Làng Gốm Bát Tràng

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

Đôi điều về sắc phong Vua ban cho Làng Gốm Bát Tràng

Ảnh: Sắc phong cho Thành Hoàng Làng Gốm Bát Tràng triều vua Đồng Khánh.

Đôi điều về Sắc phong các Thành Hoàng làng Bát Tràng
Đăng lần I: 08h40, 03.07.2008, GMT: +8
Đăng lại lần II: 20.07.2011

Blog Battrang 360* - Sau 60 năm xa quê, năm 2007, khi đã nghỉ hưu, tôi mới có dịp cùng vợ, con về ở tại làng 40 ngày , thăm họ hàng làng xóm, viếng phần mộ tổ tiên, tôn tạo lại nhà thờ của gia đình, dự lễ giỗ Tổ Họ, dự Hội Làng.
Tôi hết sức vui mừng khi thấy dù kinh tế đã phát đạt hơn xưa , nhưng làng Bát Tràng của chúng tôi vẫn giữ vẹn thuần phong, mĩ tục của một làng nghề truyền thống, một làng văn hiến tên tuổi của trấn Kinh Bắc lừng danh từ thời phong kiến xa xưa. Tôi không còn phải xót xa chứng kiến cảnh năm 1978 , do hậu quả của thiên tai, địch hoạ , Đình làng chỉ còn trơ hậu cung và cạnh Đình làng là đống gỗ ngổn ngang, lăn lóc , là những gì còn sót lại của một ngôi đình cổ hoàng tráng xa xưa. Tôi hết sức vui mừng khi thấy hôm nay với tâm huyết của dân làng, với tài tổ chức, lãnh đạo của các vị hữu trách, Làng đã có được một ngôi đình mới hoành tráng, khang trang mà trong Lễ khánh thành toà Đại bái vào tháng 12 năm 2006, dù Làng đã chuẩn bị 600 mâm, nhưng vẫn không đủ cỗ đãi khách. Tôi còn thấm thía biết bao khi đuợc biết làng đã chọn ông Nguyễn Văn Hương làm từ của đình làng, ông chính là hậu duệ của họ Nguyễn Ninh Tràng, dòng họ đã có mặt đầu tiên trên mảnh đất nay mang tên làng Bát Tràng cổ. Tôi hết sức tự hào khi được biết “linh hồn” của làng là 44 đạo Sắc phong của các vị vua triều Hậu Lê, triều Nguyễn Quang Trung, Nguyễn Gia Long phong tặng cho lục vị Thành hoàng của làng là Lưu Thiên Tử Đại Vương, Lã Đệ Tam Hoàng Thái Hậu Đại Vương, Bạch Mã Đại Vương, Phan Đại Tướng Quân Đại Vương, Hộ Quốc Đại Vương, Cai Minh Tự Đại Vương, dù trải qua bao dâu bể, vẫn được Làng bảo quản nguyên trạng.

Do đó, khi được ông Trưởng ban đại diện của Làng là Lê Văn Lợi, Trưởng ban khánh tiết của Làng là Trần Văn Kim, cùng ông Phạm Xuân Hoà đến nhà ngỏ lời , tôi đã không quản tài hèn, sức mọn, mạnh dạn nhận công tác mà Làng giao phó.

Thế rồi, sau khi đã làm lễ lục vị Thành Hoàng, chúng tôi gồm Nguyễn Văn Hương, Nguyễn Tiến Vị , Phạm Văn Hoà, Phạm Huy Thanh, Trần Thế Xương đã trực tiếp lo việc phiên âm, dịch nghĩa 44 đạo Sắc phong trên, với sự yểm trợ tích cực của các ông Lê Văn Lợi, Hà Văn Lâm, Phạm Huy Cải, Phạm Lâm Trúc, Trần Vĩnh Phát ,Trần Văn Kim, Trần Văn Việt , Vương Mạnh Tuấn ,Vương Quí Hiển … Thật là ý nghĩa. Nếu trước đây trên, dưới 600 năm, Tổ tiên các họ Nguyễn Ninh Tràng, Vương, Lê, Trần, Phạm, Nguyễn chúng tôi đã lập nên làng Bát Tràng cổ, đã khai khoa cho làng Bát Tràng , thì nay hậu duệ của các Cụ lại chung lưng, đấu cật phiên dịch Sắc phong Lục vị Thành hoàng của Làng.

