Làng Gốm Bát Tràng

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2009

Cuốn hồi ký: ĐỜI TÔI (01)


Cuốn hồi ký: ĐỜI TÔI (01)
Tác giả: Vũ Văn Giần

(Cập nhật: 00h48, 15.11.2009, GMT: +7)




Blog Battrang 360* -

Lời giới thiệu: Không hoa mĩ, không trau chuốt trong từ ngữ đó là những hình ảnh rất thật, tâm sự rất thật về làng Bát Tràng của cụ Vũ Văn Giần. Mục đích viết hồi kí của cụ thật đơn giản: mong ước cho con cháu cụ hiểu và thêm yêu quý làng quê mình. Cuốn hồi kí “Đời tôi” này được viết vào năm 1969 tại Sài Gòn, sau 38 năm lặng lẽ nằm trên giá sách gia đình, tôi với tình yêu với làng gốm Bát Tràng và may mắn đã mượn được cuốn sách quý giá này. Xin được giới thiệu với bạn đọc một phần cuốn sách này.
Phần 1
Chương I
Làng tôi
Làng tôi là làng Bát Tràng, thuộc tổng Đông Dư, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Về cận lai, Gia lâm thành một tỉnh thì làng tôi thuộc tỉnh Gia Lâm. Làng tôi có một sắc thái riêng biệt, không giống một làng quê Việt Nam nào, chả thế mà trong phong dao, tục ngữ có nhiều câu như:
Sống làm trai Bát Tràng, Chết làm thành hoàng Kiêu Kị.
Bát Tràng làm bát, kiêu kị dát vàng
Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây
Xây dọc rồi lại xây ngang
xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân
..v..v.v..
Một làng có nhiều câu ca dao tục ngữ nói đến như vậy thì dĩ nhiên nó phải có những gì là đặc biệt.
Lịch sử và địa dư:
Làng tôi ở về tả ngạn sông Hồng Hà, nếu tính theo đường chim bay thì cách thành phố Hà Nội về phía Đông Nam độ năm hay sáu cây số. Đi bộ từ làng tôi ra Hà Nội thì phải đi học theo con đê ở bên tả ngạn sông Hồng Hà, đi ngược lên đến làng Lâm Du rồi qua cầu Long Biên là đến Hà Nội, đi đường bộ này mất khoảng mươi cây số. Nếu đi đường thuỷ thì chỉ ra ngay bên sông làng tôi, đáp đò dọc hay tầu thuỷ đi ngược ngay là đến bến sông Hà Nội.
Nhìn toàn thể làng tôi có cái hình hơi giống vỏ một con trai, cũng có người cho là gíống hình con cá nằm liền ngay bờ sông Hồng Hà. Mặt tây làng tôi là sông Hồng Hà. Còn ba mặt Bắc, Đông, Nam, lại có một con lạch, ngăn cách với các làng tiếp giáp, còn gọi là Long Đàm, hay Long Nhỡn vì vậy nhìn một cách tổng thể làng tôi như nằm riêng biệt trên một cù lao.
Về ranh giới phía Bắc làng tôi giáp làng Đông Dư, phía Nam giáp làng Kim Quan, Phía đông giáp làng Giang Cao, phía Tây là sông Hồng Hà. Ngày xưa con lạch Long Đàn, hai đầu đều thông ra sông Cái ( Hồng Hà) nên từ làng tôi đi sang các làng tiếp giáp phải qua hai cái cầu xây, dưới là cái cống. Vì sau vì đất bổi lên nên cửa con lạch về Phía Nam bị lấp dần dần, thành ra phần đất làng tôi giáp làng Kim Quan thành ra liền , cái cầu vẫn còn nhưng phía thông ra sông đã lấp kín.
Theo danh giới địa dư trong địa bạ phía Bắc làng tôi giáp với làng Đông Dư Nhưng phần đất về phía này đã bị lởi vì dòng nước sông Hồng chảy xói nên trong thực tại phía Bắc làng tôi giáp với làng Giang cao. Diện tích làng tôi khi xưa rộng khoảng 100 mẫu nhưng phần phía Bắc và phía Tây bị luồng nước sông Hồng xói lở. Khi tôi đã lớn thì diện tích làng đo đạc lại thì diện tích làng tôi chỉ độ 50 mẫu mà thôi.
Với diện tích đất đai nhỏ hẹp như vậy dân số lại đông nhà cửa san sát nên đường đi không được rộng rãi. Đất đã hẹp cơ sở phụng tự thường to lớn, cơ sở công nghiệp cũng nhiều thành thử phần đất để xây cất nhà cửa đã nhỏ hẹp lại càng thêm hẹp, nên có một ngôi nhà trong làng lại có giá trị.
Phần 2:
Khi xưa làng tôi không ở nơi hiện tại, tổ tích của tiền nhân khi xưa ở làng Bạch Bát (nay gọi là Bồ Bát) thuộc tỉnh Thanh Hoá nay thuộc huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình. Gia phả nhiều nhà ghi chép rằng vào đời hậu Lê tổ tiên chúng tôi là nhiều bậc đại thần trong triều , những buổi nhàn du ra ngoài đế đô thấy nơi đây phong thuỷ đẹp nên tâu với vua xin khu đất này đem gia đình tới ở. Cũng có nhiều gia phả chép rằng: Vào Triều nhà Lê tổ tiên chúng tôi chạy loạn nhà Mạc (từ quê hương làng Bạch Bát đi ngược dòng sông Hồng Hà về gần Thăng Long thấy thấy nơi đây có an- minh nên dừng lại và định cư ở đó.
