Làng Gốm Bát Tràng

Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

Bát Tràng sơ lược


Bát Tràng sơ lược
Update: 07.04.2012

Battrang 360* – Bài giới thiệu sơ lược về Làng gốm Bát Tràng  (thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội)

Vị trí địa lý:

Bát Tràng là một xã gồm hai thôn đó là thôn Bát Tràng và thôn Giang Cao. Bát Tràng ngày nay thuộc Huyện Gia Lâm, Thủ đô Hà Nội. Vị trí địa lý của Bát Tràng nằm bên tả ngạn sông Hồng, phía bắc giáp xã Đông Dư, phía đông giáp xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm), phía tây giáp sông Hồng, phía nam giáp xã Kim Lan (huyện Gia Lâm) và xã Xuân Quan (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) .

Từ trung tâm Hà Nội có đường thuỷ và đường bộ đến Bát Tràng. Đường thủy từ bến Chương Dương hoặc bến Phà Đen, xuôi sông Hồng đến bến Bát Tràng. Đường bộ qua cầu Chương Dương (hay cầu Long Biên) rồi theo đê sông Hồng đến dốc Giang Cao rẽ xuống Bát Tràng (khoảng 15km) hoặc theo quốc lộ số 5 đến Trâu Quỳ rẽ về hướng tay phải theo đường liên huyện qua xã Đa Tốn đến Bát Tràng (khoảng hơn 20km).

Quá trình hình thành làng xã:

Theo sử biên niên có thể coi thế kỷ XIV-XV là thời gian hình thành làng gốm Bát Tràng. Nhưng theo những tư liệu thu thập được ở tại Bát Tràng thì làng gốm có thể ra đời sớm hơn. Theo những tư liệu dân gian, nghề gốm Bát Tràng đã có từ thời Lý, ngang với thời Bắc Tống nghĩa là trước năm 1127, khoảng đầu TK XII. Nghề gốm của Việt Nam xuất hiện từ rất sớm, vào giai đoạn cuối của văn hoá Hoà Bình đầu văn hoá Bắc Sơn cách ngày nay gần 1 vạn năm.

Năm 1010 với sự ra đời và phát triển của kinh thành Thăng Long, Hà Nội đã tác động mạnh đến hoạt động kinh tế của các làng xung quanh, trong đó có Làng Bát Tràng . Gần kinh thành lại nằm bên bờ sông Nhị (sông Hồng), Bát Tràng có vị trí và điều kiện giao thông thuận lợi để phát triển về công thương nghiệp. Đặc biệt vùng này có nhiều đất sét trắng, một nguồn nguyên liệu tốt để sản xuất đồ gốm.

Cuối thời Trần TK XIV và sang đời Lê TK XV, Bát Tràng từ một làng gốm bình thường đã trở thành một trung tâm gốm nổi tiếng được triều đình chọn cung cấp đồ cống phẩm cho nhà Minh, Trung Quốc.

Năm 1958 khi đào kênh Bắc Hưng Hải cắt qua phía nam làng Bát Tràng người ta đã tìm thấy dấu vết của làng Bát Tràng xưa nằm sâu dưới lòng đất đến 12-13m. Đó là những di tích nhà ở, sân gạch, và nhiều phế vật bằng gốm. Những công trình khai quật khảo cổ học trong tương lai có thể cho thấy rõ hơn bề dày lịch sử và những di tích của làng gốm Bát Tràng xưa đang bị chôn vùi trong lòng đất.

Các chặng đường phát triển:

Thế kỷ XV dưới triều Lê (1428-1527) và thế kỷ XVI dưới triều Mạc (1527-1592), gốm Bát Tràng phát đạt, sản phẩm gốm phong phú và được lưu thông rộng rãi.

Vào thế kỷ XVI-XVII, gốm Bát Tràng phát triển trong một bối cảnh kinh tế mới của đất nước và khu vực. Hoạt động mậu dịch hàng hải khu vực Đông Nam Á càng trở nên sôi động, lôi cuốn các nước trong khu vực vào hệ thống buôn bán châu Á và với thị trường thế giới đang hình thành.