Sau khi đã làm biên bản , Ông Nguyễn Văn Hương và các vị hữu trách, đã thỉnh các đạo Sắc phong từ két sắt ra trao tận tay cho chúng tôi. Tại đình làng, ngày ngày , chúng tôi đã trước hết lo sắp xếp các đạo Sắc phong theo tên từng vị Thành Hoàng, và theo ngày tháng từ xưa nhất đến gần đây nhất, rồi tôi thận trọng, chậm rãi đọc hai lần âm các đạo Sắc phong, để hai ông Phạm Huy Thanh, Nguyễn Tiến Vị cùng ghi chép và dò lại cẩn thận. Khi có chữ nào còn nghi ngờ về cách đọc âm ông Phạm Xuân Hoà đã kịp thời giúp chúng tôi tra cứu hết tự điển này đến tự điển khác. Sau đó, hằng đêm, vào lúc nửa khuya , khi thân, tâm thanh tịnh nhất, sau khi vào nhà thờ của gia đình, thắp hương khấn thân phụ tôi ( là Trần Thế Thụy, Tú tài Hán học hai khoa thi Hương 1909,1915, người đã dạy tôi chữ Hán từ năm 1942 đến năm 1947 ) rồi ra giữa sân nhà vọng về hướng đình làng, vái lạy Thành Hoàng làng, xin các Vị phù hộ, độ trì cho tôi chỉ qua bản phiên âm đang có được, dịch “ tín, đạt, nhã “ các đạo Sắc phong trên (vì đã là Sắc phong của Thành Hoàng làng thì không một ai được phép mang ra khỏi đình làng ).

Khi đã dịch xong , chúng tôi đã làm lễ bái tạ Thành Hoàng .. Sau đó , đáp lời mời của ông Phạm Văn Mai, nguyên Chủ tịch xã,chúng tôi hân hạnh được đón tiếp Tiến sĩ Nguyễn Việt , Giám đốc Trung tâm tiền sử học Đông Nam Á , Tiến sĩ Đinh Khắc Thuân Tạp chí Hán Nôm, Thạc sĩ Phạm văn Tuấn Phòng sưu tầm Viện Hán Nôm về tận đình làng , trong một buổi sáng, đọc lại phần phiên âm các đạo Sắc phong , để chúng tôi đối chiếu với phần phiên âm đã có được, cũng như trao đổi thêm về cách dịch .Sau đó, theo lời yêu cầu của tôi, với sự nhiệt tình giúp đỡ của các ông Nguyễn Văn Hương, Phạm Huy Cải, Phạm Xuân Hoà, nhất là của ông Phạm Lâm Trúc, chúng tôi đã có đuợc ảnh chụp kỹ thuật số ghi trên đĩa CD các đạo Sắc phong trên. Khi về tới Thành phố Hồ Chí Minh , con trai tôi là Trần Thế Hùng, cháu đích tôn của tôi là Trần Thế Anh Khoa đã dùng chương trình Photoshop chỉnh sửa lại hình ảnh các đạo Sắc phong , in ra đen trắng, con gái của em ruột là Trần Thị Bảo Châu đã in ra màu .Nhờ đó trước mắt tôi đã mới có hình ảnh nguyên bản các đạo Sác phong trên , cũng như có đủ thì giờ , sách vở tra cứu, hiệu đính , nhuận sắc lại bản dịch và đích thân tôi đánh máy lại bằng vi tính , lập Bảng thống kê, rút ra đôi điều về các đạo Sắc phong trên.

THỐNG KÊ 44 SẮC PHONG CỦA 6 VỊ THÀNH HOÀNG LÀNG BÁT TRÀNG

Sắc phong cho Lưu Thiên Tử Đại Vương Thượng Đẳng Thần vào các ngày:
Ngày 08/08 năm Cảnh Hưng thứ 28
Ngày 29/03 năm Quang Trung thứ 05
Ngày 04/12 năm Cảnh Thịnh thứ 01
Ngày 17/05 năm Bảo Hưng 02
Ngày 25/07 năm Khải Định thứ 02
Tổng: 05 đạo sắc phong.

