Làng Gốm Bát Tràng

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2009

Tên gọi “XÃ BÁT TRÀNG”


Tên gọi “XÃ BÁT TRÀNG”

(Cập nhật: 23h50, 14.11.2009, GMT: +7)


Blog Battrang 360* - Cổ xưa nhất kể từ khi xuất hiện trong Thư tịch cổ (Dư địa chí của Nguyễn Trãi), minh văn trên gốm sứ, văn bia… cho tới trước năm 1945 “XÃ BÁT TRÀNG” là tên gọi dùng riêng để chỉ THÔN BÁT TRÀNG, XÃ BÁT TRÀNG ngày nay (tức làng gốm cổ truyền Bát Tràng).
Thôn Bát Tràng xã Bát Tràng ngày nay = Xã Bát Tràng, tổng Đông Dư, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An (sau là phủ Thuận Thành), tỉnh Bắc Ninh.
Thôn Giang Cao xã Bát Tràng ngày nay = Xã Đống Cao, tổng Đa Tốn, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An (sau là phủ Thuận Thành), tỉnh Bắc Ninh.
Năm 1948, xã Bát Tràng, xã Giang Cao và xã Kim Lan sát nhập thành một xã có tên gọi “xã Quang Minh”
Năm 1964, sau khi Kim Lan tách khỏi xã Quang Minh, “Xã Quang Minh được đổi tên thành “Xã Bát Tràng”. Và cũng kể từ đó tới nay, “XÃ BÁT TRÀNG” gồm: Thôn Bát Tràng (làng cổ Bát Tràng) và Thôn Giang Cao (làng Giang Cao).
Vị trí địa lý: “XÃ BÁT TRÀNG” nằm ở Tả ngạn sông Hồng, cách trung tâm thành phố Hà Nội 10km. Phía Đông xã Bát Tràng giáp xã Đa Tốn, phía Tây giáp sông Hồng, phía Nam giáp sông Bắc Hưng Hải và xã Xuân Quan (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), phía Bắc giáp xã Đông Dư.
Diện tích tự nhiên: 164 ha (thôn Bát Tràng chiếm 1/3 tổng diện tích tự nhiên của toàn xã).
Dân số: 7200 hộ (con số thống kê năm 2003). Trong đó dân số làng Bát Tràng khoảng hơn 2000 hộ.
Cấp hành chính: “XÃ BÁT TRÀNG” có 2 thôn, 11 xóm, 2 trường học và 3 chợ. Trong đó:
*Thôn Bát Tràng (làng cổ Bát Tràng) có 5 xóm. Tên gọi lần lượt của các xóm là xóm 1, xóm 2, xóm 3, xóm 4, xóm 5. Trong đó, xóm 1 và xóm 2 là khu vực làng cổ được Nhà nước quy hoạch, bảo tồn và là nơi được lựa chọn đặt cảng du lịch Văn hóa làng Bát Tràng. 2 chợ tại thôn Bát Tràng gồm chợ Sáng (phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân) và chợ Gốm Làng cổ Bát Tràng (phục vụ nhu cầu thăm quan, du lịch, mua sắm, đầu mối bán buôn bán lẻ gốm sứ Bát Tràng đi khắp mọi miền đất nước và xuất khẩu)
*Thôn Giang Cao (làng Giang Cao) gồm 6 xóm, tên gọi lần lượt là xóm 1, xóm 2, xóm 3, xóm 4, xóm 5, xóm 6. Ủy ban nhân dân xã Bát Tràng, trường Tiểu học và THCS Bát Tràng, chợ Chiều đều nằm trên phần đất thôn Giang Cao.
Đường đến với “XÃ BÁT TRÀNG”
Đường bộ:
Cách 1:
Từ trung tâm thành phố Hà Nội qua cầu Chương Dương, rẽ tay phải dọc theo tuyến đê Long Biên Xuân Quan khoảng 10km, đến tấm biển xanh đề chữ “XÃ BÁT TRÀNG” (với nhiều hàng chữ bằng nhiều thứ tiếng) rẽ tay phải sẽ tới làng Giang Cao. Tới tấm biển đó không rẽ phải mà tiếp tục đi thẳng khoảng 500m, sẽ thấy tấm biển lớn viết duy nhất bằng tiếng Việt:
“LÀNG GỐM CỔ TRUYỀN BÁT TRÀNG
Kính chào quý khách”
(Như trong ảnh) rẽ tay phải đi sâu vào làng khoảng 100m chính là làng cổ Bát Tràng
Cách hai: Từ Quốc lộ 5 hướng Hà Nội – Hải Phòng, đến Bách hóa Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm, Hà Nội) rẽ tay phải qua Đại học Nông nghiệp I, xã Đa Tốn, đê Long Biên – Xuân Quan (khoảng 7km) sẽ tới “XÃ BÁT TRÀNG”
Cách ba: Nếu đi bằng phương tiện xe Bus, chờ xe tại chân cầu Long Biên bắt xe số 47, sau 40 phút sẽ có mặt tại chợ Gốm làng cổ Bát Tràng (thôn Bát Tràng)
Đường thủy: Từ bến Chương Dương Độ, tàu thủy dọc sông Hồng cập bến tại bến Đình Bát Tràng – Cảng du lịch Văn hóa làng cổ Bát Tràng (thôn Bát Tràng)


Gia Thanh

Không có nhận xét nào:

Tra cứu nội dung Blog Battrang 360*