Làng Gốm Bát Tràng

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

Bát Tràng làng gốm làng khoa bảng





Chỉ có nghề gốm và nghề buôn, không có ruộng, đất rất chật, nhưng Bát Tràng cũng như mọi làng Việt Nam xưa, vẫn có một quần thể cơ sở để thờ phụng, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng: Đình, Văn chỉ, Hào chỉ, Chùa, Miếu, tất cả đều khá khang trang. Đình Bát Tràng được tạo dựng từ rất xưa, đến năm Canh Tý niên hiệu Bảo Thái (1720) thì được xây dựng lại với quy mô đồ sộ. Hiện tại đình còn lưu giữ 44 đạo sắc phong từ các đời Lê, Tây Sơn, Nguyễn. Văn chỉ Bát Tràng được dựng sau đình, có lợp mái (theo sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính thì, nơi thờ Khổng Tử và các vị tiên nho nếu để lộ thiên thì gọi là Văn chỉ, nếu lợp mái thì gọi là Văn từ, song dân ở địa phương vẫn gọi là Văn chỉ dù được lợp mái). Trên tam quan Văn chỉ có bức đại tự: “Ngưỡng di cao” (trông lên vời vợi), là câu trích từ sách Luận ngữ của Khổng Tử, ca ngợi đạo đức và học vấn của Thánh nho. Văn chỉ Bát Tràng có kiến trúc chữ nhị, mỗi toà 5 gian, hậu cung có bệ thờ Khổng Tử và các bậc hiền triết. Xưa kia, thường ngày Văn chỉ được dùng làm trường học. Trừ dịp xuân tế và thu tế , đây là Hội tư văn bàn việc học hành, biểu dương người thành đạt, bình thơ và trang trọng đọc tên 364 vị tiên nho của làng được thêu trên hai bức trướng bằng vóc. Văn chỉ Bát Tràng còn là nơi sơ khảo học trò của làng trước khi họ đi thi. Riêng làng Bát Tràng có Hào chỉ, nơi sinh hoạt của các vị không phải là quan viên Tư văn nhưng đang tham gia điều hành việc làng. Bát Tràng là làng quê trọng văn học, trọng người đỗ đạt, những người giầu có, quyền chức mà kém chữ không được vào hội Tư văn và không được sinh hoạt trong Văn chỉ. Bởi thế, Bát Tràng có thêm Hào Chỉ! Hào chỉ xưa xây cùng khu, cùng hướng với đình Bát Tràng, là nơi thờ Sĩ Vương (tức Sĩ Nhiếp, Thái thú Giao chỉ cuối thế kỷ II), hàng năm tổ chức xuân tế và thu tế. Bát Tràng có Chùa Kim Trúc, còn gọi là chùa Kim Trúc, thật cổ kính, có 74 cột đều làm bằng đá vuông vức mỗi bề 20 centimet, bốn mặt cột đều chạm những câu đối tinh xảo với nội dung ca ngợi đạo Phật, răn dạy con người làm việc thiện, tránh điều ác. Chùa còn giữ được quả chuông Bảo minh tự chung, bài minh do Tiến sĩ Lê Hoàn Hiển soạn, ghi tên những người hưng công đúc chuông. Làng còn có miếu Hương Hiền, thờ những người nhân nghĩa. Người được thờ ở miếu gần đây nhất, vào thời kỳ trước năm 1945, là một thiếu niên mới 15 tuổi đã nhảy xuống sông cứu người bị đắm thuyền…