Năm 1371 gốm Việt Nam mở rộng thị trường ở khu vực Đông Nam Á. Trong thời gian từ 1604-1634, gốm Việt Nam được nhập cảng vào Nhật, mở đầu cho thời kỳ xuất khẩu đồ gốm sang nước ngoài phát triển mạnh mẽ. Tk XV-XVII là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất gốm xuất khẩu Việt Nam, trong đó ở phía Bắc có hai trung tâm quan trọng và nổi tiếng là Bát Tràng và Chu Đậu (xã Thái Tân, huyện Nam Thanh, tỉnh Hải Hưng).

Qua thuyền buôn Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á và các nước phương Tây, đồ gốm Việt Nam được bán sang Nhật và nhiều nước Đông Nam Á, Nam Á.
Từ cuối TK XVII, nhất là từ TK XVIII, việc xuất khẩu và buôn bán đồ gốm Việt Nam ở Đông Nam Á bị giảm sút, nguyên do là vì gốm sứ chất lượng cao của Trung Quốc tràn xuống thị trường Đông Nam Á.

Gốm Bát Tràng tuy có bị ảnh hưởng, nhưng vẫn giữ được sức sống bền bỉ nhờ có được thị trường tiêu thụ rộng rãi trong nước với những đồ gia dụng, đồ thờ, đồ trang trí và gạch xây dựng rất cần thiết cho mọi tầng lớp xã hội thời bấy giờ.

Thế kỷ XVIII-XIX, gốm Bát Tràng xuất khẩu giảm sút, nhưng làng gốm Bát Tràng vẫn là một trung tâm sản xuất gốm truyền thống có tiếng trong nước.

Làng gốm Bát Tràng ngày nay:

Trong thời Pháp thuộc, các lò gốm Bát Tràng tuy bị một số xí nghiệp gốm sứ và hàng ngoại nhập cạnh tranh, nhưng vẫn duy trì được hoạt động bình thường. Sau chiến tranh 1945-1954 kết thúc, tại Bát Tràng thành lập Xí nghiệp gốm Bát Tràng (1958) với 1250 công nhân, Xí nghiệp X51, X54 (1988) cùng các hợp tác xã và Liên hiệp gốm sứ (1984). Bát Tràng đào tạo được hàng trăm thợ gốm trẻ cung cấp cho các lò gốm mới mở ở các tỉnh.

Từ sau năm 1986 gốm Bát Tràng có nhiều chuyển biến, các hợp tác xã lần lượt giải thể hoặc chuyển thành công ty cổ phần. Hiện nay Bát Tràng có 7 công ty TNHH, một số tổ sản xuất. Ngày nay cả xã Bát Tràng (gồm 2 thôn Bát Tràng và Giang Cao) trở thành một trung tâm gốm lớn, cả xã có 1221 hộ chuyên làm gốm và dịch vụ, trong đó thôn Bát Tràng có 2700 người với 570 hộ, tất cả đều làm nghề gốm.

Ngoài các mặt hàng truyền thống, Bát Tràng còn sản xuất nhiều sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước như các loại ấm chén, bát đĩa, lọ hoa…và các sản phẩm xuất khẩu theo đơn đặt hàng của nước ngoài. Trong vài năm trở lại đây, hoạt động của làng gốm Bát Tràng trở nên sôi động. Sản phẩm gốm Bát Tràng không dừng lại ở trong nước mà đã theo chân các thương gia đến các nơi trên thế giới.

Đời sống Văn hoá:

Bát Tràng còn có nhiều đình làng, chùa, đền, miếu. Hàng năm, lễ hội làng Bát Tràng tổ chức vào ngày 15 tháng 2 âm lịch và thường kéo dài trong 7 ngày. Tiêu biểu nhất là lễ hội Rước nước. Tại Bát Tràng, dòng họ đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hoá và tín ngưỡng của dân làng, trong đó họ Nguyễn Ninh Tràng là họ bản địa lâu đời nhất, được cả làng tôn trọng.

Bát Tràng là một làng gốm lâu đời, nổi tiếng và cũng là một làng có nhiều truyền thống văn hoá vừa mang những sắc thái cộng đồng chung của các làng xã vùng đồng bằng Bắc Bộ, vừa phản ánh những nét đặc thù của nghề gốm.

Nguồn website công ty Nam Việt
Gia Thanh (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Tra cứu nội dung Blog Battrang 360*