đình, làng nước. Phải chăng vì thế mà phong dao Kinh Bắc có câu:

“Sống muốn được làm trai Bát Tràng...”

Do mọi việc trong gia đình có người phụ nữ lo toan gánh vác nên trai Bát Tràng:

“Bé thì cơm mẹ cơm cha
Những những cơm vợ, về già cơm con”

(“Những những” – từ cổ: Tuổi trung niên từ 45 – 59) hay “Đàn ông đá gà, đàn bà nuôi con”. Có lẽ vì được sống trong cảnh nhà như thế nên ở Bát Tràng có người do thiếu tự chủ mà sa vào con đường nghiện ngập.

Những đặc điểm trên tạo cho người Bát Tràng có những tập tục, sinh hoạt văn hoá riêng.

Nguồn: Quê gốm Bát Tràng – Đỗ Thị Hảo.
Gia Thanh (Sưu tầm)

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Bản minh văn trên chuông đình làng Bát Tràng

Ông Nguyễn Văn Hương (dòng họ Nguyễn Ninh Tràng) bên chiếc chuông tại Đình làng Bát Tràng

BÁT TRÀNG HƯƠNG CHUNG
鉢場鄉鐘

Battrang 360* Bản minh trên chuông tại Đình làng Bát Tràng. Lời minh bằng chữ Nôm và chữ Quốc ngữ do Giáo sư AHLĐ Vũ Khiêu và Phạm Hoàng Tùng lược dịch:

BÁT
Kể từ thuở:
Vượt sóng Hồng Hà
Dựng phường Bạch Thổ
Mở mang gạch gốm nghề xưa
Theo đuổi bút nghiên nếp cũ
Ơn thành hoàng sáu vị chở che
Đời dân chúng một vùng trù phú.
自從:
渡紅河波
起白土坊
繼續磁器舊業
接著筆硯傳統
陸位城隍之恩
民眾一帶富有
Phiên âm:
Bát
Tự tòng:
Độ Hồng Hà ba
Khởi Bạch Thổ phường
Kế tục từ khí cựu nghiệp
Tiếp trợ bút nghiên truyền thống
Lục vị thành hoàng chi ân
Dân chúng nhất đới phú hữu.

TRÀNG
Ngày hôm nay:
Trời Bát Tràng bát ngát mây xanh
Bến Nhị Thuỷ dạt dào sóng đỏ
Đúc chuông đồng một quả kính dâng
Mong bệ ngọc chín tầng thấu tỏ
Tấc dạ chân thành
Muôn phần ngưỡng mộ.
今天:
鉢場天闊大青雲
二水港繁忙紅波
煉銅鐘一座敬上
願璧玉九層理解
真誠之心
萬份羨慕
Phiên âm:
Tràng
Kim thiên:
Bát Tràng thiên khoát đại thanh vân
Nhị Thuỷ cảng phồn mang hồng ba
Luyện đồng chung nhất toà kính thượng
Nguyện bệ ngọc cửu tầng lý giải
Chân thành chi tâm
Vạn phần ngưỡng mộ.

HƯƠNG
Rồi đây nữa:
Chuông vang xa: Đức lớn thần linh
Chuông vọng lại: Hồn thiêng kim cổ
Chuông reo khắp chốn gia hương
Chuông đến tận người biệt xứ:
Hướng nẻo văn minh
Mở đường tiến bộ
就這樣:
聲音遠出:神明大德
聲音回來:今古之靈
鐘聲來家鄉各處
鐘聲到遠處之人
面向文明
起開進步
Phiên âm:
Hương
Tựu giá dạng:
Thanh âm viễn xuất: Thần minh đại đức
Thanh âm hồi lai: Kim cổ chi linh
Chung thanh lai gia hương các xứ
Chung thanh đáo viễn xứ chi nhân
Diện hướng văn minh
Khởi khai tiến bộ

CHUÔNG
Vẻ vang thay:
Gốm Bát Tràng mỹ lệ cao siêu
Dân Bát Tràng thông minh tài tú
Nghìn năm thắng lợi vẻ vang
Muôn dặm thành công rực rỡ.
真自豪:
鉢場瓷美麗高超
鉢場人才秀聰明
千年勝利光榮
萬里成功燦爛
Phiên âm:
Chung
Chân tự hào:
Bát Tràng từ mĩ lệ cao siêu
Bát Tràng nhân tài tú thông minh
Thiên niên thắng lợi quang vinh
Vạn lý thành công sán lạn.

越南語:武跳教授勞動英雄
Lời việt: Giáo sư – Anh hùng Lao động Vũ Khiêu
中文翻譯:嘉青 - 范黃松
Dịch tiếng Trung: Gia Thanh - Phạm Hoàng Tùng




Tra cứu nội dung Blog Battrang 360*