Sắc phong cho Lã Đệ Tam Hoàng Thái Hậu Đại Vương Thượng Đẳng Thần vào các ngày:
Ngày 08/ 08 năm Cảnh Hưng thứ 28
Ngày 16/ 05 năm Cảnh Hưng thứ 44
Ngày 23/ 03 năm Chiêu Thống thứ 01
Ngày 29/ 03 năm Quang Trung thứ 05
Ngày 11/ 08 năm Duy Tân thứ 03
Ngày 18/ 03 năm Khải Định thứ 02
Ngày 25/ 07 năm Khải Định thứ 09
Tổng: 07 đạo sắc phong.

Sắc phong cho Bạch Mã Đại Vương Thượng Đẳng Thần vào các ngày:
Ngày 08/ 08 năm Cảnh Hưng thứ 28
Ngày 16/ 05 năm Cảnh Hưng thứ 44
Ngày 29/ 03 năm Quang Trung thứ 05
Ngày 15/ 11 năm Thiệu Trị thứ 06
Ngày 13/ 12 năm Thiệu Trị thứ 06
Ngày 20/ 12 năm Tự Đức thứ 03
Ngày 24/ 11 năm Tự Đức thứ 33
Ngày 01/ 07 năm Đồng Khánh thứ 02
Ngày 11/ 08 năm Duy Tân thứ 03
Ngày 25/ 07 năm Khải Định thứ 09
Tổng: 12 đạo sắc phong.

Sắc phong cho Phan Đại Tướng Quân Đại Vương Thượng Đẳng Thần vào các ngày:
Ngày 08/ 08 năm Cảnh Hưng thứ 28
Ngày 16/ 05 năm Cảnh Hưng thứ 44
Ngày 29/ 03 năm Quang Trung thứ 05
Ngày 04/ 12 năm Cảnh Thịnh thứ 01
Ngày 17/ 05 năm Bảo Hưng thứ 02
Ngày 25/ 07 năm Khải Định thứ 09
Tổng: 06 đạo sắc phong.

Sắc phong cho Triệu Phù Hộ Quốc Đại Vương Thượng Đẳng Thần vào các ngày:
Ngày 08/ 08 năm Cảnh Hưng thứ 28
Ngày 16/ 05 năm Cảnh Hưng thứ 44
Ngày 23/ 03 năm Chiêu Thống thứ 01
Ngày 29/ 03 năm Quang Trung thứ 05
Ngày 04/ 12 năm Cảnh Thịnh thứ 01
Ngày 17/ 05 năm Bảo Hưng thứ 02
Ngày 08/ 06 năm Duy Tân thứ 05
Ngày 25/ 07 năm Khải Định thứ 09
Tổng: 08 đạo sắc phong.

Sắc phong cho Cai Minh Tự Đại Vương Thượng Đẳng Thần vào các ngày:
Ngày 08/ 08 năm Cảnh Hưng thứ 28
Ngày 29/ 03 năm Quang Trung thứ 05
Ngày 04/ 12 năm Cảnh Thịn thứ 01
Ngày 17/ 05 năm Bảo Hưng thứ 02
Ngày 25/ 07 năm Khải Định thứ 09
Tổng: 05 đạo sắc phong.


Và 1 Sắc phong ngày 18/3 Năm Khải Định 2 phong tặng chung cho 4 vị Thành Hoàng là: Lưu Đại Vương, Trung Trinh Đại Vương, Hộ Quốc Đại Vương , Phan Đại Tướng Đại Vương

Về niên đại : 44 đạo Sắc phong trên , xưa nhất là Sắc phong đề ngày 8/8 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 28 ( 1860 ) và gần nhất là Sắc phong đề ngày 25 tháng 7 niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924 ) .