Hai điểm tuy là dị biệt nhưng theo ý kiến tôi có thể cả hai điểm đều đúng. Về điểm thứ nhất các vị tổ tiên chúng tôi nếu không phải các bậc đại thần, thì dễ gì chiếm được khu đất hiện tại thuộc địa giới làng nào đó để đem người nhà và người làng đến ở, nếu không có sắc lệnh của nhà Vua.
Điểm thứ hai về phương diện tâm lý người Việt Nam mình có mấy ai dời nơi "chôn nhau cắt rốn" (cố hương) để đến nơi khác nếu không phải loạn lạc. Buổi ban đầu làng tôi chỉ gọi là Bát Tràng phường sau đổi thành Bát Tràng xã.
Trong gia phả các nhà đều ghi chép rằng khu đất thổ cư của làng tôi gồm có bẩy mươi hai (72) cái gò bạch thổ (nghĩa chữ bạch là trắng, chữ thổ là đất). Nhưng tôi suy luận ra rằng các cụ viết theo lối văn chương. Gọi bẩy hai cái gò hoang là bẩy hai gò bạch thổ. Chứ không phải bẩy hai gò đất trắng, vì khi tôi khôn lớn ra bờ sông nhìn vào phần đất bị lở cũng thấy đất có một mầu như ở nơi khác mà không thấy gì là bạch thổ cả.
Phần 3:
Các làng ở dọc hai bên bờ sông, diện tích và hình thể thường bị thay đổi, tuỳ theo thế nước chảy của dòng sông. Vì vậy ta mới có câu phong dao:
Khúc sông bên lở bên bồi
Bên lở thì đục bên bồi thì trong
Làng tôi ở ngay sát bờ sông nên cũng không thoát khỏi công lệ đó.
Khi tôi còn nhỏ, khúc sông Hồng Hà nằm ở phía trên làng tôi gồm địa phận làng Lâm Du, gần cầu Long Biên bị lở đe doạ cả khúc đê gần đó. Khi ấy cơ quan trị thuỷ phải tải đá đến đổ, xây kè để cho nước khỏi sói mòn, làm cho đất khỏi lở và chuyển thế dòng nước sang thế hữu ngạn. Trong thời gian này dòng sông Hồng Hà ở ngay trước mặt làng tôi. Trước chảy xiết nay trở nên hoà hoãn. Do sự hoà hoãn này mà phần đất trước mặt làng tôi không bị lở nữa, đất phù xa ở lòng sông được lắng xuống. Rồi mỗi ngày trồi cao lên, nên phía sông trước mặt được bồi cao lên . Thoạt tiên là một cồn cát lớn rồi sau mỗi mùa nước lớn, bãi cát được phủ lên một lớp đất phù xa. Lớp đất phù xa mỗi năm lại được phủ thêm dày mãi lên thành một cánh bãi có thể cày giồng rất tốt.
Cánh bãi ở trước mặt về phía tây làng tôi, được bồi lên bắt đầu từ phần nửa làng Đông Dư, qua một phần làng Giang Cao, chạy suốt chiều dọc làng tôi , rồi ở tận cùng ở một phần phía bắc làng Kim- Quan. Khi còn là một bãi cát không trồng trọt được thì không có sự tranh chấp giữa các làng có địa giới. Nhưng khi được đất phù sa phủ lên cao, trồng trọt tốt là có sự tranh chấp bắt đầu .
Làng tôi đâu phải là làng có nghề canh nông lại chuyên sống về công nghệ và thương mại, nên có cánh bãi ở trước làng, cũng chẳng có lợi lộc gì, chỉ thêm phí tổn cho việc vận chuyển, và thêm khó khăn cho việc giao thông, vì thuyền bè bị cạn khó cập bến.
Dĩ nhiên làng tôi không muốn bị lở mất đất, nhưng cũng chẳng ham muốn gì cánh bãi chướng ngại này. Có lẽ vì tự ái vì thể diện và cũng vì tinh thần bảo vệ ranh giới khi xưa, của tiền nhân để lại nên có cuộc tranh chấp về đất đai, giữa làng tôi với hai làng Đông Dư và Giang Cao, suýt xảy ra lưu huyết. May nhờ can thiệp của chính quyền đương thời, và sự hiểu biết của những người đứng đắn trong làng, nên sự phân chia ranh giới vùng được êm đẹp cả. Ba làng đều căn cứ vào " Địa bạ Gia Long" , rồi phân chia lại ranh giới trên bãi đất bồi, rồi cắm mốc, đắp đường để có một ranh giới rõ rệt và lâu dài. Sau chuyện này hoà khí giữa ba làng với nhau được trở lại vui vẻ như xưa.
... ... ...



Gia Thanh (Sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Tra cứu nội dung Blog Battrang 360*