Không chỉ là một làng gốm nổi tiếng trong lịch sử và nghề buôn nổi danh tứ xứ, Bát Tràng còn là một làng khoa bảng tiêu biểu của Thăng Long. Người Bát Tràng rất tự hào về Giáp Hải, Trạng nguyên khoa Mậu tuất niên hiệu Đại chính, đời Mạc Đăng Doanh, 1538. Làng còn lưu truyền câu chuyện: Bố Giáp Hải người Bát Tràng, mẹ là người làng Đan Nhiễm liền kề Bát Tràng. Người bố mất sớm, mẹ ông ở vậy nuôi con. Năm Giáp Hải hai tuổi, bị một lái buôn ở làng Dĩnh Kế (nay là xã Dĩnh Kế, ngoại thị Bắc Giang) bắt cóc, nuôi cho ăn học, lớn lên đỗ Trạng nguyên. Trong tâm thức người Bát Tràng, Giáp Hải  là người khai khoa cho quê hương! Tiếp theo là Vương Thì Trung, hiệu là Chất Trai, đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu niên hiệu Hưng Trị đời Mạc Mậu Hợp, 1589. Ông làm tới chức Hình khoa Đô cấp sự trung, tước Thuyên Lâm hầu. Tiếp nữa là Trần Thiện Thuật, tự là Trung Mẫn, Tiến sĩ khoa Quý Hợi niên hiệu Chính Hoà đời Lê Hy Tôn, 1683. Ông làm quan nhà Lê đến chức sát sứ. Ông Nguyễn Đăng Liên đỗ tiến sĩ khoa Bính Tuất niên hiệu Vĩnh Thịnh đời Lê Dụ Tôn, 1706; sau làm quan đến chức Tự Khanh, khi mất được tặng Hàn lâm viện thị độc. Người nữa, là Lê Hoàn Viện, đỗ tiến sĩ khoa Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh đời Lê Dụ Tôn, 1715, ông làm quan đến chức Thừa chính Sơn Tây. Ông Nguyễn Đăng Cẩm, (là em của Nguyễn Đăng Liên), đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất nên hiệu Vĩnh Thịnh thời Lê Dụ Tôn, 1718, sau làm quan đến chức Tế tửu Quốc Tử Giám, Triều liệt đại phu, khi mất được tặng Phó Đô Ngự sử. Còn Lê Hoàn Hạo (em của Lê Hoàn Viện), đỗ tiến sĩ khoa Đinh Mùi niên hiệu Bảo Thái đời Lê Dụ Tôn, 1727, làm quan đến chức Học sĩ, tước Gia Trạch bá. Ông Lê Danh Hiển, còn có tên là Lê Hoàn Hiển, đỗ tiến sĩ khoa Ất Tỵ niên hiệu Cảnh Hưng 46 đời Lê Hiển Tôn, 1785,làm quan Đề hình giám sát Ngự sử, rồi Đốc đồng Thanh Hoá. Sau, ông làm quan triều Tây Sơn đến chức Hữu Thị lang bộ lễ, tước gia bái hầu. Tiến sĩ thứ 9 của Bát Tràng là Vũ Văn Tuấn, tự Trạch Khanh, hiệu Bạch Sơn. Bát Tràng còn truyện kể về ông: Nhà nghèo quá, sách không có, phải đi mượn của bạn, không có dầu thắp đèn ban đêm học dưới ánh sáng que hương. Năm mười sáu tuổi, ông được thầy đưa ra Thăng Long học cùng con trai của thầy... Đến Ân khoa Quý Mão niên hiệu Thiệu trị thứ ba, 1843, ông đỗ tiến sĩ, rồi được bổ chức Hàn Lâm viện biên tu, sau đi làm tri phủ Hà Trung. Năm 1848 Vũ Văn Tuấn được bổ chức Thị Giảng, sung Sử quán toàn tu, hàm Thị độc. Năm 1853, ông làm Phó sứ sang nhà Thanh, làm đẹp mệnh vua, khi về được Vua Tự Đức ban cho 7 bài thơ Ngự chế. Đến 1857, ông được bổ án sát Hưng Hoá, hàm Thị giảng học sĩ. Hiện nay, ở đình Bát Tràng còn có bức hoành phi với bốn chữ đại tự: “Bạch thổ danh sơn” do ông cung tiến.





Không có nhận xét nào:

Tra cứu nội dung Blog Battrang 360*