Về hình thức : 44 đạo Sắc phong trên chỉ có một đạo Sắc phong bị hơi sờn mép chung quanh một chút , còn lại tất cả đều nguyên trạng như xưa .Cá c Sắc phong trên đều viết trên loại giấy đặc biệt, khổ lớn, hình chữ nhật, dầy và dai, có hoa văn rồng mây tuyệt đẹp mang phong cách của mỗi đời vua , mỗi Triều đại Trừ vài Sắc phong niên hiệu Bảo Hưng triều Quang Trung , tất cả các Sắc phong còn lại, chữ Hán viết rất rất đẹp, theo lối chữ chân , kiểu phồn thể , không có dấu chấm câu , áp dụng đúng phép “ đài “ ( cách viết chữ nhô lên đầu dòng ) của thời phong kiến, mỗi dòng thường viết 15 chữ . Riêng chữ “ sắc “được tách ra thành một hàng . Cuối đạo Sắc phong có ghi niên hiệu của vị Vua và ngày tháng phong tặng ( nhiều đạo Sắc phong ngày , tháng còn được viết bằng chữ số kép ) và có áp ấn son ở trên . Trong lòng ấn có khắc bốn chữ “ Sắc mệnh chi bảo” khắc theo lối chữ “Lệ”.

Về nội dung: các Sắc phong đều có bố cục tương đối giống nhau .
Mở đầu: Nêu các “ mĩ tự “ ( những từ ngữ ca ngợi phẩm chất tốt đẹp) mà vị Thành Hoàng trước đây Thần đã được phong tặng Kế đó, là một đoạn văn viết theo thể “ tứ lục” (cứ một câu bốn chữ lại đến một câu sáu chữ), ca ngợi phẩm chất của vị Thành Hoàng được phong tặng . Sau đó nêu lý do phong tặng .
Cuối cùng: là các “mĩ tự” hiện tại mà vị Thành Hoàng có được. Cuối đạo Sắc phong là hai chữ “ Cố sắc “ ( Nên có sắc này. nếu là Sắc phong của triều Hậu Lê, triều Nguyễn Quang Trung ) hoặc hai chữ “Khâm tai “ ( Kình vậy thay, nếu là Sắc phong triều Nguyễn Gia Long ) Riêng phần đầu các đạo Sắc phong của triều Nguyễn Gia Long còn nói rõ Sắc phong gửi cho làng Bát Tràng , huyện Gia Lâm , tỉnh Bắc Ninh , và phần cuối Sắc phong , còn nêu rõ điều nhà Vua mong mỏi ở Thần .
Đoạn ca ngợi phẩm chất của các vị Thành Hoàng vừa có nét chung vừa có nét riêng cụ thể như :

Với “Lưu Thiên Tử Đại Vương thì là “Mây nâng điềm lạ, rồng hiện thần hoá , sông phía bắc một phương trời yên định, xóm làng hiển rõ an lành, thịnh vượng,công giúp đỡ lớn lao rủ xuống bao điều tốt lành,trời phương nam nhiều đời vững vàng , nước nhà thịnh vượng,mạnh mẽ, tôn vinh , sức âm phù giúp đỡ tốt tươi,thực rất linh thiêng , công nghiệp rạng rỡ đáng nêu rõ trong bài sách mạnh”

Với “ Lã Đệ Tam Hoàng Thái Hậu Đại Vương” thì là “Chí bền vàng đá , tiết sánh băng sương, vẹn đức của đất, ban điều phải khiến nhân dân sống đúng khuôn mẫu, nương uy của trời, gắng sức phù trì vận nước dài lâu, sáng nghiệp cả thiêng liêng,vững công lao thần thánh,hiển rõ thứ bậc, dương phép tắc thờ cúng”.

Với “ Bạch Mã Đại Vương “ thì là “Chính khí đất bắc, thanh danh nước Nam như mây lành ngày tốt trời , chói chang, ngất ngưởng giữ gìn, ngăn chặn một phương, từng nhận búa vàng, cờ tiết trắng , một dạ chống kẻ lấn áp,mạnh mẽ biết bao, giúp giập muôn dặm, tên tuổi lớn lao đã rỡ ràng trong sử sách, phẩm trật vinh quang đã ghi rõ trong bài văn sách mạnh”.

Với “ Phan Đại Tướng Quân Đại Vương” thì là “Chính là khí thiêng núi sông giáng trần , thực là trời sinh đức độ, là dũng sĩ hiên ngang trấn giữ một vùng, chống xâm lược khiến cho núi sông rạng rỡ , công lao hiển hách chói ngời, vòi vọi đã rõ ràng , đáng long trọng khen tặng, biểu dương”.

Với “ Triệu Phù Hộ Quốc Đại Vương” thì là “đất đai thai nghén đức tốt, núi non un đúc khí thiêng, ngăn hoạn nạn, trừ tai nạn, mạnh thay sự sáng suốt cao cả,xung vào lực lượng chống xâm lược, bảo vệ đất nước, được phong tặng công lao,ngầm phù trì những chuyện lớn lao, diệu kì, đem đến điều vui mừng lớn lao, hiện rõ sự an lạc”

Với “ Cai Minh Tự Đại Vương” thì là: “đất thai nghén sự tốt lành, trời un đúc khí tinh anh , giúp dân ngầm chuyển oai thần, xóm làng bốn mùa thời tiết điều hoà tốt đẹp, giúp nước rộng ban ơn thánh , non sông muôn thuở vững âu vàng ,duy trì giúp đỡ sự thuần cẩn , thích hợp với phép tắc củ hành lễ khen ngợi phong tặng”.

Đoạn nêu lý do phong tặng của các Sắc phong đều mang dấu ấn của triều Vua . Cụ thể như:

Nếu là niên hiệu Cảnh Hưng thì là “vị vua kế nghiệp đã được tiến phong, Vương vị đã định, triều đình đã lập ,Tông xã vững vàng, cơ đồ lớn lao, lễ có nghi thức đăng trật, nên gia phong”. Nếu là niên hiệu Chiêu Thống thì là : “vì ngầm giúp cơ đồ hoàng gia, khôi phục chính quyền, lễ có nghi thức đăng trật, nên gia phong”. Nếu là niên hiệu Quang Trung thì là “vì ngầm giúp dư đồ Hoàng gia thu về một mối , lễ có nghi thức đăng trật nên gia phong”. Nếu là niên hiệu Bảo Hưng thì là : “vì nước nhà phong khí sáng sủa, định đô Bắc Hà, lập kỉ nguyên mới, ban hành chính lệnh, lễ có nghi thức đăng trật , nên gia phong”. Nếu là niên hiệu Tự Đức thì là : “nay Trẫm nối nghiệp cả , nay Trẫm nối nghiệm vua, vâng mệnh Trời sáng suốt, xa tưởng tới sự tốt lành của Thần đáng gia tặng”. Nếu là niên hiệu Khải Định thì là “ nay gặp ngày thọ của Vua, được đội ơn ban cấp Sắc phong, chuẩn cho thờ phụng,chính gặp Đại khánh tứ tuần của Trẫm, ban bảo chiếu này, ban ân nhân lễ đăng trật long trọng, xác nhận gia phong”.

Từ nội dung các Sắc phong trên nêu , ta có thể rút ra đôi điều. Trước hết là “ Lưu Thiên Tử Đại Vương và Lã Đệ Tam Hoàng Thái Hậu Đại Vương “ có phải là Lưu Bang và Lã Hậu như đã lưu truyền hay không. Nói khác đi các vị đó là nhân thần Trung Quốc hay nhân thần Việt Nam. Theo thiển ý của tôi thì có lẽ Lưu Thiên Tử trong Sắc phong không phải là Lưu Bang và Lã Đệ Tam Hoàng Thái Hậu không phải là Lã Hậu Hậu. Trước hết là vì, đã là Thiên Tử rồi thì sao lại còn là Đại Vương được.nữa .Ngoài ra, đã là Thiên tử của nhà Tiền Hán Trung Quốc thì sao “ Lưu Thiên tử” lại giúp cho “trời phương Nam nhiều đời vững vàng , nước nhà thịnh vượng,mạnh mẽ” Chưa kể, đã là Thiên tử của nhà Tiền Hán thì sao “công nghiệp rạng rỡ đáng nêu rõ trong bài sách mạnh” vì “sách mạnh” chỉ là bài văn của nhà vua ca ngợi công lao của thần dân.Sau hết, tình tiết “Mây nâng điềm lạ, rồng hiện thần hoá “ trong Sắc phong , lại trùng hợp với truyền thuyết của làng : xưa dân làng đã có một vị lớn tuổi, gốm sứ, đang lúc ngồi “tráng men” , thấy trên trời có mây ngũ sắc hiện lên , thấy trong chậu men có bóng rồng xuất hiện , vị đó đã xúc động mạnh gục xuống mà mất. Mặt khác, Lã Hậu là Hoàng hậu của Lưu Bang, sau này trở thành Lã Hoàng Hậu .
Thế nhưng trong Sắc phong lại là “ Lã Đệ Tam Hoàng Thái Hậu” Chưa kể, phẩm hạnh của Lã Hậu không phù hợp với điều trong sắc phong ca ngợi . Theo “Sử kí” của Tư Mã Thiên thì Lã Hậu là người “độc ác” nhiều tham vọng, sau khi Lưu Bang chết , đã đối xử hết sức tàn nhẫn với “ Thích phu nhân “ , người lúc sinh thời từng được Lưu Bang sủng ái- Cụ thể là “chặt chân tay (..) móc mắt đốt tai, cho uống thuốc thành câm, cho ở trong nhà tiêu gọi đó là “con người lợn”. Lại nữa, đình làng Bát Tràng xưa có 5 nóc. Nóc Ninh Tràng thờ Lưu Thiên Tử Đại Vương và Lã Đệ Tam Hoàng Thái Hậu Đại Vương . Họ Nguyễn Ninh Tràng là họ đầu tiên định cư trên đất Bát Tràng cổ ngày nay khoảng triều Lý -Trần ( thế kỷ XI đến XV) là lúc các vương triều của nước nhà hết sức thịnh trị , tinh thần độc lập, tự chủ rất cao thì đâu có lẽ lại có một làng thờ Lưu Bang - Lã Hậu là các nhân vật ở thời Tiền Hán Trung Quốc xa xưa chẳng có quan hệ gì với dân làng. Nếu thế thì chữ “Thiên tử”và “ Hoàng Hậu “ trong các Sắc phong phải chăng chỉ là những “mĩ tự” mà thôi.

Kế đó, trong Sắc phong ta thấy các vị Thành Hoàng còn lại tuy có phẩm chất khác nhau, nhưng đều có đặc điểm là “chống kẻ lấn áp “ , ” chống xâm lược “ hoặc để “ non sông muôn thuở vững âu vàng” . Hoá ra , dù là nhân thần hay thiên thần các vị đều có công vệ quốc., hộ dân Đó chính lí lẽ sống tự nghìn xưa dân tộc ta đã tôn thờ .

Ngoài ra, ta vô cùng tự hào và trân trọng khi thấy các Sắc phong triều Tây Sơn vẫn được dân làng ta giữ gìn nguyên vẹn . Thế mới biết tự xa xưa ông cha ta đã có quan điểm chính trị sáng suốt “Tổ quốc trên hết” bất chấp nguy hiểm , dám tàng trữ sắc phong của “Ngụy triều “ , vì “ Ngụy triều “đã có cô ng “dư đồ Hoàng gia thu về một mối” Từ đó, ta càng hiểu thêm vì sao làng Bát Tràng ta sau này đã có “ Phạm Văn Tráng ngày thứ bẩy ,12 tháng 4 năm 1913 đã giết tên tên Việt gian đầu xỏ , tuần phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hàn gần tỉnh lỵ Thái Bình” , “tháng 12/1944 , trên gác xép nhà cụ Vương Văn Tịch bài “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao đã được lên trang và lần đầu tiên ra mắt đổng bào cả nước trên tờ “Độc lập” ( Quê gốm Bát Tràng) rồi một nửa làng đã chấp nhận dời nhà cửa thân yêu đã định cư từ biết bao đời , hy sinh chùa, miếu nổi tiếng lâu đời , để cả nước có được Công trình đại thủy nông Bắc -Hưng - Hải, cũng như bao người con ưu tú của dân làng đã hy sinh vì Tổ quốc họ tên ghi rõ trong sách “ Lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Bát Tràng”.

Tự hào biết mấy về làng Bát Tràng của chúng ta.

Trần Thế Xương
06/05/2008
Gia Thanh (Sưu tầm)



Không có nhận xét nào:

Tra cứu nội dung Blog Battrang 360*